Ðộc đáo nhạc cụ truyền thống của người Churu

10:08, 09/08/2018

Âm nhạc từ xa xưa đã là một phần thiết yếu trong cuộc sống của mọi dân tộc. Vì lẽ đó mà con người luôn không ngừng sáng tạo ra các loại nhạc cụ để làm cho cuộc sống trở nên phong phú, hứng khởi, nhiều màu sắc hơn. Và người Churu - một trong 3 dân tộc sinh sống lâu đời ở Lâm Ðồng cũng đã sáng tạo cho riêng mình nhiều loại nhạc cụ độc đáo.

Âm nhạc từ xa xưa đã là một phần thiết yếu trong cuộc sống của mọi dân tộc. Vì lẽ đó mà con người luôn không ngừng sáng tạo ra các loại nhạc cụ để làm cho cuộc sống trở nên phong phú, hứng khởi, nhiều màu sắc hơn. Và người Churu - một trong 3 dân tộc sinh sống lâu đời ở Lâm Ðồng cũng đã sáng tạo cho riêng mình nhiều loại nhạc cụ độc đáo.
 
Trai gái người Churu trình diễn dân vũ Arya trên nền các nhạc cụ dân tộc. Ảnh: T.An
Trai gái người Churu trình diễn dân vũ Arya trên nền các nhạc cụ dân tộc. Ảnh: T.An

Có thể kể những nhạc cụ của người Churu như: kèn bầu, đàn tre, sáo, trống, chiêng… Trong quá trình chung sống dù có sự tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, nhưng phương pháp chế tác, cách thức trình tấu và hoàn cảnh sử dụng các nhạc cụ của người Churu lại mang bản sắc riêng biệt. 
 
Nhạc cụ đầu tiên phải kể đến là cêng (chiêng). Khác với chiêng của người K’Ho, Mạ là bộ chiêng 6 (mỗi cái chiêng ứng với 1 thang âm thanh, khi diễn tấu phải cần một dàn 6 người, mỗi người giữ một thang âm); thì chiêng của người Churu là bộ chiêng 3, có kích thước khác nhau, được gắn cố định lên một dàn làm bằng tre. Tên các chiêng trong bộ chiêng 3 của người Churu cũng mang đậm dấu ấn của xã hội mẫu hệ - mỗi chiêng mang tên đại diện những người đang làm chủ gia đình hoặc tương lai sẽ là chủ gia đình. Chiêng lớn nhất có tên là Ana (chiêng mẹ), có âm tơlơ (âm trầm nhất); chiêng kích thước lớn thứ 2 tên Dra (có nghĩa là cô gái), mang âm dìng (âm cao hơn chiêng mẹ); chiếc nhỏ nhất có tên là Anà (nghĩa là con), mang âm ding (âm cao nhất). Không giống như các dân tộc cùng là chủ nhân của Di sản Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, khi diễn tấu bộ chiêng 3 chỉ cần một nghệ nhân đứng trước dàn chiêng, cầm dùi gõ vào từng chiêng theo giai âm, làn điệu, cung bậc của từng bài dân ca muốn thể hiện như cách người ta gõ lên những phím đàn. Người trình tấu phải hiểu, phải thuộc từng bài chiêng để đánh đúng cung bậc, tiết tấu, nhịp điệu và thể hiện xúc cảm, tình cảm của mỗi bài chiêng theo từng giai điệu. Chiêng 3 thường diễn tấu hòa âm cùng các nhạc cụ dân tộc truyền thống khác của người Churu như trống, kèn bầu, đàn tre, kèn môi, sáo làm nhạc đệm cho các làn điệu dân ca, dân vũ như Arya, Tamya, Prơ pơl, T’run Pô, Lơgăr taptung, Păgơnăng... Ngoài chiêng 3, người Churu còn có chiêng đôi; chiêng đôi không có bài cụ thể, người diễn tấu được tự do sáng tạo ngẫu hứng; tùy vào tâm trạng, hoàn cảnh, tình cảm mà tiếng chiêng tấu lên những âm thanh đắm say, nhẹ nhàng, sâu lắng, buồn bã hay tưng bừng, rộn rã, cuồng nhiệt, thể hiện rõ dấu ấn cá nhân, nếu hay sẽ được cả cộng đồng hưởng ứng.
 
