Thứ 4, 23/04/2025, 22:46

Tổ phụ nữ liên kết trồng nấm mèo

08:09, 14/09/2018

Ðược thành lập từ năm 2012, tổ hợp tác trồng nấm mèo của phụ nữ xã Liên Hiệp (Ðức Trọng) đã từng bước đem lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Ðược thành lập từ năm 2012, tổ hợp tác trồng nấm mèo của phụ nữ xã Liên Hiệp (Ðức Trọng) đã từng bước đem lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.
 
Tổ hợp tác trồng nấm của phụ nữ Liên Hiệp đã tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi trong thôn. Ảnh: T.Vũ
Tổ hợp tác trồng nấm của phụ nữ Liên Hiệp đã tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi trong thôn.
Ảnh: T.Vũ

Chúng tôi tìm đến nhà chị Vũ Thị Phương (Tổ 13, thôn An Hiệp) khi chị cùng với các thành viên của tổ hợp tác và nhiều chị em phụ nữ trong thôn đang cùng nhau rửa, nhặt nấm. Chị Phương cũng là tổ trưởng tổ hợp tác, chị cho biết chị tham gia vào tổ hợp tác từ những ngày đầu mới thành lập và cũng đến với nghề trồng nấm từ cách đây cả chục năm. Lúc đầu, chị chỉ có một nhà nấm, nay con số này đã nâng lên thành 10 nhà nấm. “ Khi Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã thành lập tổ hợp tác trồng nấm mèo của chị em phụ nữ nên tôi mạnh dạn tham gia. Từ lúc tham gia vào tổ đến nay, tôi đã được học hỏi kinh nghiệm chị em trong tổ nên việc chăm sóc cho nấm cũng dễ dàng, thuận lợi hơn, năng suất cao hơn trước. Số tiền tích cóp được từ công việc trồng nấm, tôi vừa trang trải cuộc sống gia đình, vừa dùng để đầu tư phát triển thêm các trại nấm” - chị Phương cho biết thêm.
 
Chị Phạm Thị Hạnh - một thành viên khác của tổ hợp tác, cũng cho hay, chị trồng nấm được chừng 12 năm nay và cũng tham gia vào tổ hợp tác được nhiều năm rồi. “Nhà tôi hiện trồng 8 trại nấm. Lúc đầu, tôi cũng ngần ngại không muốn tham gia nhưng sau một thời gian thấy tổ hoạt động hiệu quả, nên tôi đã gia nhập”.
 
Còn chị Nguyễn Thị Thanh và con gái là Nguyễn Thị Nguyệt, là 2 thành viên của tổ hợp tác. Ngoài việc trực tiếp sản xuất nấm, chị Thanh cùng con gái mình còn tiêu thụ nấm còn lại do chị em trong tổ sản xuất ra sau khi đã bán cho nhà cung cấp giống. “Hiện, mẹ Thanh và tôi có tất cả 13 nhà nấm. Ngoài việc sản xuất nấm, tôi và mẹ còn thu mua của chị em trong tổ để sơ chế, xuất đi Hà Nội, Sài Gòn. 2 năm trở lại đây, hàng nói chung là đi đều đều” - chị Nguyễn Thị Nguyệt cho biết.
 
Các thành viên trong tổ hợp tác cho hay, những ngày đầu mới thành lập, các thành viên trong tổ cũng gặp nhiều khó khăn về giống, vốn, đầu ra... Sau nhiều năm đi vào hoạt động, hiện, tổ hợp tác đã vận hành tương đối thuận lợi. Hàng ngày, các chị thường đổi công cho nhau, chỉ cần một nhà trong tổ thu nấm là các chị lại tập trung cùng làm. Ngoài ra, tổ hợp tác cũng tạo thêm nhiều việc làm cho các chị em lớn tuổi nhàn rỗi trong thôn. Chị Nguyễn Thị Minh - một phụ nữ trong thôn cho biết: “Tôi tham gia cùng chị em tổ hợp tác trồng nấm cũng được vài năm nay. Những lúc nấm rộ, các chị cần thêm nhân công sẽ gọi, nếu rảnh, chúng tôi lại tham gia, cứ túc tắc như thế cũng có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống”.
 
Không chỉ vần công, đổi công, các thành viên trong tổ hợp tác cũng thường chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất, nhà nào làm nấm có hiệu quả cùng chia sẻ lại kinh nghiệm của mình, để các thành viên trong tổ tham khảo, học hỏi. Rồi những khi nấm bị bệnh, nấm hư... các chị lại cùng nhau tìm nguyên nhân, rồi tìm thuốc đặc trị... Không những thế, mỗi lần nhóm họp, các chị vừa làm, vừa râm ran chuyện trò, cùng chia sẻ mọi buồn, vui trong cuộc sống, từ cách dạy con, đến việc giữ gìn hạnh phúc gia đình...
 
Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hiệp cho hay, từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác trồng nấm mèo của chị em phụ nữ trong xã hoạt động tương đối hiệu quả. Lúc mới thành lập, Hội LHPN xã cũng đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các thành viên trong tổ hợp tác vay 260 triệu đồng để tạo vốn làm ăn và đến nay, các chị cũng đã trả xong. “Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng bịch nấm do nhà cung cấp không được tốt, chỉ trồng được một lần rồi bỏ, hiệu quả kinh tế vì vậy cũng chưa cao. Vì vậy, chúng tôi cũng mong ngành chức năng có các biện pháp kiểm định chất lượng bịch giống trước khi tới tay người nông dân, để chất lượng bịch tốt hơn, sản phẩm nấm làm ra cũng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn” - chị Trịnh Thị Hoàng nói.
 
THY VŨ