Người trưởng thôn "suốt đời"

08:09, 28/09/2018

Sau khi bỏ phiếu bầu trưởng thôn, nhiều người dân ở Thôn 4 (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) đã bày tỏ cảm xúc rằng nếu có thể, sẽ bầu cho bà Trần Thị Tách làm trưởng thôn "suốt đời". Bà Tách được nhiều người dân trong thôn, trong xã quý mến bởi cách làm việc bằng cái tâm. Việc lớn, việc nhỏ bà đều làm không vụ lợi, nhiều khi quên đi việc riêng của bản thân để lo cho công việc chung.

Sau khi bỏ phiếu bầu trưởng thôn, nhiều người dân ở Thôn 4 (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) đã bày tỏ cảm xúc rằng nếu có thể, sẽ bầu cho bà Trần Thị Tách làm trưởng thôn “suốt đời”. Bà Tách được nhiều người dân trong thôn, trong xã quý mến bởi cách làm việc bằng cái tâm. Việc lớn, việc nhỏ bà đều làm không vụ lợi, nhiều khi quên đi việc riêng của bản thân để lo cho công việc chung.
 
Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, bà Tách len lỏi vào tận các xóm để vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách. Ảnh: Đ.Anh
Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, bà Tách len lỏi vào tận các xóm để vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách. Ảnh: Đ.Anh
Quá trưa, bà Tách mới cọc cạch đạp chiếc xe đạp trở về nhà. Hôm đó, bà đạp xe ra tận huyện để vận động tiền tổ chức trung thu cho trẻ em trong thôn. Hiện tại, bà được xem là người đa năng nhất xã Mỹ Đức khi kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ ở thôn như Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, chi hội trưởng Hội Khuyến học, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi, Thôn đội trưởng, đại biểu HĐND xã. Việc nhiều, làm ngày không hết, bà làm thêm cả ban đêm. “Các báo cáo tôi đều viết bằng tay, mất rất nhiều thời gian nên chủ yếu làm vào ban đêm, còn ban ngày thì dành thời gian để làm các công việc khác” - bà Tách chia sẻ. Những công việc khác mà bà nói đến đều là những việc không tên, khi thì đi vận động dân hiến đất làm đường, vận động bà con mua thẻ bảo hiểm y tế, lúc thì vận động ủng hộ quỹ cho các hội, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ...
 
Bà Tách cùng chồng đi kinh tế mới từ Thường Tín (Hà Tây) vào Đạ Tẻh từ năm 1986. Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình bà đã bám trụ ở vùng đất này và xem đó như là quê hương thứ hai của mình. Chỉ có điều, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con đông, chồng lại đau ốm triền miên rồi mất nên kinh tế gia đình bà ngày càng kiệt quệ. Từng là hộ nghèo của xã nhưng chưa một lần nào bà Tách mảy may suy nghĩ bỏ những công việc hiện tại. Nhiều người cứ nói đùa tại bà ham việc bao đồng nên mới nghèo như vậy nhưng với bà, công việc đó là niềm vui, là góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội. Phần công sức đó của bà được “nên dáng nên hình” khi con đường bê tông trước nhà do bà tự nguyện hiến đất và vận động các hộ dân khác cùng hiến, đóng góp công sức, tiền của để làm đã giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Phần công sức đó còn được thể hiện ở chỗ tất cả 107 hộ dân Thôn 4 đều tham gia đóng bảo hiểm y tế tự nguyện, tất cả đều do bà đi vận động. Và có lẽ, thành quả to lớn nhất mà bà đạt được chính là cả 4 người con đều rất ham học và đến nay đều đã có công việc ổn định. Hiện bà sống cùng cô con gái út đang học lớp 12 và đang ôn luyện để tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa. Bà chia sẻ: “Các con đều muốn tôi tham gia công việc xã hội để tìm niềm vui. Bất cứ việc gì tôi đều mang ra bàn bạc và đều được các con ủng hộ. Ngay khi còn là hộ nghèo, gia đình tôi từng được quan tâm hỗ trợ để làm nhà nhưng khi đó đất chưa có sổ và không có tiền để bù thêm vào nên không thể làm được. Tôi bảo các con nhà mình nghèo nhưng trong thôn còn nhiều nhà nghèo hơn nên coi như mình nhường suất hỗ trợ đó cho các hộ khác, thế là các con đều đồng tình”. 
 
