CN, 13/04/2025, 06:41

Cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm

08:09, 24/09/2018

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội nghị tại TP Ðà Lạt triển khai hoạt động cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm khu vực Tây Nguyên. Theo đó, nhóm thực phẩm nước uống đóng chai và đá thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật nhiều nhất.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội nghị tại TP Ðà Lạt triển khai hoạt động cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) khu vực Tây Nguyên. Theo đó, nhóm thực phẩm nước uống đóng chai và đá thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật nhiều nhất.
 
Kiểm tra ATTP tại cơ sở bánh Liên Hoa. Ảnh: A.Nhiên
Kiểm tra ATTP tại cơ sở bánh Liên Hoa. Ảnh: A.Nhiên

Kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố ATTP ghi nhận từ năm 2007-2017, cả nước xảy ra 1.960 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 56.282 người mắc, 394 người chết, 51.200 người đi viện. Trung bình hàng năm cả nước xảy ra 178 vụ NĐTP, với 5.116 người mắc, 35 người chết và 4.654 người nhập viện điều trị. Thống kê 8 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 52 vụ NĐTP làm 1.300 người mắc, 1.047 người đi viện và 11 người tử vong.
 
Trong quá trình bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tổ chức thực hiện hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm định kỳ và đột xuất. Tại Bộ Y tế, Cục ATTP đã phối hợp với các viện chuyên ngành và các địa phương thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm định kỳ, các nghiên cứu đánh giá nguy cơ ô nhiễm đối với một số thực phẩm.
 
Trong thời gian qua, Cục ATTP đã giám sát và phát hiện tình trạng ô nhiễm thực phẩm trên các loại thực phẩm. Hoạt động giám sát đã phát hiện khá nhiều các vi phạm gây ô nhiễm thực phẩm nhưng nhìn chung quy mô ảnh hưởng thường khu trú (do các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cả nước chủ yếu nhỏ lẻ chiếm 70 -75%). Căn cứ theo mức độ ảnh hưởng, nguy cơ ảnh hưởng, nguyên nhân gây ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm đã được xử lý và áp dụng các biện pháp kiểm soát ATTP.
 
Các mối nguy thường gặp phải là do vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP, sử dụng các hoạt chất trong nuôi trồng, chăn nuôi và sử dụng phụ gia thực phẩm trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Tình trạng ô nhiễm thực phẩm trong thời gian qua đã gây ngộ độc cấp tính, tuy chưa làm gia tăng số vụ, số người mắc NÐTP nhưng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài là có thật nếu không được kiểm soát kịp thời và hiệu quả.
 
Theo thống kê của Cục ATTP từ đầu năm đến nay qua báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương về giám sát mối nguy ATTP, có 2.566 mẫu thực phẩm đã được giám sát, trong đó có 80 mẫu thực phẩm sàng lọc. Kết quả phát hiện thực phẩm không đảm bảo ATTP do nhóm vi sinh vật: tỉ lệ mẫu thực phẩm bị nhiễm Coliforms là nhiều nhất chiếm 15%, tiếp đến là Escherichia coli 14,7%; nhiễm Pseudomonas aeruginosa 2,5%; không ghi nhận mẫu thực phẩm bị nhiễm tổng số bào tử nấm men nấm mốc và tổng số vi sinh vật hiếu khí. Thực phẩm không đảm bảo ATTP do nhóm hóa chất gồm: tỉ lệ mẫu thực phẩm vượt ngưỡng Cyclamate chiếm cao nhất 10%, tiếp theo là methanol 9,3%; Foocmon 4,4%; không ghi nhận trường hợp mẫu thực phẩm nhiễm Hypochorit, Nitrit và Natri benzoate. 
 
Nhằm tăng cường công tác giám sát, kiểm soát mối nguy từ thực phẩm, đưa ra các cảnh báo giúp cho các nhà quản lý thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Tây Nguyên, Viện Vệ sinh Dịch tễ (VSDT) Tây Nguyên đã thực hiện các đợt giám sát mối nguy trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 2017 đến tháng 8/2018, Viện đã thực hiện 6 đợt giám sát mối nguy theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế và hướng dẫn của Cục ATTP về việc giám sát các sản phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý gồm 8 nhóm thực phẩm và các chỉ tiêu xét nghiệm theo quy định. 
 
Kết quả trong 8 nhóm thực phẩm Viện VSDT giám sát, tập trung nguy cơ ô nhiễm chủ yếu nhóm đá thực phẩm (gồm nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm), số mẫu không đạt chiếm 86,3%; tiếp đến là nước uống đóng chai, số mẫu không đạt 56,8%; nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có số mẫu không đạt 3,7%; nhóm sản phẩm phụ gia thực phẩm (gồm chất tạo màu, điều vị, nhũ hóa, chất tạo cứng, chất bảo quản), số mẫu không đạt 0,9%. Qua giám sát không phát hiện mối nguy ô nhiễm tại các nhóm thực phẩm dinh dưỡng Y học; thực phẩm dùng cho chế độ đặc biệt; thực phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và nước khoáng thiên nhiên.
 
Ghi nhận của Viện VSDT trong hai năm gần đây, từ hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm khu vực Tây Nguyên, tỉ lệ ô nhiễm đối với nhóm nước uống đóng chai gần như tương đương nhau, nhóm đá thực phẩm bị ô nhiễm chiếm tỉ lệ rất cao. Tuy đã có nhiều cảnh báo, tuyên truyền vệ sinh ATTP đến từng hộ kinh doanh nhưng nhận thức về việc đảm bảo ATTP tại các cơ sở còn rất nhiều hạn chế. Khảo sát nước uống đóng chai cho thấy chủ yếu là ô nhiễm vi sinh vật, nhiều nhất là P.aeruginosa 41,9%; bào tử vi khuẩn kỵ khí khử sulfit 13,5%; E.coli 10,8%; Coliforms 9,9%; Streptococci facecal 2,7%. 
 
Khảo sát đá thực phẩm cho thấy nhóm vi sinh vật hiện hữu trong đá thực phẩm nhiều nhất là Streptococci facecal 80%, bào tử vi khuẩn kỵ khí khử sulfit 53,3%, Coliforms 31,1%; P.aeruginosa 15,6%; E.coli 15,6%. Cũng giống như nước uống đóng chai, nhóm đá thực phẩm có nhiều mẫu nhiễm trên 2 chỉ tiêu vi sinh.
 
Một số tồn tại trong việc quản lý ATTP khu vực Tây Nguyên theo nhận định của Viện VSDT đó là: địa bàn rộng lớn, số cơ sở kinh doanh thực phẩm phần lớn nhỏ lẻ, các cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm chưa chấp hành quy định bảo đảm ATTP nên khi thực hiện giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm rất khó khăn. Nhiều nhóm thực phẩm đa phần được sản xuất tại các tỉnh khác nên khó kiểm soát mối nguy từ nguồn nguyên liệu đầu vào và hồ sơ công bố sản phẩm. Số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn mỏng, còn kiêm nhiệm, một số nơi chưa chú trọng công tác đảm bảo ATTP.
 
Viện VSDT đề xuất một số giải pháp để bảo đảm ATTP, giảm thiểu mối nguy thực phẩm ô nhiễm tại khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa NĐTP. Tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm quy định ATTP, công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, đào tạo, tập huấn về quản lý, điều tra, đánh giá nguy cơ ATTP cho cán bộ các tuyến của tỉnh.
 
AN NHIÊN