Ðể Ðà Lạt trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và thông minh

08:10, 09/10/2018

Tây Nguyên là một trong 8 cụm đô thị ở Việt Nam, bao gồm 9 đô thị thành viên, trong đó tỉnh Lâm Ðồng có 2 đô thị là Ðà Lạt và Bảo Lộc. Căn cứ các tiêu chí của Hiệp hội đô thị Việt Nam về xanh, sạch, đẹp và thông minh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố Ðà Lạt cùng với thành phố Buôn Ma Thuột cùng xếp vị trí đứng đầu Tây Nguyên với 97/100 điểm năm 2018. 

Tây Nguyên là một trong 8 cụm đô thị ở Việt Nam, bao gồm 9 đô thị thành viên, trong đó tỉnh Lâm Ðồng có 2 đô thị là Ðà Lạt và Bảo Lộc. Căn cứ các tiêu chí của Hiệp hội đô thị Việt Nam về xanh, sạch, đẹp và thông minh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố Ðà Lạt cùng với thành phố Buôn Ma Thuột cùng xếp vị trí đứng đầu Tây Nguyên với 97/100 điểm năm 2018. 
 
Vớt rác trên hồ Xuân Hương. Ảnh: Đ.P
Vớt rác trên hồ Xuân Hương. Ảnh: Đ.P

Phong trào thi đua xây dựng “Đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh” của Hiệp hội Đô thị Việt Nam ban hành gồm 15 tiêu chí. Đánh giá năm 2018, đô thị Đà Lạt chỉ có 3 tiêu chí không đạt điểm tối đa, với tổng điểm 97/100. Bao gồm các tiêu chí: “Xây dựng thói quen không vứt rác ra đường và nơi công cộng, duy trì phong trào tổng vệ sinh định kỳ” đạt 5/6 điểm; “Tăng tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, chống ô nhiễm nguồn nước (ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch, nước ngầm)” 7/8 điểm và “Tăng phương tiện vận tải hành khách công cộng và sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông đô thị” 5/6 điểm. Đây là những vấn đề cần tiếp tục phấn đấu đối với thành phố Đà Lạt để xứng đáng danh hiệu “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” năm 2017 do Hội nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường các nước ASEAN lần thứ 15 bình chọn. 
 
Đồng thời, những mặt tích cực của đô thị Đà Lạt đạt được cần được giữ vững và phát huy theo hướng bền vững vẫn là mục tiêu luôn hướng đến đối với cả hệ thống chính trị và cộng đồng. 
 
Về “Tăng diện tích cây xanh bình quân đầu người”, để đạt được 15,50 m 2/người như hiện nay (7/7 điểm) là kết quả của nhiều phong trào như “Ngày chủ nhật xanh”, “Hội thi xanh, sạch, đẹp”...
 
Ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã có 40.593/40.929 hộ gia đình, 249/249 khu dân cư, 86/98 cơ sở tôn giáo, 77/77 trường học, 57 cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn đăng ký tham gia hội thi này. Tiêu chí “Đẩy mạnh phong trào trồng cây và tăng số cây xanh trồng thêm”, cũng trong 9 tháng năm 2018, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã sản xuất gần 350.000 chậu hoa, túi hoa các loại để kịp thời thay hoa trong các công viên, đường phố; thay trồng mới 325.506 cây các loại trên các tuyến đường...Đối với tiêu chí “Tăng diện tích mặt nước và thảm cỏ”, sở dĩ đạt được 8/8 điểm, UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên ra quân phát quang, vệ sinh môi trường, vớt rác, bèo; chăm sóc, cắt, tỉa hoa, cỏ mái đập, vai tràn tại các công trình thủy lợi. Đặc biệt, khu vực quanh hồ Xuân Hương - “trái tim của thành phố” với 38 ha cùng 3 hồ lắng có tổng diện tích hơn 3 ha đã đảm bảo mặt nước luôn sạch đẹp. 
 
Là đô thị vừa phát triển mạnh cả về du lịch - nghỉ dưỡng cả về sản xuất nông nghiệp, việc “Tăng tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng tái sử dụng, tái chế, đốt, chôn lấp hợp vệ sinh” thực sự luôn là vấn đề không đơn giản trong triển khai thực hiện. Lý giải về đạt điểm tối đa 8/8, ông Võ Ngọc Trình cho biết, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt tổ chức đội ngũ công nhân duy trì thường xuyên quét, thu gom rác, bình quân 192,6 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 75%. Cùng đó, rác thải được chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải tại Xuân Trường để xử lý. Dĩ nhiên, 25% rác thải còn lại chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, chính quyền thành phố Đà Lạt cần tăng cường nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả, từ tuyên truyền, vận động đến thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị chức năng. Trong đó, các biện pháp như thu gom rác tại các tuyến đường cần duy trì thường xuyên đều đặn; thông báo lịch thu gom rác đến từng hộ gia đình; thực thi nghiêm và kịp thời xử phạt vi phạm vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ việc xử lý chất thải tại nhà máy xử lý rác thải...
 
Đối với tiêu chí “Tăng cường tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, chống ô nhiễm nguồn nước”, hiện tại thành phố Đà Lạt đang vận hành nhà máy xử lý tại Xí nghiệp Quản lý nước thải với công suất 5.500 m 3 /ngày đêm (công suất thiết kế 7.400 m 3/ngày đêm). Tuy nhiên, hiện mới quản lý được các tuyến chính, tuyến nhánh tại các Phường 1, 2, một phần Phường 5, 6, 8. Vì vậy, chủ trương nâng cấp đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom nước và xử lý nước thải thành phố Đà Lạt, nâng công suất nhà máy lên 12.400 m 3/ngày đêm để tổ chức thu gom các phường còn lại trên địa bàn trung tâm thành phố là hết sức khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, tiến hành sớm hoàn chỉnh việc tổ chức tiến hành lập hồ sơ môi trường như Kế hoạch BVMT và Đề án BVMT đối với các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Đặc biệt là những lĩnh vực tiềm ẩn cao nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước như sản xuất chế biến thực phẩm, chế biến cà phê theo công nghệ ướt, hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động khai thác khoáng sản, các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe ô tô... Được biết, đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã có 1.127 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã lập hồ sơ môi trường và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, có 220 hồ sơ cấp tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của thủ tục hành chính, vấn đề quan trọng chính là thường xuyên giám sát, kiểm tra thực chất có hiệu quả, và qua đó thực hiện việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 
 
ÐẠO PHAN