Để trẻ khiếm thính phát triển toàn diện

08:09, 28/09/2018

Khác với những trường mầm non khác, lớp học mầm non ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng "ồn ào" một cách rất riêng. Chúng là những đứa trẻ đã 5, 6, 7 tuổi mới có những buổi học đầu đời. 

Khác với những trường mầm non khác, lớp học mầm non ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng “ồn ào” một cách rất riêng. Chúng là những đứa trẻ đã 5, 6, 7 tuổi mới có những buổi học đầu đời. 
 
Với mỗi chủ đề khác nhau, các cô giáo sẽ dùng hình ảnh, hiện vật để minh họa. Ảnh: H.Thắm
Với mỗi chủ đề khác nhau, các cô giáo sẽ dùng hình ảnh, hiện vật để minh họa. Ảnh: H.Thắm
 
Tăng cường nền tảng ngôn ngữ ký hiệu
 
Những tiết học của thầy và trò Trường Khiếm thính Lâm Đồng vẫn luôn khác biệt, không có tiếng nói, tiếng cười. Những gương mặt ngây ngô khi thì chăm chú, lúc lại hiếu động đến nỗi có thể chạy nhảy trong phòng một cách vô tư. Theo các giáo viên, sở dĩ như vậy là vì các em lần đầu tiên được tiếp xúc với môi trường giáo dục, các thầy cô (cả người nói lẫn người điếc) phải rất vất vả mới có thể dần dần ổn định lớp. 
 
Trong suốt các buổi lên lớp, 2 cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Trần Thủy Tiên và Trương Thị Thùy Hương gần như sử dụng ngôn ngữ ký hiệu liên tục. Năm học 2017 - 2018 là năm đầu tiên Trường Khiếm thính Lâm Đồng phân công cho giáo viên là người khiếm thính phụ trách công tác chủ nhiệm 2 lớp học mầm non với gần 20 học sinh. Theo lãnh đạo nhà trường, điều này nhằm tăng cường nền tảng ngôn ngữ ký hiệu của học sinh, giúp các em có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp thu kiến thức, phát triển toàn diện các kỹ năng như những đứa trẻ bình thường.
 
Theo các cô, khác với trẻ mầm non bình thường, trẻ khiếm thính nào cũng sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu những buổi học đầu tiên bởi dường như các em hầu như không có bất kỳ nền tảng ngôn ngữ ký hiệu. Bên cạnh các tiết học với máy trợ thính, thầy cô giáo chính là những người đầu tiên dạy các em về ngôn ngữ ký hiệu nên mất rất nhiều thời gian. “Tuần đầu mình đứng lớp và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, em nào cũng ngơ ngác vì không hiểu gì khiến mình vô cùng áp lực. Hầu hết đều nghịch ngợm nhưng chúng còn nhỏ, từ từ sẽ ngoan. Nếu từ 2 - 3 tuổi là giai đoạn trẻ tiếp thu ngôn ngữ tốt nhất thì phần lớn các em học sinh khiếm thính lại không có được cơ hội này. Không quan trọng là bao lâu, mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để bù đắp khoảng thời gian bị bỏ trống trước kia của các em”, chị Thủy Tiên chia sẻ. 
 
Cô giáo Nguyễn Trần Thủy Tiên là người đã gắn bó với nhiều dự án hỗ trợ giáo viên và học sinh tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Năm học này chị quyết định xin ở lại trường để trực tiếp giảng dạy cho học sinh khiếm thính. Bởi chị Thủy Tiên cho rằng, so với những thành phố lớn, trẻ em khiếm thính nơi đây còn thiếu thốn về nhiều mặt, cả về cơ sở vật chất lẫn nền tảng ngôn ngữ, kiến thức... Cả cô giáo Thủy Tiên và Thùy Hương đều hy vọng với những kiến thức đã được học sẽ giúp thế hệ các em học sinh phát triển tốt hơn trong tương lai.
 
“Dù nhiều tuổi hơn các em ở nhiều trường mầm non khác nhưng các em như một tờ giấy trắng, gần như chẳng có kỹ năng gì, ngay cả khả năng tập trung cũng không. Năm đầu chủ nhiệm các em, mình rất vui nhưng cũng lo lắng không biết có được kết quả như mình mong muốn hay không. Mình cũng sợ chương trình nặng so với các bé nhưng sau một thời gian thì thấy yên tâm hơn rồi”, chị Thùy Hương tâm sự.
 
Nên sớm đưa trẻ đến trường
 
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng nhà trường, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, hiện nay có thể phát hiện trẻ có bị điếc hay không từ rất sớm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng sâu vùng xa, nhiều bậc phụ huynh dù có phát hiện trẻ bị điếc thì cũng để trẻ ở nhà cho bé tự phát triển mà không đưa đến các trường chuyên biệt. Điều này dẫn đến tình trạng có những em đã gần 10 tuổi mới đến trường nhập học và khó tiếp thu kiến thức từ giáo viên. Hàng tháng, tại trường, vẫn mở những lớp ngôn ngữ ký hiệu miễn phí dành cho phụ huynh và những người có nhu cầu tìm hiểu. Tuy nhiên, theo thống kê thì số lượng tham gia vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do nhiều gia đình có con em theo học tại trường ở các huyện gặp khó khăn về khoảng cách, điều kiện kinh tế...
 
“Khi cha mẹ cũng không biết ngôn ngữ ký hiệu thì vừa không thể giao tiếp với trẻ và đôi khi cũng không thể trao đổi trực tiếp với giáo viên về tình trạng của các cháu. Chúng tôi mong quý vị phụ huynh cần bằng mọi cách đưa trẻ đến trường càng sớm càng tốt. Nhiều người đang sai lầm khi cho rằng trẻ bị điếc thì không thể làm gì nhưng nếu các em được học tập trong môi trường phù hợp thì có thể phát triển bình thường. Mỗi em có một năng khiếu nhất định và vấn đề là chúng ta có đủ năng lực để dạy và đánh thức tiềm năng của mỗi em hay không”, cô Minh cho hay.
 
HỒNG THẮM