CN, 13/04/2025, 05:29

Lan tỏa sáng tạo trong thế hệ trẻ từ cuộc thi

08:09, 24/09/2018

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðơn Dương Lê Hữu Túc chia sẻ với tôi: Một trong những hoạt động của thế hệ trẻ có tính lan tỏa rất tốt chính là "Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng" các cấp từ huyện, tỉnh đến Trung ương tổ chức. Với huyện Ðơn Dương năm nay, tham gia 10/44 giải pháp cấp tỉnh, đã đoạt 5 giải, trong đó đoạt duy nhất giải đặc biệt, đồng thời là giải nhất Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðơn Dương Lê Hữu Túc chia sẻ với tôi: Một trong những hoạt động của thế hệ trẻ có tính lan tỏa rất tốt chính là “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” các cấp từ huyện, tỉnh đến Trung ương tổ chức. Với huyện Ðơn Dương năm nay, tham gia 10/44 giải pháp cấp tỉnh, đã đoạt 5 giải, trong đó đoạt duy nhất giải đặc biệt, đồng thời là giải nhất Trung ương.
 
Tôn vinh các tác giả trẻ tham gia cuộc thi sáng tạo ở Đơn Dương. Ảnh: M.Ðạo
Tôn vinh các tác giả trẻ tham gia cuộc thi sáng tạo ở Đơn Dương. Ảnh: M.Ðạo

Ðơn Dương bội thu
 
Để thực sự có chất lượng và hiệu quả thiết thực, ngay từ quý I của năm 2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Túc đã ký một Kế hoạch tổ chức cấp cơ sở lần thứ 2 và cấp tỉnh lần thứ 14. Nội dung cuộc thi cũng thực hiện theo tinh thần chỉ đạo từ UBND tỉnh về đẩy mạnh hoạt động sáng tạo kỹ thuật tại Văn bản số 1353/UBND-VX1 ngày 17/3/2016 và Kế hoạch của Ban tổ chức lần thứ 14 do Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh chủ trì. Đối tượng dự thi có độ tuổi từ 6 tuổi đến 19 tuổi. Kế hoạch cụ thể bằng các nội dung: lĩnh vực dự thi; kinh phí, công tác và thời gian tổ chức; các phần việc của từng cơ quan trực thuộc trong huyện: Phòng Kinh tế và Hạ tầng (Thường trực Hội KHKT huyện), Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Huyện đoàn, Đài TTTH và các UBND xã, thị trấn.
 
Khi tôi có mặt tại huyện Đơn Dương vào tháng 9/2018 thì UBND huyện đang tổ chức khen thưởng cho các cá nhân thanh thiếu niên, nhi đồng đạt thành tích học tập, rèn luyện và sáng tạo. Trong đó, có Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 14 mà huyện Đơn Dương đã bội thu. Sáng ngày 21/9, Văn phòng Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng cho tôi biết tin vui, giải đặc biệt của huyện Đơn Dương đã đoạt giải nhất trung ương cùng với 2 giải khuyến khích của thành phố Đà Lạt. 
 
Anh Lê Bảo Chân - chuyên viên Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết cụ thể: Toàn tỉnh có 1 giải đặc biệt, 3 giải nhất, 8 giải nhì, 11 giải ba và 21 giải khuyến khích. Riêng huyện Đơn Dương dẫn đầu với 5 giải pháp đoạt giải cấp tỉnh. Giải đặc biệt với đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” của tác giả Lê Nguyễn Hoàng Ngân, sinh ngày 25/8/2001, học sinh lớp 11 Trường THPT Đơn Dương; 2 giải nhì là: “Sử dụng năng lượng mặt trời, tự cảm biến độ ẩm trong kệ cây trồng ở hộ gia đình” của nhóm tác giả Nguyễn Hạ Thi, sinh ngày 2/5/2004 và Lê Đại Hòa, sinh ngày 26/7/2004 cùng học sinh lớp 8 Trường THCS Thạnh Mỹ và “Mạch điện thông minh trong lớp học” của tác giả Nguyễn Danh Trung, sinh ngày 22/10/2011, học sinh lớp 11 Trường THPT Đơn Dương. Hai giải khuyến khích là “Thiết kế hồ bạt theo hướng phòng tránh đuối nước ở trẻ em và tăng độ bền của bạt phủ” của tác giả Thái Thị Anh Thư, sinh ngày 26/3/2003, học sinh lớp 9 Trường THCS Đinh Tiên Hoàng và “Tận dụng các thiết bị còn sử dụng được để chế tạo thiết bị điều khiển tưới tự động dựa vào độ ẩm của đất và tự động cung cấp nhiệt dựa vào nhiệt độ không khí” của tác giả Trương Quang Huy, học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương. Những đề tài tuy chưa đoạt giải cấp tỉnh nhưng cũng chứng minh được bước đầu sự làm việc nghiêm túc, công phu và có trách nhiệm của thế hệ trẻ huyện Đơn Dương. 
 
