Quảng Lập trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

09:09, 03/09/2018

Đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2013, Quảng Lập đến nay đang nỗ lực nâng cao các tiêu chí đã đạt được để hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện nông thôn mới Đơn Dương. 

Đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2013, Quảng Lập đến nay đang nỗ lực nâng cao các tiêu chí đã đạt được để hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện nông thôn mới Đơn Dương. 
 
Một con đường trồng hoa ở Quảng Lập. Ảnh: V.T
Một con đường trồng hoa ở Quảng Lập. Ảnh: V.T
Nâng cao các tiêu chí 
 
Nằm bên kia bờ Đa Nhim, một vùng đất nông nghiệp trù phú, xã nông thôn mới Quảng Lập (đạt chuẩn từ năm 2013) với 1.285 hộ dân, gần 6.500 nhân khẩu sinh sống tại 5 thôn, đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh trong những năm gần đây tại Đơn Dương.
 
Không kể con đường nhựa từ trung tâm tâm huyện bắc qua sông Đa Nhim dẫn vào đây, khu trung tâm xã nay đã ra dáng phố thị với các con đường nhựa rộng rãi nối nhau, hai bên đường các ngôi biệt thự, nhà tầng mọc lên nhanh; một khu chợ rộng rãi, các cửa hiệu, hàng quán ven đường buôn bán tấp nập, trường học xây dựng khang trang.  
 
Là một trong 2 xã của Đơn Dương (cùng với Lạc Lâm) được chọn để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, theo ông Nguyễn Bình Trị, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lập, đây là nhiệm vụ được huyện tin tưởng giao phó nhưng xã tự tin sẽ thực hiện được.
 
“Vì tất cả các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu chính là bước nâng cao của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà xã đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm nay” - ông Trị cho biết. 
 
Cụ thể, như với tiêu chí sản xuất - thu nhập và hộ nghèo chẳng hạn, từ một vùng quê thuần nông trồng lúa bắp, Quảng Lập đến nay đã là vùng sản xuất rau thương phẩm tập trung lớn của Lâm Đồng; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2010, chỉ chừng 17 triệu đồng/người/năm, đến cuối 2017 vừa qua đã đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm và theo xã, dự kiến đến năm 2020 thu nhập bình quân nơi đây sẽ tăng lên khoảng 72 triệu đồng/người/năm, vượt mức yêu cầu phải cao hơn 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Với các hộ nghèo trong xã do được hỗ trợ vay vốn ưu đãi và cho mượn đất để sản xuất nên giảm rất nhanh, năm 2010, toàn xã có 116 hộ nghèo thì đến cuối năm 2017 vừa qua, qua bình xét tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, xã chỉ còn lại 4 hộ nghèo với 19 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,33%.
 
Trong hầu hết các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, căn cứ vào chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu do trung ương vừa ban hành, cơ bản xã đều đạt hoặc gần đạt được. Về lĩnh vực  giáo dục, cả 3 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của xã đều đạt chuẩn quốc gia, xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hầu hết học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở đều học lên bậc trung học phổ thông, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 30%... Còn lĩnh vực y tế, xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; trong lĩnh vực văn hóa, xã có 5/5 thôn đạt tiêu chí thôn văn hóa, các hoạt động về văn hóa, thể thao được địa phương duy trì. Xã trong nhiều năm nay là địa phương liên tục dẫn đầu về cải cách hành chính khối xã, thị trấn của huyện Đơn Dương.
 
