Chia sẻ lợi ích đúng mới quản lý và phát triển rừng hiệu quả

09:09, 03/09/2018

Nói đến khái niệm "chia sẻ lợi ích" là nói đến "chia sẻ" cái gì, "chia sẻ" cho ai và "chia sẻ" đến đâu. Thế nhưng, trong các biện pháp, giải pháp để bảo vệ, quản lý và phát triển rừng, lâu nay vẫn chỉ đề ra những cách trả lời chung chung, không thực tiễn và thiếu tính khả thi. 

Nói đến khái niệm “chia sẻ lợi ích” là nói đến “chia sẻ” cái gì, “chia sẻ” cho ai và “chia sẻ” đến đâu. Thế nhưng, trong các biện pháp, giải pháp để bảo vệ, quản lý và phát triển rừng (QLBV&PTR), lâu nay vẫn chỉ đề ra những cách trả lời chung chung, không thực tiễn và thiếu tính khả thi. 
 
Sản phẩm củ Đảng sâm - mô hình thử nghiệm về liên kết khai thác và kinh doanh tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
Sản phẩm củ Đảng sâm - mô hình thử nghiệm về liên kết khai thác và kinh doanh
tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Không lượng hóa không “chia” được
 
Có dịp cùng tham dự các hội thảo khoa học, các cuộc điều tra, điền dã và nghiên cứu, chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này với một nhà khoa học, đồng thời là người có hàng chục năm thực tế ở Lâm Đồng - nghiên cứu sinh Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt. Ông Lương Văn Dũng cũng là người tiếp cận nhiều chủ rừng, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống trong hoặc gần vùng rừng. Ông Lương Văn Dũng nói: Đã “chia sẻ lợi ích” thì phải làm rõ “lợi ích” đó là cái gì. Xưa nay cứ chung chung, nào cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường…; nhưng cần nhất là cụ thể, chi tiết, hiệu quả trực quan nhìn thấy được. Nếu “lợi ích” không lượng hóa được thì không “chia” được. Ông Dũng đưa ra các nguyên tắc: phải chi tiết, cụ thể hóa; công bằng; duy trì “lợi ích” để “chia sẻ”. Ví dụ, nếu không đạt được tính minh bạch thì trong quá trình triển khai thực hiện sẽ phát sinh tiêu cực, phản tác dụng. Mặt khác, nếu không duy trì được “lợi ích” để sẻ chia về lâu về dài, nghĩa là không có tính bền vững của nguồn lợi thì cũng không thành công. 
 
Để đạt được những nguyên tắc nêu trên, cần những yêu cầu gì ? Trước hết, phải căn cứ các yếu tố: điều kiện, cơ chế, đối tượng… Trong đó, cần lưu ý rằng, cơ chế được xây dựng trên nền tảng thực tiễn và đạt được tính khả thi. Bao gồm lĩnh vực quản lý Nhà nước; những tập quán, phong tục và những ứng xử văn hóa của đối tượng được tham gia chia sẻ... Trong thực tế, hầu hết các hệ thống văn bản của các cấp quản lý, các đề tài khoa học đang đặt ra vấn đề “chia sẻ lợi ích” bằng sự áp đặt, thay vì từ yêu cầu thực tiễn đặt ra. Khi đề ra những cơ chế còn phải được tham chiếu những quy định của pháp luật và chi phối của thực tiễn cuộc sống thực của cộng đồng người dân.  
 