Sáng tạo và nhân văn 
 
Lật tập đề tài nghiên cứu đoạt giải đặc biệt của tỉnh và giải nhất trung ương của nữ học sinh Lê Nguyễn Hoàng Ngân tôi thực sự ấn tượng, từ trình bày, bố cục đến phương pháp nghiên cứu khoa học rất bài bản. Thú vị là ngay sau trang “Phiếu đăng ký tham dự cuộc thi” theo mẫu đầu tiên là các trang được đặt nghiêm túc, trân trọng về “Lời cam đoan”; “Lời cảm ơn”; trang “Mục lục” rất chi tiết đến từng luận điểm, luận cứ, tài liệu tham khảo... và trang “Danh mục các bảng”, “Danh mục các hình”. Tác giả ghi rõ: “cam đoan đề tài nghiên cứu là công trình nghiên cứu của tôi và bạn Phan Lê Thảo Phương dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thanh Nga, thầy Nguyễn Duy Hạng, thầy Nguyễn Trọng Hoành Phong. Các số liệu và kết quả trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”. Tác giả cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy cô giáo nhà trường cũng như Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã giúp đỡ hướng dẫn tận tình để đề tài thành công. Đây là những điều thực sự rất đáng trân trọng về đạo đức của người nghiên cứu khoa học và về thái độ ứng xử nghiêm túc trong học thuật của thế hệ trẻ.
 
Với mục tiêu, ý nghĩa, nhiệm vụ, giới hạn và các cơ sở lý thuyết, cơ sở thực tiễn mà đề tài xác định, tác giả Lê Nguyễn Hoàng Ngân và các cộng sự đã đi đến đích thành công như mong đợi. Đó là việc tạo chế phẩm màng fibroin kén tơ tằm thải bằng phương pháp chiếu xạ gamma thay thế phương pháp hóa học, sử dụng nguồn nguyên liệu có tại Lâm Đồng. Với hướng tiếp cận này, góp phần bảo vệ sức khỏe con người theo hướng thân thiện với môi trường. Việc xây dựng quy trình công nghệ chế tạo màng cũng đơn giản, tiết kiệm năng lượng và tính khả thi cao. Đồng thời, theo phân tích tính toán của nhóm nghiên cứu, đề tài còn đem lại chi phí giá thành rẻ; hiệu quả kinh tế từ sản xuất quả dâu tây thu được lợi nhuận cao hơn các phương pháp không xử lý màng fibroin bằng con số cụ thể là 2.100.000 đồng sau 7 ngày. Đề tài cũng xác định tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả với quy mô lớn hơn và ứng dụng trên các loại trái cây khác.
 
Kết thúc bài ghi nhận này, chúng tôi đã đồng cảm xúc với ông Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, đó là sự thành công của sức lan tỏa từ một cuộc thi rất ý nghĩa. Sự lan tỏa bằng khơi dậy sức sáng tạo của thế hệ trẻ để làm chủ sự nghiệp xây dựng kiến thiết đất nước. Cuộc thi đồng thời ươm những hạt giống tốt về phương châm sống có ích đối với sự tiến bộ xã hội của một thế hệ tương lai: Sáng tạo và Nhân văn.
 
MINH ÐẠO