Thứ 2, 21/04/2025, 02:42

Ký ức của người cựu tù chính trị

08:09, 17/09/2018

Bị giam cầm nhiều năm tại những nhà tù "địa ngục trần gian" như Côn Ðảo, Phú Quốc và chịu đựng những đòn tra tấn man rợ, dù cái chết luôn cận kề nhưng những người cộng sản kiên trung như ông Hóa vẫn không chùn bước vì lý tưởng cách mạng. 

Bị giam cầm nhiều năm tại những nhà tù “địa ngục trần gian” như Côn Ðảo, Phú Quốc và chịu đựng những đòn tra tấn man rợ, dù cái chết luôn cận kề nhưng những người cộng sản kiên trung như ông Hóa vẫn không chùn bước vì lý tưởng cách mạng. Thấm thoắt, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những đau thương, mất mát của một thời anh dũng đấu tranh thì vẫn còn sống mãi trong ký ức của những cựu tù chính trị như ông.
 
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hóa bên người vợ hiền. Ảnh: K.Phúc
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hóa bên người vợ hiền. Ảnh: K.Phúc

Kiên trung trong nhà tù tàn bạo
 
Chiến tranh đã lùi xa 43 năm, cũng như bao cựu tù chính trị khác, mỗi khi nhắc đến các nhà tù được gọi là “địa ngục trần gian” thì ông Nguyễn Văn Hóa (70 tuổi, ngụ Thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) vẫn luôn rùng mình trước những thủ đoạn tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù. Song theo ông, chính những nhà tù này là “trường đào tạo” bản lĩnh chính trị và lòng kiên trung của các chiến sĩ cách mạng. 
 
Ông Hóa sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1968, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hóa gia nhập đội quân du kích đánh Mỹ ở địa phương. Một năm sau, ông Hóa bị thương và bị giặc bắt đày từ nhà tù này đến nhà tù khác. Suốt 5 năm bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc, mọi hình thức, thủ đoạn tra tấn của kẻ thù ông đều nếm đủ. Ông Hóa kể: “Năm 1969, tôi bị địch bắn bị thương và bắt đày ra Côn Đảo. Cũng như những chiến sĩ cách mạng khác bị giam cầm tại đây, tôi bị kẻ thù tra tấn đủ mọi hình thức như kẹp bàn tay, bàn chân ứa cả máu, bắt nhịn đói nhiều ngày... để moi thông tin. Có rất nhiều lần bị kẻ thù tra tấn đến lịm người, ngất xỉu nhưng tôi quyết không hé nửa lời”.
 
Sau 1 năm bị giam cầm, tra tấn ở Côn Đảo, song kẻ thù không “moi” được thông tin gì nên chúng quyết định đày ông qua Nhà tù Phú Quốc với âm mưu làm nhụt ý chí, hòng khai thác thông tin. Suốt 4 năm bị giam cầm tại Nhà tù Phú Quốc từ (1970 - 1973), kẻ thù đã dùng nhiều thủ đoạn từ “dụ dỗ” đến “tra tấn” nhằm lay chuyển, lôi kéo ông để tìm manh mối của các cơ sở cách mạng ở đất liền nhưng đều bất thành. “Ở Nhà tù Phú Quốc, lúc mới ra, họ tìm cách dụ dỗ cho chúng tôi ăn ngon. Nhưng rồi không khai thác được gì, chúng chuyển qua tra tấn bằng những trận đòn dã man. Thậm chí, chúng còn bắt chúng tôi chứng kiến cảnh xả súng bắn chết đồng đội mình ngay trước mặt. Những ký ức đó đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Giờ nghĩ lại tôi càng xót thương cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh và mãi mãi không có cơ hội quay về đoàn tụ với gia đình...” - ông Hóa xúc động.
 
Suốt những năm tháng bị giam cầm, tra tấn nhưng càng gian khổ bấy nhiêu thì lòng yêu nước, căm thù giặc của những cựu tù chính trị như ông Hóa càng thêm căng tràn và sục sôi ý chí. Đáp trả những thủ đoạn tra tấn của bọn cai ngục ở Nhà tù Phú Quốc, ông Hóa cùng đồng đội đã kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chào cờ, chống chiến tranh... chờ đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.
 
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Hóa cùng những chiến sĩ cách mạng đang bị giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc đã được trao trả tự do, trở về quê hương sum họp cùng gia đình.
 
Xung phong đi làm kinh tế mới
 
Năm 1983, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, ông Hóa cùng vợ con đã xung phong tạm biệt quê hương Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai) xây dựng vùng kinh tế mới. Tại vùng đất mới, bằng bản lĩnh, ý chí kiên trung của người cựu tù chính trị, ông Hóa đã cùng gia đình vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và nuôi dạy các con nên người. Hiện nay, 3 người con của ông đã khôn lớn, trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và tất cả đã lập gia đình. Ở tuổi 70, bản thân là thương binh 3/4 cùng với “tàn tích” của những trận đòn tại các nhà tù khiến sức khỏe của ông Hóa đang ngày một yếu dần. Không những vậy, ông còn chống chọi với 2 căn bệnh lao phổi và viêm gan C. Song, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời, sống vui tươi, sum vầy bên con cháu. 
 
“Những tháng ngày cực khổ bị tra tấn trong ngục tù giờ đã qua, nay được sống giữa tự do, sum vầy bên con cháu thì không vui sao được. Tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng, ngoài bản thân tôi thì gia đình còn có 2 chú là thương binh... Và, trong thâm tâm tôi luôn mong muốn con cháu hãy tạc dạ, ghi nhớ công lao to lớn của cha ông, các thế hệ đi trước để chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp” - ông Hóa tâm sự.
 
Ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, tự hào: “Các bậc tiền bối lão thành cách mạng từng vào sinh, ra tử, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho ngày đất nước tự do, độc lập như ông Hóa luôn là “báu vật” của địa phương. Giờ đây và mãi mãi về sau, họ luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập, noi theo để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
 
KHÁNH PHÚC