Xứng danh người thương binh tiêu biểu toàn quốc

08:08, 01/08/2018

Thương binh Ðỗ Xuân Cúc với tỷ lệ thương tật 41%, bị nhiễm chất độc da cam Dioxin dẫn đến bệnh tiểu đường tuyp II và biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim... Với phẩm chất cao quý của "Bộ đội Cụ Hồ", anh không chỉ hoàn thành xuất sắc trong chiến đấu mà còn trong nhiều công việc sau xuất ngũ, và trở thành đại biểu dự Hội nghị Biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018. 

Thương binh Ðỗ Xuân Cúc với tỷ lệ thương tật 41%, bị nhiễm chất độc da cam Dioxin dẫn đến bệnh tiểu đường tuyp II và biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim... Với phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, anh không chỉ hoàn thành xuất sắc trong chiến đấu mà còn trong nhiều công việc sau xuất ngũ, và trở thành đại biểu dự Hội nghị Biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018. 
 
Thương binh Đỗ Xuân Cúc (bên trái) tại Hội nghị Biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 ở thành phố Vũng Tàu
Thương binh Đỗ Xuân Cúc (bên trái) tại Hội nghị Biểu dương Người có công
với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 ở thành phố Vũng Tàu

Theo giới thiệu của Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, thương binh Lê Xuân Dũng, tôi liên lạc đặt vấn đề viết về anh Đỗ Xuân Cúc. Ban đầu, anh khiêm tốn nên thoái thác: “Thôi, tôi ở tận huyện Đạ Huoai, cùng đi với tôi còn có người ở Đà Lạt, anh đến làm việc đó cho gần”. Sau này anh Cúc mới chịu đồng ý chia sẻ với tôi về bản thân. Anh sinh ngày 3 tháng 9 năm 1953, quê quán ở thôn Chu Nguyên, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1970, dù chưa đủ tuổi nhập ngũ, nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đỗ Xuân Cúc làm đơn tình nguyện xung phong đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Cùng đồng đội kinh qua nhiều chiến trường ác liệt và trong một trận ở Sa Đéc, tháng 3 năm 1973, Đỗ Xuân Cúc đã bị thương khi chưa tròn 20 tuổi. Mãi sau ngày miền Nam giải phóng, tháng 12 năm 1975 anh mới rời chiến trường ra Trạm Điều dưỡng TB2 ở tỉnh Hà Bắc. Đất nước đã hòa bình, sức khỏe đã tạm ổn, tháng 10 năm 1977, Đỗ Xuân Cúc quyết định đến với giảng đường đại học. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngành Kinh tế - Chính trị, anh trở về tỉnh Hà Bắc, cũng như bao đồng đội khác tham gia công cuộc xây dựng đất nước và giữ nhiều trọng trách quản lý, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đảng và Đoàn Thanh niên. Tháng 10 năm 1988, sức khỏe vơi cạn, gia đình khó khăn, cựu chiến binh Đỗ Xuân Cúc xin nghỉ việc cơ quan và chuyển vào Lâm Đồng, chính thức trở thành cư dân thị trấn Madaguôi đến hôm nay. 
 
Những ngày đầu lập nghiệp vô cùng gian nan. Khó khăn chồng chất khó khăn, từ đặc điểm địa lý thổ nhưỡng khắc nghiệt đến hoàn cảnh gia đình ba con còn rất nhỏ, bản thân chỉ còn một chân... Vợ chồng anh Cúc bươn bả đủ thứ nghề để vượt qua cuộc sống nghèo túng: làm bún; làm bánh cuốn mang chợ bán; nuôi gà, heo... Nhưng do thiếu cả kinh nghiệm và tiền bạc nên gia đình gặp thất bại triền miên. Trước hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ấy, gia đình anh được địa phương, tập thể cựu chiến binh và xóm làng đùm bọc, giúp đỡ tận tình. Bản thân thương binh Đỗ Xuân Cúc không trông chờ vào Nhà nước, không lùi bước trước khó khăn. Anh vận dụng kiến thức đã được đào tạo, tích cực lao động cần cù, đúc kết kinh nghiệm từ thất bại và thành công, kết quả theo năm tháng đã bù đắp “quả ngọt” cho anh và gia đình. Túp lều tranh vách nứa cũ nát mua lại hồi nào đã được thế chỗ bằng ngôi nhà xây kiên cố khang trang với diện tích gần 200 m2. Cùng đó là những tiện nghi, phương tiện có giá trị. Kiến thức chuyên môn vẫn được cử nhân Đỗ Xuân Cúc trau dồi và phát huy với bản hợp đồng vị trí kế toán một công ty có mức thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Noi gương người bố, ba đứa con của anh chị đều tốt nghiệp đại học và hai cháu là giám đốc hai công ty tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có nhà và xe hơi; cháu út làm việc tại một trường phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Tấm gương sáng thương binh Đỗ Xuân Cúc còn lan tỏa sâu rộng trong địa phương huyện Đạ Huoai, đặc biệt là qua nhiều buổi anh được mời nói chuyện giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ các trường học. Cán bộ và nhân dân huyện Đạ Huoai còn biết đến một Đỗ Xuân Cúc xông xáo, nhiệt huyết và gương mẫu trong nhiều cương vị, nhiều phong trào ở địa phương: văn hóa-văn nghệ, thể thao, xóa nhà tạm, xây nhà tình nghĩa,... Người dân thị trấn không quên nghĩa cử về việc anh đã tự nguyện bỏ gần 4 triệu đồng (bằng 3 tháng lương trợ cấp thương binh 3/4 của mình) để làm đường cho lối xóm vào năm 2008. Sau đó 4 năm, được sự giúp đỡ của Nhà nước và địa phương, chính anh Cúc chủ động vận động bà con đóng góp gần 100 triệu đồng (cá nhân anh góp vào 36 triệu), cùng hàng trăm ngày công lao động, hiến hàng trăm m2 đất và hoa màu, cây cối lâu năm để xây dựng hoàn thành con đường bê tông dài 264 mét, rộng 4 mét, tạo bộ mặt nông thôn mới khang trang và an ninh. Anh Đỗ Xuân Cúc chia sẻ: “Mặc dù rời xa quân ngũ đã lâu nhưng bản thân tôi luôn tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, giữ vững truyền thống phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sống hòa đồng với anh em và lối xóm, xây dựng tình đoàn kết, tạo được uy tín trong tổ chức và nhân dân , đã hòa giải thành nhiều vụ xích mích nên được bà con tin tưởng”. 
 
Năm 2011, cựu chiến binh Đỗ Xuân Cúc còn tham gia cùng đồng đội chiến đấu cũ lặn lội gần 1 tháng về địa bàn chiến trường xưa tại Đồng Tháp để tìm hài cốt đồng đội hi sinh sau gần 40 năm và chu đáo đưa về quê nhà cùng gia đình, địa phương tổ chức lễ an táng long trọng, chu đáo... Anh, một quân nhân, một cựu chiến binh kiên cường và nhân ái. Đỗ Xuân Cúc xứng đáng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” cùng 4 bằng khen của các cấp trung ương, địa phương...
 
MINH ÐẠO