TS Trịnh Thị Ðiệp (sinh năm 1971), hiện là Phó Trưởng Khoa Hóa học - Trường Ðại học Ðà Lạt. Chị đã học đại học ngành Hóa thực phẩm tại Bulgaria, sau đó, về nước công tác tại Viện Dược liệu và được đào tạo để trở thành một nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Dược liệu học.
TS Trịnh Thị Ðiệp (sinh năm 1971), hiện là Phó Trưởng Khoa Hóa học - Trường Ðại học Ðà Lạt. Chị đã học đại học ngành Hóa thực phẩm tại Bulgaria, sau đó, về nước công tác tại Viện Dược liệu và được đào tạo để trở thành một nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Dược liệu học.
|
TS Trịnh Thị Điệp được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2017. |
Khi là cán bộ nghiên cứu ở Viện Dược liệu, chị đứng đầu một nhóm nghiên cứu chuyên về Chiết xuất Hóa thực vật, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính và chị đã luôn chú ý kết hợp việc đào tạo sinh viên, học viên cao học trong các đề tài, dự án do chị thực hiện. Hiện nay, là cán bộ giảng dạy tại Đại học Đà Lạt, chị vẫn tiếp tục coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, xác định nghiên cứu khoa học là yếu tố quyết định cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ở trường đại học và đang xây dựng nhóm nghiên cứu chuyên về Hóa học cây thuốc để nghiên cứu khám phá, khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc đầy tiềm năng trên vùng đất Tây Nguyên.
TS Điệp chia sẻ: “Trải qua 22 năm công tác từ khi là nghiên cứu viên tại Viện Dược liệu, đến nay là giảng viên tại Đại học Đà Lạt, nghiên cứu dược liệu và đào tạo thế hệ sau về lĩnh vực dược liệu là công việc, là sự nghiệp mà tôi theo đuổi. Hướng nghiên cứu của tôi và nhóm nghiên cứu mà tôi tham gia là nghiên cứu thành phần hóa học, tác dụng sinh học của các dược liệu có tiềm năng khai thác, xây dựng quy trình chiết xuất hoạt chất từ các dược liệu đó để bào chế các sản phẩm thuốc mới đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, với việc nghiên cứu khoa học, tôi cũng dành thời gian và tâm huyết của mình để truyền lại các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực nghiên cứu dược liệu cho các em sinh viên đại học và học viên cao học ngành Dược học, ngành Hóa học thông qua việc hướng dẫn các em thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, khóa luận hay luận văn cao học”.
Đến nay, trong khuôn khổ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) công nghệ, chị đã công bố 4 bài báo khoa học trên Tạp chí khoa học quốc tế và 64 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và hội nghị khoa học quốc tế, quốc gia. Hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 1 đề tài nghiên cứu nhánh cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài NCKH cấp cơ sở.
Kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các đối tượng dược liệu được chị chọn để nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý là những cây thuốc có tiềm năng như: các loài đã được sử dụng chữa bệnh có hiệu quả trong dân gian nhưng còn ít được biết về thành phần hóa học và chưa được đánh giá tác dụng bằng thực nghiệm khoa học (cây lược vàng, cây niệt gió, cây hồng sâm Đà Lạt, xáo tam phân, xáo leo...); các loài cây thuốc đã được nghiên cứu và sử dụng nhiều ở nước ngoài, cây mọc tự nhiên hoặc được di thực vào Việt Nam nhưng chưa được khai thác sử dụng làm thuốc ở trong nước (cúc gai di thực, ban Âu, dây thường xuân, lan gấm); các loài cây qua sàng lọc hoạt tính sinh học của cao chiết toàn phần cho thấy có hoạt tính đáng chú ý, cần đi sâu vào tìm hiểu về thành phần hoạt chất cụ thể (lá đu đủ, rễ chóc máu).
Đề tài nổi bật là nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng dược lý của quả cúc gai di thực (Silybum marianum (L.) Gaertn) - đây là đề tài luận án tiến sỹ của chị. Kết quả nghiên cứu bằng các phương pháp sắc ký kết hợp các phương pháp phổ đã phân lập và xác định được cấu trúc hóa học của 14 chất, trong đó có 1 chất mới lần đầu tiên phân lập từ thiên nhiên và 3 chất lần đầu tiên phân lập từ chi Silybum Adans.; xác định được hàm lượng 10 acid béo trong thành phần dầu béo và 28 nguyên tố vô cơ trong quả cúc gai di thực. Đồng thời, nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của bột silymarin chiết xuất từ quả cúc gai di thực trên các mô hình thực nghiệm nghiên cứu thuốc điều trị viêm gan cho thấy chế phẩm có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ gan, lợi mật, ức chế quá trình xơ hóa gan, chống viêm mạn và có độc tính thấp. Quy trình chiết xuất silymarin từ quả cúc gai di thực đã được xây dựng và áp dụng ở quy mô pilot. Sản phẩm chiết xuất này đã được dùng làm nguyên liệu phối hợp cùng cao tinh chế từ mã đề để bào chế thuốc Cugama.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, đề tài mới nhất chị vừa công bố kết quả nghiên cứu thành phần hóa học và quy trình chiết xuất hoạt chất từ dây thường xuân trồng ở Đà Lạt (Hedera helix L., Araliaceae) làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ho và viêm đường hô hấp - đây là đề tài KHCN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo do chị làm chủ nhiệm đề tài.
Danh mục 5 công trình khoa học tiêu biểu
1. Nghiên cứu quy trình chiết xuất ở quy mô pilot hợp chất lacton từ cây xuyên tâm liên làm thuốc điều trị bệnh lao phổi kháng thuốc (đề tài KHCN cấp Nhà nước).
2. Nghiên cứu chiết tách, tinh chế silybin từ quả cúc gai làm chất chuẩn phục vụ công tác kiểm nghiệm (đề tài nhánh cấp Nhà nước).
3. Nghiên cứu chiết xuất và tác dụng dược lý của bài thuốc chữa viêm đa khớp dạng thấp (đề tài KHCN cấp Bộ Y tế).
4. Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây cúc gai di thực theo hướng làm thuốc chữa bệnh gan.
5. Nghiên cứu thành phần hóa học và quy trình chiết xuất hoạt chất từ dây thường xuân trồng ở Đà Lạt làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ho và viêm đường hô hấp (đề tài KHCN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016-2017)).
|
AN NHIÊN