Giải pháp về chuỗi giá trị 
 
Muốn “chia sẻ lợi ích” trước hết là đi tìm thực tế, theo đó, sàng lọc, lựa chọn và trụ cột là những nguyên tắc nêu trên. Lựa chọn ở đây là tính phù hợp và từ đó xây dựng các giải pháp, rồi triển khai và đúc kết những kinh nghiệm để điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
 
Đúc kết từ thực tế nhiều năm ở Lâm Đồng, ông Lương Văn Dũng nêu vấn đề cụ thể hóa của “chia sẻ lợi ích” đó là lâm sản ngoài gỗ. Cụ thể hơn, những cây thuốc ở rừng Lâm Đồng. Hiện nay, các “lợi ích” đang bất cập, đó là tính không công bằng. Những cây thuốc được thu hái từ rừng mang ra thị trường buôn bán, trong thực tế, chủ rừng chưa được “chia sẻ” mà “lợi ích” chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng thu mua kinh doanh. Bất hợp lý ở chỗ, nhóm đối tượng này không tham gia vai trò quản lý, bảo vệ và duy trì sự phát triển của cây thuốc mà chính là chủ rừng. Người kinh doanh buôn bán cũng không tham gia trồng, thu hái… Để khắc phục, trước hết cần đánh giá, nhìn nhận lại nguồn tài nguyên này, bắt đầu là cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, thiết lập các mắt xích của một chuỗi giá trị đối với đối tượng là cây thuốc. Chuỗi giá trị này bao gồm phân chia cụ thể ở mức độ cụ thể hóa đến mức có thể về từng khâu, từ đầu đến cuối: quản lý - khai thác - chế biến - vận chuyển - thu mua - sản xuất - phân phối…
 
Khi tính được tổng giá trị của chuỗi bao nhiêu (ví dụ sản lượng, chất lượng, năng suất, giá trị hàng hóa…) thì lúc đó làm cơ sở căn cứ để “chia sẻ” một cách hợp lý.
 
Nếu triển khai được cơ chế “chia sẻ lợi ích” theo chuỗi như vậy thì mới đạt được tính bền vững của công tác QLBV&PTR. Và lúc đó, sẽ kéo theo những mong muốn về đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập thực chất cho các bên liên quan… Tuy nhiên, khi nêu nhóm thực vật lâm sản ngoài gỗ, đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức cho các đối tượng của chuỗi giá trị liên quan nêu trên. Ví dụ, các kỹ thuật về thu hái, vận chuyển, bảo quản…để đáp ứng các yêu cầu tính bền vững của tài nguyên, nâng cao giá trị của sản phẩm… Người thu hái, người vận chuyển, chủ rừng, người kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước và thực hiện hành pháp liên quan như ngành Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công an… còn cần phải biết cụ thể đâu là những loài bị cấm khai thác, đâu là những loài hạn chế khai thác theo các quy định của Nhà nước (Ví dụ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017…). Khi phân định chức năng trong giải pháp lượng hóa trách nhiệm gắn với quyền lợi của các bên liên quan như trên thì chắc chắn quá trình “chia sẻ lợi ích” để góp phần QLBV&PTR sẽ thành công. 
 
Một gợi ý về nguồn để “chia sẻ”, ngoài giá trị sản phẩm đó còn là sử dụng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, ở tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh, thành thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã bước đầu có hiệu quả thiết thực. Nhưng, nên chăng nguồn này cần được sử dụng phân chia lại theo chuỗi giá trị mà chúng tôi đã nêu ở trên thì tính hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển tài nguyên rừng bền vững sẽ đạt được như mong đợi. Từ ví dụ cụ thể câu chuyện lâm sản ngoài gỗ, với những nguyên tắc và giải pháp gợi ý đã nêu trên, có thể áp dụng xây dựng và triển khai các mô hình khác nhau liên quan đến nhiệm vụ QLBV&PTR. Đó là tổ chức hoạt động du lịch sinh thái; các dự án về mô hình sản xuất - kinh doanh các sản phẩm thực vật hỗ trợ người dân sống những vùng trong rừng và gần rừng; mô hình bảo tồn và phát huy tri thức dân gian như men rượu cần, dệt thổ cẩm…; mô hình khoán QLBV kết hợp thu hái lâm sản ngoài gỗ của nhóm hộ. v.v…
 
MINH ÐẠO