Chuyện về các anh hùng trên vùng đất Nam Tây Nguyên

09:09, 03/09/2018

Trong chiến đấu để bảo vệ chính nghĩa xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, can trường với những hành động anh hùng đã trở thành huyền thoại. Với các ông - những Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân còn sống trên vùng đất Nam Tây Nguyên đầy quả cảm ngày nào được nung nấu từ lòng căm thù giặc và phát sinh trong thời khắc sinh tử nhất.

Trong chiến đấu để bảo vệ chính nghĩa xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, can trường với những hành động anh hùng đã trở thành huyền thoại. Với các ông - những Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân còn sống trên vùng đất Nam Tây Nguyên đầy quả cảm ngày nào được nung nấu từ lòng căm thù giặc và phát sinh trong thời khắc sinh tử nhất.
 
ANH HÙNG LLVT MAI THANH MINH: Thực hiện “nhiều không” để bảo vệ khí tiết của người Cộng sản
 
Anh hùng Mai Thanh Minh
Anh hùng Mai Thanh Minh
Trong ngôi nhà khang trang ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với rất nhiều kỷ vật, bằng khen và phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh đã kể về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức đặc biệt của mình và hành động khó tin của thời niên thiếu khi tròn 16 tuổi đã tự mổ bụng mình để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc.
 
Sinh năm 1956 trên vùng quê Đà Nẵng, cái nôi của cách mạng, năm 13 tuổi, ông bắt đầu tập làm cách mạng và nhận nhiệm vụ liên lạc cho Đại đội CK3 T89 đặc công tỉnh Quảng Đà. Ngày 20/2/1969, ông được tổ chức giao phối hợp với Đội an ninh vũ trang Quận 3 đánh vào Kho đạn của địch. Kế hoạch bị lộ, ông bị địch bắt và cũng từ đây cuộc đời cách mạng của ông luôn gắn với lao tù. Những ngày bị bắt, địch dùng đủ mọi cách để tra khảo nhưng ông quyết không khai nơi đóng quân của đơn vị. Cuối cùng chúng đã đưa ông ra tòa mặt trận, khép vào tội phản quốc, xử 10 năm tù khổ sai và đưa đi Côn Đảo. Theo Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh thì chính tại chốn “địa ngục trần gian” này là nơi giúp ông giác ngộ lý tưởng cách mạng khi được các bác, các anh trong tù giáo dục, truyền lửa để giữ vững khí tiết của người Cộng sản… 
 
Ở trong tù, ông đã tham gia tích cực trong việc chống chế độ tù đày hà khắc nên đã bị chúng nhốt vào “hầm đá”. Những ngày tháng bị giam cầm trong hầm tối một mình đã giúp ông đúc kết ra “nhiều không” để khẳng định với nhà cầm quyền Mỹ - Ngụy về bản lĩnh, lòng dũng cảm của người Cộng sản, đó là: “Không chào cờ địch; không cắt tóc, cạo râu; không bi quan; không dao động; không thoát ly Cộng sản...”. Ông Mai Thanh Minh hồi tưởng: “Hơn 6 tháng sau, chúng đưa tôi về lại khu “chuồng bò”. Tại đây, tôi được các chú, các bác hướng dẫn học văn hóa, học chính trị… sống tập thể rất vui. Sau đó, địch gia tăng đàn áp, phân tán, “xé lẻ” các bạn tù nên chúng lại chuyển tôi xuống “chuồng cọp”, rồi đưa về Trại tư”.  
 
Đầu năm 1970, một phái đoàn thuộc Liên hiệp quốc đến kiểm tra nhà tù Côn Đảo và phát hiện nơi đây đang giam giữ tù nhân vị thành niên nên yêu cầu chính quyền Sài Gòn chuyển số tù nhân này vào đất liền. Trong cuộc dịch chuyển đó, ông Mai Thanh Minh đã được đưa từ Côn Đảo về nhà giam Chí Hòa, đến tháng 10 năm 1971 được đưa lên Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (thực chất là nhà tù) để cách ly sự ảnh hưởng với các tù nhân lớn tuổi. Nhưng khí tiết của người Cộng sản đã ngấm sâu vào máu, ngay khi đặt chân đến Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, ông và đồng đội tiếp tục tuyên bố chống chào cờ nên đã bị địch đàn áp rất dã man.
 