Nhạc cụ truyền thống tiếp theo có thể kể là Sơng gơr (trống); trống của người Churu có 3 loại: trống to, trống vừa và trống nhỏ. Trống to thường được dùng trong các cuộc đi săn của cộng đồng để làm hiệu lệnh hoặc để gióng lên xua đuổi thú dữ khi gặp chúng. Trống vừa và trống nhỏ thường dùng diễn tấu với các nhạc cụ khác trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa tinh thần. Thân trống thường được làm từ một thân cây đục rỗng bên trong. Hai mặt trống được bịt bằng da trâu rừng phơi khô, được cố định bằng dây mây quấn quanh thân trống xiết chặt, rồi căng ra bởi những chiếc đinh làm bằng tre già gim chặt vào thân trống. Cùng với bộ chiêng 3, trong dàn hòa tấu các nhạc cụ, trống có vai trò giữ nhịp làm cho lời dân ca thêm ngọt ngào, những vũ điệu dân vũ Arya thêm uyển chuyển, nhịp nhàng, cồng chiêng thêm trầm hùng, máu lửa. 
 
Nhạc cụ thứ ba chúng tôi muốn nhắc tới là lơker (kèn bầu) - nhạc cụ bộ hơi tiêu biểu của người Churu. Kèn bầu được làm từ vỏ trái bầu hồ lô phơi khô gắn với 6 ống nứa dài ngắn khác nhau có đục lỗ, mỗi ống nứa ứng với một nốt nhạc. Muốn có một chiếc kèn bầu đủ hay, chuẩn về âm thanh thì người nghệ nhân chế tác phải chọn quả bầu già, tròn đều, phơi khô, các ống nứa cũng già đủ độ đẹp, bền. Nghệ nhân phải khéo léo đục lỗ trái bầu vừa khít đặt 6 ống nứa vào, rồi trét sáp ong gắn chặt, cố định các ống nứa dính chặt với trái bầu vừa đảm bảo mỹ thuật và kỹ thuật. Khi diễn tấu, nghệ nhân đưa phần cuống trái bầu lên miệng thổi, đồng thời dùng những ngón tay của cả hai bàn tay đặt vào các lỗ đã khoét trên 6 ống nứa. Các ngón tay sẽ điều khiển thanh âm theo giai điệu, nhịp điệu trình tấu. Kèn bầu có thể độc tấu, có thể nhiều kèn bầu cùng hợp tấu, có thể hòa tấu với các nhạc cụ khác như chiêng, trống các lễ hội của buôn làng. Vào các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người con gái, con trai Churu biết thổi kèn bầu thường gây được sự chú ý của người khác, bởi bên cạnh đòi hỏi sự am hiểu âm luật thì phong cách diễn tấu kèn bầu là cả một sự duyên dáng cuốn hút, những ngón tay như múa, toàn thân đung đưa, lắc lư theo nhịp... Ngoài ra, kèn bầu còn được sử dụng trong sinh hoạt đời thường, nam nữ thanh niên trong làng trổ tài vào các buổi tối đi chơi nhóm hoặc thổ lộ tình cảm với nhau, mượn tiếng tu tù tu để nói lên tâm sự trong lòng. 
 
Tơ lía (sáo) của người Churu cũng là nhạc cụ bộ hơi được làm từ ống nứa, dài ngắn tùy vào sở thích của người chế tác, thường có độ dài dưới 1m. Có 2 loại sáo gồm sáo 3 lỗ và sáo 2 lỗ. Ống nứa dùng để làm sáo phải đủ kích thước, không to, không nhỏ, đủ độ già để đảm bảo bền, đẹp, khi gõ phải phát ra tiếng vang lách cách. Việc khoét 2 - 3 lỗ trên ống sáo hoặc làm bóng thân sáo đòi hỏi công phu, riêng làm phần đầu thổi phải dồn nhiều tâm sức nhất. Đầu thổi được đặt ngay sát đốt ống nứa, được đẽo vát bên dưới nghiêng một góc 60o, phía trên gọt vát mỏng được gắn thêm một thanh nứa, hai bên của đốt ống nứa được khoét lỗ để tạo âm. Khi trình tấu, nghệ nhân sẽ đưa đầu thổi vào miệng, các đầu ngón tay đặt vào 3 lỗ trên thân cây sáo để điều khiển âm thanh, giai điệu. Riêng sáo 2 lỗ, người thổi sẽ đặt đầu thoát âm vào các vật dụng hỗ trợ như bình gốm nhỏ, lọ gốm tạo ra âm thanh trầm ấm, dìu dặt hơn…
 
