Thứ 4, 16/04/2025, 15:13

Trung thu ở… Lặng

04:09, 24/09/2018

(LĐ online) - Lặng nằm trong Trường Khiếm thính, là tên gọi của một không gian nhỏ bày bán đồ thủ công của các giáo viên và học sinh nơi đây. Thường ngày, Trường Khiếm thính yên tĩnh và lặng lẽ như cái tên… Lặng.

(LĐ online) - Lặng nằm trong Trường Khiếm thính, là tên gọi của một không gian nhỏ bày bán đồ thủ công của các giáo viên và học sinh nơi đây. Thường ngày, Trường Khiếm thính yên tĩnh và lặng lẽ như cái tên… Lặng. Nhưng, những ngày trong mùa Trung thu này, Lặng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết, bởi những tiếng nhạc “tùng rinh rinh”, tiếng trống múa lân rộn vang, và cả những tiếng cười giòn tan hơn của các em học sinh Trường Khiếm thính khi được đón hội trăng rằm. 
 
Khác với những nơi khác, chị Hằng ở trường Khiếm thính nói chuyện với các em thiếu nhi bằng tay
Khác với những nơi khác, chị Hằng ở trường Khiếm thính nói chuyện với các em thiếu nhi bằng tay
Nơi chị Hằng nói chuyện bằng tay
 
Những ngày này, các em học sinh Trường Khiếm thính rộn ràng niềm vui, bởi các anh chị thanh niên Đoàn Phường 4, TP Đà Lạt đã tổ chức một Đêm hội trăng rằm đúng nghĩa. Tối hôm đó, các em được xem múa lân, xem ảo thuật, được phá cỗ và cả rước đèn Trung thu. 
 
Ngay từ sáng sớm, cô bé Huyền Anh (6 tuổi, học lớp 1A) đã đến trường sớm hơn thường ngày, xum xoe bộ đầm màu hồng đẹp nhất, tung tăng lên khoe với cô giáo bằng sự rộn ràng không giấu được. Nhà Huyền Anh ở Đà Lạt, hàng ngày học xong thì được bố mẹ đón về. Nhưng hôm nay, cô bé nhất quyết không chịu về nhà, đòi ở lại trường bằng được để tối đón Trung thu.
 
Không riêng Huyền Anh, hầu như bạn nào cũng chung niềm háo hức như vậy. Lương Quang (học sinh lớp 7) từ buổi chiều đã chạy ra chạy vào, phụ các anh các chị dựng sân khấu, treo lồng đèn, mắt sáng rỡ mỗi lần được các anh chị nhờ lấy cái gì đó.
 
Thấu hiểu được sự nôn nao của các em học sinh, nên buổi chiều hôm đó, các cô giáo cho các em ăn tối sớm hơn thường ngày. Chưa đến 6 rưỡi tối, những hàng ghế đã được sắp xếp trật tự trong sân trường, sẵn sàng đón một đêm hội vui.
 
Trung thu ở Trường Khiếm thính cũng có chú Cuội, chị Hằng. Nhưng khác với những nơi khác, ở đây chú Cuội giới thiệu chương trình bằng lời nói, còn chị Hằng nói bằng ngôn ngữ ký hiệu. Các em nhỏ mặc dù nghe hoặc không nghe được chú Cuội nói gì, nhưng những ánh mắt trong veo vẫn chăm chú dõi theo bàn tay chị Hằng, sáng lên háo hức và những cánh tay vẫn giơ lên vội vã mỗi lần có câu hỏi, mặc dù chưa chắc mình đã biết câu trả lời. Và những khuôn mặt thơ ngây rộn rã niềm vui cũng đồng loạt hướng ra cổng khi thấy chú lân đi vào. Những cánh tay tranh nhau ùa ra để được chạm vào mình lân, được ông địa ôm vào lòng.
 
Trung thu ở Trường Khiếm thính cũng có những tiết mục văn nghệ, nhưng đều là nhảy, là múa, không có hát “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh muôn màu...” hay “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường,...”. Vậy mà các em nhỏ vẫn cứ say mê đứng dưới khua chân múa tay, nhảy theo các anh chị ở trên sân khấu. Nụ cười không tắt trên môi các em...
 
Nhao nhao đòi trả lời câu hỏi của chú Cuộc, chị Hằng là vậy, nhưng đến khi được các anh chị phát bánh kẹo, phát đèn lồng, các em lại ngồi đúng chỗ, ngoan ngoãn đợi đến lượt mình, mặc dù cũng muốn được nhận quà lắm và những ánh mắt ngây thơ vẫn chăm chú dõi theo các anh chị, với một nỗi sợ hồn nhiên của trẻ thơ mà Huyền Anh nói với mẹ: “Mẹ ơi! Có khi nào hết quà, con không được nhận quà không?” - khiến mọi người xung quanh vừa thương vừa bật cười.
 