Để phản đối sự hà khắc của nhà tù, các ông đã thực hiện rất nhiều cách như tuyệt thực, chống chào cờ, nhưng ít nhiều chưa mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là cần phải có những hành động quyết liệt vừa làm cho kẻ thù kinh sợ, vừa đồng thời cổ vũ tinh thần các bạn tù. Theo đó, tổ chức lãnh đạo tù thiếu nhi đã bàn bạc, tìm phương án đấu tranh và đi đến thống nhất cách thức hành động là chấp nhận hy sinh tự mổ bụng để trấn áp kẻ thù, chống lại sự đàn áp dã man của địch. Trước hết, lấy tinh thần xung phong, lãnh đạo tù thiếu nhi đã phát động phong trào “Dũng sỹ mổ bụng”. Có 9 người xung phong, nhưng cuối cùng tập thể quyết định chọn 5 người, trong đó có Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh. Không ngần ngại, ông vạch áo chỉ vào vết thương ngày nào và nhớ lại thời khắc đáng sợ: “Đó là vào khoảng 16 giờ ngày 23/11/1971, địch thực hiện ý đồ đàn áp tù nhân. Lúc này, Đà Lạt vào đông trời rất lạnh, tôi cầm lưỡi dao lam tự rạch vào bụng mình, nhát thứ nhất không đạt yêu cầu, tôi liền rạch nhát thứ hai, máu ra ướt đẫm. Rồi lấy hết can đảm, tôi rạch nhát thứ ba thì ruột lòi ra, máu chảy đầm đìa…”.
 
 Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh khẳng định, việc tự mổ bụng mình thật khủng khiếp, nhưng lúc đó chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì hy sinh bản thân cũng sẵn sàng. Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời lại khiến ông nhớ về một thời tuổi trẻ ở chốn lao tù.
 
ANH HÙNG LLVT NGÔ XUÂN ÐỆ: Tranh thủ ngày tết để điều nghiên, thâm nhập mục tiêu của địch
 
Anh hùng Ngô Xuân Đệ
Anh hùng Ngô Xuân Đệ
Cựu binh, Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ năm nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm (sinh năm 1939) nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và nhớ tường tận từng trận đánh năm xưa. Gần 15 năm trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia khoảng 50 trận đánh lớn nhỏ và đã đánh là thắng, chưa một lần thất bại. “Bí quyết” lập nên những chiến công, theo ông Đệ là cũng học hỏi cách làm của người xưa “biết địch biết ta luôn giành thế chủ động”. Vì vậy, mỗi khi được cấp trên giao tổ chức trận đánh, thì việc đầu tiên là phải làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường; phải tổ chức trinh sát, nắm chắc tình hình bố phòng của địch, từ đó mới lên phương án tác chiến sát với thực tế.
 
Nhớ lại những ngày xuân thời chiến, người lính đặc công ngày nào Ngô Xuân Đệ cho biết đó là “cơ hội vàng” để nắm chắc địa hình, thâm nhập sào huyệt địch. Bởi vì thời điểm này kẻ thù thường chủ quan, lơ là trong phòng bị. Trận đầu tiên đơn vị ông được giao đảm nhận là đánh vào Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên (Xuân 1968). Kế hoạch ban đầu dự kiến diễn ra vào tối 30, rạng sáng ngày mồng 1 tết, nhưng do chưa thông thuộc địa hình nên khi tiếp cận mục tiêu thì trời đã sáng nên cả đội đành quay về căn cứ và chuẩn bị kế hoạch đánh địch vào ngày hôm sau. Không mắc một sai sót nào, đội của ông đã hành động đúng như dự định và đến 9 giờ ngày mồng 2 tết, mục tiêu hoàn toàn được chiếm lĩnh. Trong trận này đồng đội của ông có một người hy sinh. Sau khi chiếm Dinh Tỉnh trưởng, đơn vị tiếp tục ở lại thành phố trong thời gian 11 ngày, sau đó mới rút ra hoạt động ở địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng… 
 
Sau trận đánh vào Dinh Tỉnh trưởng, đơn vị ông tiếp tục làm cho chính quyền ngụy thêm một phen điên đảo khi tổ chức đánh vào Trường Chiến tranh Chính trị - nơi đào tạo sỹ quan cao cấp về Tâm lý chiến của địch (đóng tại khu vực Bộ CHQS tỉnh bây giờ). Đây là khu vực được canh phòng rất cẩn mật, với 6 - 7 lớp hàng rào và đèn pha. Sau thời gian trực tiếp trinh sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, trận đánh đã thành công vang dội, tiêu diệt được trên 500 tên địch. Và, một trận đánh khác cũng gây được tiếng vang không kém, đó là trận tập kích vào Sân bay Cam Ly (Đà Lạt) vào đêm 30 tháng 3 năm 1969. Để đảm bảo chắc thắng, ông Ngô Xuân Đệ đã trực tiếp chỉ huy một tổ tiến hành trinh sát mục tiêu, không chỉ một lần mà trinh sát đến hai lần. Mặc dù địch bố phòng rất kiên cố, nhưng các ông đã phải luồn qua 24 lớp hàng rào kẽm gai để “mục thị” tận nơi các mục tiêu, kể cả mục tiêu chủ yếu là kho xăng lớn của địch. Sau khi đã chuẩn bị xong, dưới sự chỉ huy của ông, Đại đội 5 Đặc công và Đại đội Bộ binh 1 thuộc Tiểu đoàn 810 tập kích Sân bay Cam Ly. Trận đánh diễn ra khoảng hơn 30 phút đã tiêu diệt hơn 30 tên địch, phá hủy 3 máy bay, hàng chục xe quân sự, làm cháy kho xăng khoảng 2 triệu lít và làm nổ kho đạn lớn kéo dài từ đêm 30 đến đêm 31 tháng 3. Đây là trận đánh được đánh giá là đạt hiệu suất chiến đấu cao và gây tiếng vang lớn ở chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức lúc bấy giờ.
 