Tuy nhiên, theo ông Trị, vẫn còn 2 điểm mà xã phải nỗ lực hơn nhiều để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đó là tiêu chí về hoạt động hợp tác xã (HTX) và tiêu chí về bảo hiểm y tế. Theo yêu cầu phải có 2 HTX làm ăn hiệu quả, hiện xã cũng đã thành lập 2 HTX theo qui định là HTX Nông Nghiệp Xanh và 2 tổ hợp tác trồng rau sạch và chăn nuôi bò sữa, nhưng các đơn vị này theo ông Trị vẫn hoạt động chưa có hiệu quả vì đầu ra của sản phẩm rau hoa của người dân hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Còn với tiêu chí về bảo hiểm y tế, theo yêu cầu phải đạt 95% dân cư tham gia nhưng đến nay xã mới chỉ đạt trên 85%. “Đạt được con số này không hề đơn giản chút nào và xã sẽ nỗ lực hết sức”- ông Trị khẳng định.
 
Người dân Quảng Lập áp dụng công nghệ trong trồng rau. Ảnh: V.T
Người dân Quảng Lập áp dụng công nghệ trong trồng rau. Ảnh: V.T
Những điểm sáng  
 
Có rất nhiều những điểm sáng mà Quảng Lập đã làm được và làm rất tốt tại Đơn Dương lâu nay. Một trong số đó là công tác bảo vệ môi trường sống nông thôn của xã mình.
 
Để tránh tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra chỗ đất trống, công cộng, làm bẩn gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2014 đến nay, xã đã hợp đồng với Trung tâm Quản lý, khai thác công trình công cộng huyện trực tiếp thu gom rác thải cho toàn bộ người dân trong xã. “Xã chúng tôi là địa phương đầu tiên trong huyện làm việc này” - ông Trị cho biết.
 
Cho đến nay, Trung tâm đã ký hợp đồng thu gom rác thải đến toàn bộ người dân trong xã, tận trong các thôn xóm, mỗi tuần thu gom 3 lần; trung bình mỗi hộ đóng phí 23 nghìn đồng/tháng. Với những nơi xa khu dân cư, khó thu gom, xã hướng dẫn người dân cách xử lý rác thải nông nghiệp bằng chôn lấp, làm phân vi sinh…
 
Điểm sáng khác chính là việc thắp sáng các con đường nông thôn của xã. Đến nay, theo ông Trị, toàn bộ đường giao thông nông thôn trong xã cơ bản đã được bê tông hóa, kể cả một số đường dẫn ra nội đồng, tính từ năm 2011 đến nay, người dân trong xã đã đóng góp trên 34 tỷ đồng cùng với Nhà nước làm đường nông thôn, chưa kể hiến đất, hoa màu, ngày công. Trên những con đường dân sinh đến tận từng thôn xóm, người dân đã đóng góp để bắc điện chiếu sáng ban đêm, trung bình mỗi tháng mỗi nhà góp từ 25 - 35 nghìn đồng cho việc thắp sáng này. 
 
Và cùng với những con đường bê tông sạch sẽ đó, Quảng Lập từ đầu năm 2017 đến nay còn phát động người dân trong xã trồng hàng rào hoa bằng cây chuỗi ngọc trên tất cả các trục đường liên xã, liên thôn; trồng hoa trước vườn nhà mình để làm đẹp khuôn viên và đẹp làng xóm. Đến nay đã có trên 50 nghìn cây chuỗi ngọc được trồng làm hàng rào. 
 
Quảng Lập lâu nay còn đi đầu trong rất nhiều mô hình khác như mô hình làm trụ cờ dọc các tuyến đường trong xã, mô hình vận động người dân thực hiện nếp sống mới không rải giấy tiền vàng mã khi đưa tang… Những mô hình này đã đi vào cuộc sống của người dân, được đông đảo mọi người thực hiện.
 
Trong cuối năm nay, theo ông Trị huyện sẽ kiểm tra đánh giá lại các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu mà xã thực hiện lâu nay, xã sẽ tiếp tục hoàn thành những mặt chưa được để sớm được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. “Nhiều người dân trong xã đang đề nghị huyện và cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa lại con đường nhựa dẫn vào trung tâm xã hiện nay đang xuống cấp, ổ gà nhiều  quá” - ông Chủ tịch xã mong mỏi. 
 
 VIẾT TRỌNG