An toàn thực phẩm với sức khỏe phụ nữ và trẻ em

08:10, 03/10/2018

Với chủ đề này, hội thảo do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có phụ nữ với vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo cho thế hệ trẻ và bảo vệ giống nòi khỏe mạnh từ nguồn thực phẩm an toàn.

Với chủ đề này, hội thảo do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có phụ nữ với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo cho thế hệ trẻ và bảo vệ giống nòi khỏe mạnh từ nguồn thực phẩm an toàn.
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh nêu vấn đề đảm bảo ATTP từ việc thực hành tốt tại cơ sở. Ảnh: A.Nhiên
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh nêu vấn đề đảm bảo ATTP từ việc thực hành tốt
tại cơ sở. Ảnh: A.Nhiên
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh nêu giải pháp đảm bảo ATTP từ việc thực hành tốt tại cơ sở: Thực hành tốt sản xuất rau an toàn; chăn nuôi giết mổ an toàn; thực hành tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn; thực hành tốt dịch vụ ăn uống; bảo quản thực phẩm tốt; thực hành lưu thông trong phân phối thực phẩm tốt; thực hành tốt nhãn mác sản phẩm; thực hành bàn tay tốt.
 
 Người phụ nữ có vai trò to lớn trong gia đình, chăm lo bữa ăn hàng ngày cho các thành viên, là người tiêu dùng cần có kiến thức hiểu biết cơ bản về thực phẩm an toàn, có kiến thức đầy đủ về vệ sinh ATTP và thực hành tốt 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, thực hiện tốt các hướng dẫn về ATTP. Đồng thời, khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để cảnh báo cộng đồng; khiếu nại, tố cáo, đấu tranh với các vi phạm về ATTP.
 
Theo bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2018, ngành đã kiểm tra về vệ sinh ATTP 241 vụ, phát hiện 192 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn 367 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về giấy tờ, hồ sơ pháp lý về ATTP (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, hồ sơ công bố/tự công bố sản phẩm, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức về ATTP...). Hành vi gian lận thương mại còn có các mặt hàng sữa, mứt, trái cây sấy khô, thực phẩm tươi sống, nổi cộm là một số cơ sở kinh doanh mặt hàng nông sản rau, củ, quả đã thu mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc trà trộn với mặt hàng có xuất xứ từ Đà Lạt rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. 
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hội Phụ nữ tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo ATTP, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP và tham gia phát hiện, tố giác trường hợp sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả, các loại thuốc hoặc hóa chất ngoài danh mục. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Sở đã thực hiện kiểm tra 282 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông - lâm - thủy sản và thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh, đã đánh giá xếp loại 207 cơ sở gồm: 27 cơ sở loại A, 173 cơ sở loại B và 7 cơ sở loại C, qua đó yêu cầu các cơ sở khắc phục các lỗi vi phạm. Thực hiện 1.271 mẫu giám sát ATTP trên nông sản, heo, chả giò, phân bón, thuốc BVTV. Phân tích các chỉ tiêu cho thấy có 26 mẫu nông sản vi phạm ATTP, trong đó có: 15 mẫu rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 9 mẫu cà phê hàm lượng cafein thấp; 2 mẫu nước cốt và tương có dư lượng chất bảo quản vượt mức cho phép; 46 mẫu giò chả có chứa chất bảo quản Natribenzoat không có trong danh mục cho phép; 9 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
 
Bà Hồ Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh: “Hiện nay, ATTP trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội khi ngày càng có nhiều người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần có trách nhiệm cụ thể để đảm bảo ATTP cho bản thân, gia đình và xã hội”.
 
Những năm qua, Hội Phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Gần đây nhất là thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội của Chính phủ với chủ đề năm 2018 là Vệ sinh ATTP. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động: Tập huấn ATTP cho cán bộ phụ nữ cấp cơ sở; tổ chức hội thi phụ nữ với kiến thức ATTP, nấu ăn, giao lưu ẩm thực, hưởng ứng Tháng Hành động vì ATTP. Vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, ký cam kết và tuân thủ các quy định về ATTP; xây dựng mô hình ATTP với thức ăn đường phố...
 
Thực hiện nhiệm vụ của Hội Phụ nữ về hoạt động giám sát, năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã chủ trì đoàn giám sát ATTP tại địa phương có đại diện các sở, ngành cùng tham gia. Đoàn đã giám sát việc thực hiện Luật ATTP trực tiếp tại 18 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; công tác quản lý, chỉ đạo ATTP tại các huyện: Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai và giám sát tình hình ATTP tại 3 chợ. Kết quả giám sát cho thấy tình trạng sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn còn diễn ra (phát hiện 9 hộ kinh doanh giò chả vi phạm sử dụng chất phụ gia không đúng quy định); hoạt động tuyên truyền, vận động các hộ cam kết đảm bảo ATTP chưa cao; công tác xử lý các cơ sở vi phạm ATTP chưa nghiêm, việc xử phạt rất hạn chế, chủ yếu nhắc nhở nên không có tính răn đe. Qua đợt giám sát, Hội đã có kiến nghị cụ thể với các cấp, các ngành, trong đó đề xuất việc tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP, nhất là vấn đề sử dụng chất cấm, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản vượt ngưỡng; thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
 
AN NHIÊN