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1972 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Đây là một vinh dự quá lớn lao. Tôi tự hứa với mình, phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng” - Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ nói và rất tự hào vì điều đó. 
 
Giờ đây người Anh hùng ấy vẫn thầm lặng đóng góp công sức của mình trên vùng quê mới, ông trở thành tấm gương CCB mẫu mực trong tất cả các phong trào của huyện Đức Trọng.
 
ANH HÙNG LLVT HOÀNG ÐÌNH KIỀN: Khoảnh khắc phát sinh hành động anh hùng
 
Anh hùng Hoàng Đình Kiền
Anh hùng Hoàng Đình Kiền
Trong cuốn sổ đã nhuốm màu thời gian phủ kín nhiều nét chữ nguệch ngoạc được chủ nhân cất giữ rất cẩn thận là tình cảm, sự mến phục của những người đồng chí, đồng đội viết tặng ông trước khi chuyển đơn vị chiến đấu. Nhiều người trong số họ sau ngày hòa bình thống nhất, ông đã mãi mãi không bao giờ gặp lại. Vẫn giọng nói đặc sệt của chàng trai xứ Nghệ thuở nào, Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền đã kể về một thời trai trẻ rất đỗi tự hào. Ông nhập ngũ năm 1964 và vào miền Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất. Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1974, Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền đã cùng với đơn vị thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền tham gia chiến đấu trên 100 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, riêng ông đã tiêu diệt trên 130 tên, thu 15 súng và bắn rơi 4 máy bay các loại.
 
Như để tả về chiến trường khốc liệt, ông Hoàng Đình Kiền đọc mấy câu thơ của người đồng đội trong ngày gặp lại những người bạn chiến đấu năm xưa: “Ờ! đã 50 năm rồi cuộc chia ly/ Miền đất 2000 ngày nước mắt tràn my/ Từ sỏi đá, nhành cây trộn máu xương đồng đội/ Để tình đất, tình người vẫn thổn thức không nguôi…”. Vào những năm 1965 - 1969, đơn vị ông Hoàng Đình Kiền hoạt động ở chiến trường Bình Định, Phú Yên. Đó là những ngày bi tráng, những năm tháng đau thương mà oanh liệt và đồng đội ông nhiều người đã nằm lại đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đã từng tham gia và tổ chức nhiều trận đánh thần kỳ. Tháng 6 năm 1967, tiểu đội do ông chỉ huy đã kiên cường bám trụ, chiến đấu liên tục trong suốt một ngày ròng rã và đã tiêu diệt một đại đội địch 25 tên. Đến tháng 9 năm 1967, đại đội ông được lệnh tập kích một đại đội địch ở Tuy An. Trận này bản thân Hoàng Đình Kiền được giao nhiệm vụ dùng khối bọc phá nặng 6 kg đánh vào hầm chỉ huy địch. Khi tiếp cận mục tiêu, đơn vị gặp phải hàng rào bùng nhùng nên phát triển tiến công rất khó khăn. Trong giây phút sinh tử, ông đã dũng cảm lấy thân mình nằm đè lên hàng rào dây thép gai làm cầu cho đồng đội băng qua xung phong tiêu diệt địch, mặc dù địch bắn ra không ngớt. Chính hành động anh hùng đó đã tạo cho đơn vị kịp thời xung phong diệt địch tại quận lỵ Phú Tân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhưng với ông “Đó chỉ là hành động bột phát trong thời khắc sinh tử”. 
 
Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và công tác, ngày 23 tháng 9 năm 1973, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.
 
Năm nay đã bước sang tuổi 75, Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội ở vùng quê trù phú - thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà và luôn dõi theo sự phát triển của quê hương, đất nước, quân đội. “Thời đại nào cũng vậy, vũ khí là điều kiện cần, nhưng yếu tố con người mới là quyết định nhất và thế hệ trẻ hôm nay sẽ có đủ sức, đủ tài để làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ các khí tài hiện đại, sẵn sàng đánh bại bất cứ kẻ thù nào” - Anh hùng Hoàng Đình Kiền tin tưởng.
 
NGUYỄN THẾ