Đàn tre là nhạc cụ thuộc bộ dây duy nhất trong nhạc cụ truyền thống của người Churu, gần giống với cây đàn Chapi của người Raglai (nhạc cụ đã trở nên nổi tiếng qua bài hát Giấc mơ Chapi của Trần Tiến). Độc đáo bởi thân đàn và dây đàn là một ống tre không tách rời, các dây của đàn được làm từ chính phần vỏ của thân ống tre. Để chế tác, nghệ nhân đã chọn một ống tre nằm giữa 2 đốt đủ dài, đủ dày, đủ già, đủ lớn; rồi khéo léo dùng mũi dao sắc nhọn tách lớp vỏ ống tre, sau đó phân chia, gọt tỉa, trau truốt thành những dây đàn; mỗi dây mảnh bằng nửa cây tăm cách đều nhau từ 1 - 2 cm xung quanh ống tre. Sau đó dùng những miếng tre nhỏ chèn vào đầu của mỗi sợi dây tạo khoảng cách giữa thân ống tre và dây đàn, làm cho mỗi dây có độ căng - chùng khác nhau để định âm cho từng dây. Ống tre cũng chính là bộ phận cộng hưởng âm thanh của đàn, được làm nhẵn và tạo lỗ tiếp âm ở trên thân đàn hoặc ở hai đầu đảm bảo thẩm mỹ. Đàn tre được sử dụng mọi lúc mọi nơi, có thể mang đi chơi, đi lao động sản xuất, làm ruộng, bắt cá, hái rau rừng… Khi gẩy đàn phát ra âm thanh bập bưng, trầm bổng rất vui tai. 
 
Từ xưa, khi chưa có bất cứ loại hình nghệ thuật giải trí nào, vào những lễ hội truyền thống, đồng bào Churu quần tụ bên đống lửa, nhà sàn, rơm rạ; sau khi các nhạc cụ được tấu lên thực hiện nghi lễ truyền thống, người Churu lại cùng truyền tay nhau các nhạc cụ để trổ tài, thi thố, người chơi nhạc, người hát, người nhảy múa đến thâu đêm suốt sáng. Không chỉ đánh giá con người qua việc chăm chỉ lao động sản xuất, người Churu còn đặt nặng giá trị tinh thần trong đời sống của người đó. Trai gái Churu chơi các nhạc cụ giỏi, hát, múa giỏi đều là người “đắt” vợ, “đắt” chồng; đến khi già thường là người có uy tín, được cộng đồng nể trọng. Chính vì thế, các già làng của cộng đồng người Churu thường là những người nắm giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có âm nhạc; họ là những người giỏi chế tác, diễn tấu các nhạc cụ của dân tộc mình. 
 
Cùng với sự phát triển, các sinh hoạt văn hóa truyền thống, các nghi thức mùa màng, lễ hội của người Churu cũng dần thay đổi, vì thế các nhạc cụ dân tộc cũng ít có dịp sử dụng và đang dần bị mai một. Đặc biệt là các nghệ nhân biết chế tác các nhạc cụ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với nỗ lực gìn giữ và phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có các nhạc cụ đi kèm với cồng chiêng, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã thực hiện kiểm kê di sản, tổ chức, phục dựng các lễ hội, truyền dạy cồng chiêng, thành lập các đội, nhóm CLB cồng chiêng tại các buôn làng. Nhờ vậy, các nhạc cụ như chiêng, trống, kèn bầu của người Churu vẫn thường xuyên trình diễn trên các sân khấu liên hoan ca múa nhạc trong và ngoài tỉnh, vừa là môi trường “sống” của các nhạc cụ, vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào.
 
THÁI AN