Thu nhập từ khoản phụ cấp và tiền lương cho tất cả các chức vụ trên của bà Tách mỗi tháng được 2.450.000 đồng. Biết là ít ỏi, biết là vất vả nhưng bà luôn tâm niệm phải cố gắng làm. Nguồn thu nhập chính của gia đình bà đều dựa vào việc bán 2 con bê mỗi năm. Số tiền này vẫn thiếu trước hụt sau và bà phải đi vay mượn khắp xóm. Thế nhưng, khi biết có 2 hoàn cảnh trong thôn khó khăn hơn mình, bà sẵn sàng cho họ thuê 4 sào đất của gia đình để trồng dâu nuôi tằm với giá rẻ. Thay vì với diện tích đó phải thuê 30 triệu đồng/năm thì bà chỉ cho thuê 30 triệu đồng trong 3 năm chỉ với một lý do đơn giản là “nhà chúng nó con đông, vất vả lắm”.
 
Bà Tách được xem là trưởng thôn nghèo nhất trong 8 trưởng thôn của toàn xã. Bà cũng là người được dân rất tín nhiệm bởi lẽ một khi bà đề ra nội dung gì, thu bất cứ khoản gì đều rất công khai, minh bạch nên được dân rất ủng hộ nhiệt tình. Do đó, Thôn 4 do bà làm trưởng thôn luôn đứng đầu xã về các khoản thu và năm nào cũng được biểu dương. “Nhiều khi các gia đình nhận được tiền hỗ trợ, liền cho tôi 50 - 100 ngàn để mua cái thẻ cào điện thoại nhưng tôi đều từ chối. Có hôm đi làm về, thấy trước nhà có bao gạo mà không biết của ai. Mấy bữa sau đi họp, có chị kia đến nói nhỏ nhà vừa gặt lúa xong, chà cho chị bao gạo để ăn, tôi liền mang đến trả chị ấy ngay. Số tiền không lớn nhưng đó là nguyên tắc làm việc của tôi, không vụ lợi, không vòi vĩnh” - bà Tách chia sẻ.
 
Trong các chức danh của mình, bà Tách cho rằng làm trưởng thôn là trọng trách nặng nề nhất, bởi lẽ việc gì cũng đến tay trưởng thôn. Nhiều khi đi vận động, một số ít người dân không hiểu còn xỉ vả rất nặng nề. Còn công việc chữ thập đỏ lại vất vả nhất, khi phải thường xuyên vận động người dân ủng hộ tiền, ủng hộ hiện vật. Từ 8 hội viên chữ thập đỏ trước đây, đến nay chi hội Thôn 4 đã có 80 hội viên với quỹ hội lên đến 46 triệu đồng. Số tiền này Hội dùng để cho 11 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển chăn nuôi. Không chỉ giỏi vận động các khoản thu, bà Tách còn vận động được hầu hết các hộ dân trong thôn tự câu bóng đèn ra ngoài đường, để thực hiện chương trình thắp sáng đường quê theo hình thức người dân làm cột và chịu tiền điện hàng tháng, còn Nhà nước hỗ trợ bóng đèn và đường dây.
 
Khi hỏi về những thành quả đã được ghi nhận, bà chỉ lên bức vách treo kín bằng khen, giấy khen của bà và các con rồi bảo “tôi làm công tác gì thì năm nào cũng đều được khen”. Bà không tự hào về những bằng khen, giấy khen ấy mà tự hào vì những việc mình làm đã được in dấu trong lòng nhiều người dân trong thôn, trong xã. Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Mỹ Đức chia sẻ: “Cô Tách rất nhiệt tình với các hoạt động phong trào, riêng nhiệm vụ thôn trưởng thì cô đang làm đến khóa thứ 3. So với các thôn khác trong xã thì Thôn 4 luôn là cánh chim đầu đàn vì hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Không chỉ vận động tốt ở thôn mình, cô còn vận động sang các thôn khác trong việc đóng bảo hiểm y tế tự nguyện, đóng phí bảo vệ môi trường. Cách sống và làm việc của cô Tách rất được người dân trong thôn, trong xã quý mến. Có thể nói cô là người hy sinh hết cho các hoạt động phong trào, việc gì xã giao cô đều hoàn thành rất tốt. Hiện, dù gia đình cô không còn nằm trong diện hộ nghèo nhưng hoàn cảnh vẫn còn rất khó khăn. Do đó, UBMTTQ xã cũng đang đề nghị huyện xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để cô làm lại ngôi nhà đã xuống cấp”.
 
ĐÔNG ANH