May mắn thay, giữa những ngày tháng 9 trời ẩm ương, hay mưa vào buổi tối, tối hôm đó lại là một buổi tối hiếm hoi đẹp trời, nên lần đầu tiên, các em học sinh Trường Khiếm thính được hưởng niềm vui trọn vẹn khi rồng rắn nối đuôi nhau ra đường rước đèn Trung thu - dưới sự hướng dẫn của các cô giáo và các anh chị đoàn viên. 
 
Có đứng đó, chứng kiến niềm rạng rỡ của các em khi tranh nhau đòi các anh chị châm đèn cầy, những bước chân rộn ràng và háo hức bước ra đường, những tiếng ú ớ gọi nhau thay bằng lời nói, mới cảm nhận hết niềm vui của các em. Đình Nghĩa (học sinh lớp 2) méo xệch miệng khi mang chiếc lồng đèn đã bị bạn làm cho tắt đèn, vừa giơ lên mách tội các anh chị mà nước mắt ngắn dài. Vậy mà chỉ cần thay chiếc lồng đèn khác, anh chàng đã lại cười rạng rỡ, lại ùa ra với các bạn.
 
Niềm vui của các em nhỏ khiếm thính khi nhận được đèn Trung thu
Niềm vui của các em nhỏ khiếm thính khi nhận được đèn Trung thu
Cho các em niềm vui như bao đứa trẻ khác
 
Cùng ngồi đón Trung thu với con, chị Mai Thảo Hiền - mẹ của Huyền Anh xúc động khi thấy cô con gái thường ngày rụt rè, nay cũng hào hứng giơ tay đòi trả lời câu hỏi, nhảy múa với các bạn. Chị nói rằng, mình biết ơn vô cùng những cô chú, anh chị đã yêu thương và quan tâm, đứng ra tổ chức đêm hội trăng rằm, để các cháu vốn dĩ thiệt thòi nay cũng được hưởng không khí Trung thu như các bạn nhỏ khác cùng tuổi.
 
Hiện, Trường Khiếm thính có hơn 120 học sinh, trong đó có trên 99% em học nội trú. Mỹ Duyên (học sinh lớp 2, nhà ở Di Linh) không được về nhà đón Trung thu cùng gia đình. Và nhà nghèo, gia đình em cũng chưa từng cho con một Trung thu đầy đủ đèn lồng, bánh kẹo. Ở đây, em mới được phá cỗ, được xem múa lân, và lần đầu tiên em được rước đèn. Em nói bằng ngôn ngữ ký hiệu, rằng: “Con thích Trung thu lắm. Hôm nay tụi con được ra ngoài chơi, có các bạn, có các anh chị nữa, đông vui lắm. Mà lớp học và sân trường cũng đẹp hơn nữa vì có nhiều lồng đèn.” 
 
Còn với cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, hạnh phúc của cô là được chứng kiến những tiếng cười đùa rộn ràng của các em học sinh. Niềm vui của các em học sinh cũng là niềm vui của các thầy cô giáo trong trường. Nụ cười không ngớt trên môi của các em học sinh, cũng không ngớt trên môi các thầy cô giáo.
 
Cô Lợi chia sẻ rằng, mặc dù không nghe được, hát được, nhưng các em cảm nhận được không khí của Trung thu ngay từ những ngày trước đó. Bởi để giúp các em học sinh hiểu rõ hơn ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, ngay từ đầu tháng, các cô giáo đã chọn chủ đề Trung thu làm chủ đề chính trong chương trình học tháng 9 của các em, hướng dẫn các em làm đèn ông sao, làm bánh dẻo bánh nướng. Thông qua những ngày lễ vui tươi và nhiều tiếng cười như này mà các em có động lực và yêu thích đến trường hơn.
 
Đêm hội Trăng yêu thương được các giáo viên và các anh chị Đoàn Phường 4 cố ý tổ chức sớm hơn Trung thu vài ngày, bởi như anh Đỗ Quốc Phong - Bí thư Đoàn Phường 4 chia sẻ rằng: “Chúng tôi mong muốn để các em thiếu nhi ở Trường Khiếm thính cảm nhận không khí Trung thu được lâu hơn và kéo dài niềm vui của các em. Không chỉ riêng các em ở đây mà còn rất nhiều các em thiếu nhi ở nơi khác thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, nên mùa Trung thu này, Đoàn Phường 4 mang đến 740 suất quà, trị giá hơn 65 triệu đồng và những đêm hội Trăng yêu thương, với mong muốn góp phần đem đến cho các em một mùa Trung thu tròn đầy tình yêu thương.”
 
VIỆT QUỲNH