Xây dựng đội ngũ trí thức ở huyện nghèo

08:09, 27/09/2018

Trí thức trẻ là nguồn nhân lực có chất lượng cao, là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển đội ngũ trí thức tại chỗ hoặc thu hút trí thức là một hướng đi mới góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trí thức trẻ là nguồn nhân lực có chất lượng cao, là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển đội ngũ trí thức tại chỗ hoặc thu hút trí thức là một hướng đi mới góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
65% đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện Đam Rông tập trung trong giáo dục. Ảnh: N.N
65% đội ngũ trí thức trên địa bàn huyện Đam Rông tập trung trong giáo dục. Ảnh: N.N

Ðưa Nghị quyết vào cuộc sống
 
Ngay sau khi Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa” đươc ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 66. Đó là cơ sở để Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông tổ chức quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ chủ chốt trên toàn huyện. Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cũng như các đảng viên, đoàn viên, hội viên đã nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trước yêu cầu đổi mới của địa phương và đất nước. 
 
Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông xác định, đội ngũ trí thức là nguồn nhân lực chủ chốt cho sự phát triển của huyện, nên trên cơ sở các chính sách của Nhà nước, huyện đã cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. Huyện đã hoàn thiện môi trường thuận lợi cho hoạt động của trí thức thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kế hoạch quy hoạch cán bộ…Đây là những văn bản cụ thể hóa nhiều lĩnh vực liên quan đến đội ngũ trí thức, tạo điều kiện cho lực lượng này có cơ hội tham gia vào bộ máy chính quyền. Theo đó, nhiều cán bộ đã được cử đi học các lớp chính trị. Huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các trường đại học như Đại học Lâm nghiệp, Đại học Nông lâm TP. HCM, Đại học Luật… để mở các lớp học cần thiết trên địa bàn, tạo điều kiện cho con em tham gia học tập. Đặc biệt, để tạo nguồn trí thức tại chỗ, trong 10 năm qua, Đam Rông đã cử 59 người tham gia học cử tuyển tại các trường Đại học. Trong đó, tập trung vào các ngành địa phương đang cần như: Kế toán, Luật, Lâm sinh, Khoa học cây trồng… Song song với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo huyện thực hiện tốt chính sách huy động đội ngũ trí thức trẻ về công tác và tham gia một số dự án ở huyện; điều động một số trí thức từ xã lên huyện, từ khối Đảng sang khối Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, có chính sách hỗ trợ đối với trí thức ở địa phương khác về công tác trên địa bàn. Huyện cũng đã thành lập hội khuyến học cấp huyện và cấp xã để tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư cho con em học tập, xây dựng các quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, cho sinh viên vay vốn trong thời gian học. Đồng thời, thành lập Hội Cựu giáo chức của huyện nhằm tập hợp đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu tham gia các hoạt động, góp phần phát triển giáo dục trên địa bàn.
 
Những chuyển biến căn bản
 
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức đã có những chuyển biến căn bản. Đơn cử như việc trong hai nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiến hành quy hoạch cán bộ. Trong đó, chú trọng đến đội ngũ trí thức trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng cả chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. 
 
Theo thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông, từ năm 2008 đến nay, đã có 455 đồng chí được cử đi học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. 248 người được đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các lớp đào tạo ngắn hạn được tổ chức thường xuyên qua các năm để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ trẻ… Cùng với đó, các chính sách đãi ngộ, thu hút trí thức… đã tạo môi trường thuận lợi để trí thức phát triển về số lượng và chất lượng, từng bước nâng cao trình độ và năng lực sáng tạo, góp phần trực tiếp cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin và động lực cho đội ngũ trí thức cống hiến.
 
Ông Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long là cán bộ từ Dự án 600 (dự án đưa trí thức trẻ, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện nghèo trong cả nước) cho biết: “Nhờ các chính sách của Trung ương cũng như địa phương trong việc phát triển đội ngũ trí thức nên con em trên địa bàn có nhiều thuận lợi trong học tập cũng như trở về cống hiến cho địa phương. Lực lượng này ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng. Những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao của họ đã đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.
 
Nếu như trước năm 2008 đội ngũ trí thức của huyện vừa thiếu, vừa yếu thì sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đội ngũ trí thức của Đam Rông đã đủ về số lượng, cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể, đội ngũ trí thức của Đam Rông hiện có 1.599 người. Trong đó, trí thức là người đồng bào DTTS chiếm 213 người, đạt trên 13%. 
 
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện này, hiện nay, đội ngũ trí thức công tác ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện luôn phát huy tốt vai trò và năng lực chuyên môn. Lực lượng này góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường, hội nhập. 
 
Ông Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Thường trực xã Đạ Tông là cán bộ trẻ từ chính sách thu hút 30a. Phó Bí thư Thường trực xã Đạ Tông tâm sự: “Tốt nghiệp đại học, ra trường lăn lộn làm nhiều nghề vì không xin được việc làm. Nhờ có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ về công tác trên địa bàn huyện Đam Rông nên đã thu hút nhiều trí thức về làm cán bộ ở các địa phương trên địa bàn. Huyện đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nên các trí thức có thêm động lực phấn đấu gắn bó và nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. 
 
Nghị quyết 27 về trí thức - Đúng và trúng nhưng gian nan thực hiện nhất là trên địa bàn nghèo, đông đồng bào DTTS và ở vùng sâu vùng xa như Đam Rông. Thực tế, qua 10 năm, đội ngũ trí thức của huyện vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như số lượng đông nhưng chưa mạnh. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính…Đội ngũ kế cận còn yếu. Trình độ của đội ngũ trí thức còn nhiều hạn chế về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, ngoại ngữ… Còn một số trí thức xem việc công tác tại huyện là tạm thời để làm bàn đạp chuyển đi các địa phương khác… Vẫn còn không ít trí thức, nhất là trong vùng đồng bào DTTS mang mặc cảm tự ti, ít có phấn đấu vươn lên…
 
Trước sự phát triển không ngừng của cuộc sống, nên đầu tư cho trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Bởi vậy, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra đối với địa phương hiện nay là cần tiếp tục quan tâm đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển đội ngũ trí thức trẻ; khuyến khích sự sáng tạo, mạnh dạn trong đề xuất, nghiên cứu; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức có cơ hội cống hiến. Thực hiện hiệu quả chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với trí thức, kịp thời tôn vinh những trí thức có đóng góp lớn cho địa phương.
 
N. NGÀ