Xây dựng môi trường văn hóa - nền tảng tinh thần phát triển Tây Nguyên

08:08, 23/08/2018

Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bản địa hết sức quý giá; lại được tiếp nhận, bổ sung văn hóa từ các vùng miền về đây sinh cơ, lập nghiệp, tạo nên một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo. Ðồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một môi trường văn hóa hòa đồng, lành mạnh…

Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bản địa hết sức quý giá; lại được tiếp nhận, bổ sung văn hóa từ các vùng miền về đây sinh cơ, lập nghiệp, tạo nên một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo. Ðồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một môi trường văn hóa hòa đồng, lành mạnh…
 
Cồng chiêng và múa xoang là linh hồn trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: T.Chu
Cồng chiêng và múa xoang là linh hồn trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: T.Chu

Những yếu tố tác động
 
Từ năm 1975 đến nay, sự biến động dân cư ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã làm thay đổi căn bản quan hệ dân cư - dân tộc trong khu vực này. Tình trạng phân bố dân cư đan xen mang tính tự phát (trừ một vài nơi di dân theo kế hoạch), từ nhiều vùng khác nhau đến sinh sống tại Tây Nguyên làm cho đời sống văn hóa càng đa dạng và phức tạp hơn. Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc trước hết là kinh tế, cùng với sự đa dạng về tín ngưỡng, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tạo nên những độ vênh về văn hóa, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nó ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng ở cơ sở. 
 
Sự tác động của giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc, vừa đem lại thời cơ để phát triển, vừa đặt ra những thách thức to lớn đối với nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, đối với văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Một trong những thách thức của giao lưu và hội nhập quốc tế là các thế lực thù địch, phản động luôn luôn lợi dụng sự tác động quốc tế này để thực hiện âm mưu “diễn biến hào bình”, chia rẽ dân tộc và tôn giáo, phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội, tạo sự xung đột về văn hóa, dẫn đến sự bất ổn về chính trị.
 
Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH đất nước là nhân tố tác động mạnh mẽ tạo nên sự đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đời sống văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số. Văn hóa vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng đã và đang có nhiều biến đổi sâu sắc. Sự tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực tạo nên sự xáo trộn trong đời sống tâm lý, tình cảm, lối sống, phong tục tập quán của đồng bào. Vì vậy, để xây dựng môi trường văn hóa ở khu vực Tây Nguyên, chúng ta cần chú ý cả yếu tố tác động tích cực, cả yếu tố tiêu cực nhằm tạo điều kiện vừa bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vừa xây dựng các giá trị văn hóa mới đáp ứng với yêu cầu phát triển hiện nay.
 
Một số giải pháp 
 
Xây dựng môi trường văn hóa ở Tây Nguyên có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt văn hóa mà cả về phương diện chính trị, kinh tế; tạo động lực cho sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, cởi mở tin cậy và tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Điều đáng lưu ý là do phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên còn nhiều yếu tố lạc hậu, nên việc đầu tư giữ gìn, khai thác và phát huy các giá trị tích cực, tiến bộ của văn hóa vừa gây tốn kém về kinh tế, vừa ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, lại bị kẻ thù lợi dụng, làm cản trở sự phát triển đi lên của toàn vùng.
 
Thực tế hơn 30 năm đổi mới, thực hiện quan điểm đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn, gìn giữ và phát huy có hiệu quả; đồng thời nhiều yếu tố lạc hậu thậm chí có cả hủ tục, mê tín dị đoan cũng được khôi phục, phát triển thiếu chọn lọc đang làm cho môi trường văn hóa bị ô nhiễm đáng báo động. Trước tình hình đó, cần quán triệt toàn diện và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới để xây dựng môi trường văn hóa ở Tây Nguyên hiện nay “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ”, “Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”, “Cái mới mà hay thì ta phải làm”; bởi “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Quốc gia, Hà Nội, 2002, t5, trang 94-95).
 
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về văn hóa, việc xây môi trường văn hóa ở Tây Nguyên có nhiều nhóm giải pháp, nhưng do khuôn khổ của bài viết nên chỉ đề xuất một số giải pháp có tính chất gợi mở sau đây:
 
Trước hết, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức của người dân - chủ thể văn hóa, của các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí và vai trò của văn hóa trong hệ thống xã hội, nhấn mạnh văn hóa là tiêu chí nổi bật của tiến bộ văn minh xã hội, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, chất keo kết gắn các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên thành một khối thống nhất. 
 
Cần nhận diện một cách đúng đắn về đặc trưng văn hóa truyền thống Tây Nguyên để có cách ứng xử khôn ngoan, phù hợp. Hiện nay, sự thu hẹp và thay đổi một cách nhanh chóng không gian sinh tồn, không gian văn truyền thống Tây Nguyên (Rừng - Làng - Luật tục) đã tác động một cách tiêu cực lên mọi mặt đời sống của nhiều cộng đồng dân tộc, từ văn hóa, sinh kế cho đến quan hệ xã hội giữa các cộng đồng cũng như các thành viên trong một cộng đồng. Theo đó, văn hóa truyền thống Tây nguyên đang mai một, mất dần nếu không có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Tuy nhiên, việc bảo tồn văn hóa truyền thống Tây Nguyên không thể trở về như cũ, mà nó phải được tiếp biến thông qua chính chủ thể của nó và bằng những cơ chế, chính sách đặc thù; có như vậy, hy vọng mới bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên một cách bền vững.  
 
Đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế,…; coi trọng xây dựng văn hóa ở các khu vực: thành thị, nông thôn, trường học, doanh nghiệp, doanh trại quân đội; xây dựng các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự thành những cơ sở văn hóa; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, tối ưu hóa, khoa học hóa kết cấu hạ tầng văn hóa; chú trọng tới đời sống sinh hoạt hằng ngày tạo dựng lên một không khí văn hoá đại chúng tích cực, tiến bộ,... Qua đó, nhằm tăng cường sức tác động của văn hóa vào khu vực này.
 
Muốn hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, vấn đề đặt ra là phải làm sao để văn hóa hiện thực đương đại bắt rễ thật sâu vào đời sống của nhân dân.
Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các vấn đề về văn hóa dân tộc để gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa giáo dục với văn hóa Tây Nguyên nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ Tây Nguyên - những chủ nhân tương lai của vùng đất có vị trí địa chính trị quan trọng này. 
 
Tôn giáo và tâm linh là một nét đặc trưng, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Tây Nguyên. Điều đó đặt ra yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, nhất là luật tục một cách đúng đắn, sáng tạo. Cần nhìn nhận, khuyến khích mặt tích cực của một số tôn giáo ở Tây Nguyên, hướng tới mục tiêu chung là sự ổn định và phát triển. Tuyệt đối không để kẻ thù lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định tình hình.
 
Có những cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch. Phục hồi rừng - không gian văn hóa tộc người Tây Nguyên vừa để ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đất và người Tây Nguyên; từ đó hình thành các mô hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch gia đình… Việc xây dựng và đưa các mô hình du lịch văn hóa - sinh thái, nhất là văn hóa buôn làng, văn hóa cồng chiêng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn một mặt nhằm gắn phát triển du lịch với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để họ thực sự phát huy vai trò làm chủ của mình trong hoạt động du lịch, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân cả về vật chất và tinh thần; mặt khác còn góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất đại ngàn tới du khách trong và ngoài nước. Đây được coi là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.
 
KHÁNH LINH