Cần có tầm nhìn mới trong nông nghiệp

08:10, 16/10/2018

Cuốn sách về "Nông nghiệp thông minh 4.0 - Xu hướng tất yếu và cách tiếp cận ở Việt Nam" của tác giả Phạm S do Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành năm 2018 là thông tin bổ ích có tính khoa học và thực tiễn cao, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả quan tâm đến vấn đề nông nghiệp hiện nay.

Cuốn sách về “Nông nghiệp thông minh 4.0 - Xu hướng tất yếu và cách tiếp cận ở Việt Nam” của tác giả Phạm S do Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành năm 2018 là thông tin bổ ích có tính khoa học và thực tiễn cao, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả quan tâm đến vấn đề nông nghiệp hiện nay.
 
Bìa cuốn sách mới của TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Hiền
Bìa cuốn sách mới của TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Hiền

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa là nhà khoa học vừa là nhà quản lý đã có nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã chuyển tải tâm huyết của mình vào cuốn sách dày 400 trang. Trong đó, nêu bật tính tất yếu rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ là cuộc cách mạng vừa trước mắt vừa lâu dài đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, nếu chậm bao nhiêu thì càng mất lợi thế trước yêu cầu hội nhập quốc tế bấy nhiêu.
 
Nội dung cuốn sách đặt ra vấn đề Việt Nam tiếp cận nông nghiệp thông minh như thế nào cho phù hợp? Với một đất nước nông nghiệp, trong điều kiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, muốn phát triển nông nghiệp thành công, việc tái cơ cấu nền nông nghiệp là cần thiết, một trong các giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng “Toàn diện, bền vững, hiện đại và đa chức năng”. Tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh. Song thực tế hiện nay cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai. 
 
Tác giả phân tích, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vừa có nhiều cơ hội, song cũng có nhiều thách thức đan xen. Trong vô vàn khó khăn, thách thức nhưng chúng ta vẫn phải tìm ra những thế mạnh để mở đường cho ngành nông nghiệp Việt Nam cất cánh, hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi nông sản toàn cầu. Đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất. Tập trung chỉ đạo toàn quốc tùy theo điều kiện thực tiễn về điều kiện sinh thái, lực lượng sản xuất, lợi thế cây trồng, vật nuôi, sự sẵn sàng và năng động của doanh nghiệp và nông dân của từng địa phương; cần chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, xem đây là cuộc cách mạng vừa trước mắt vừa lâu dài đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
 
Cả nước có khoảng 30 trang trại, doanh nghiệp ứng dụng IoT, trong đó Lâm Đồng chiếm 50%. Vì sao Lâm Đồng lại chiếm ưu thế? Cuốn sách cung cấp thông tin cho độc giả về chính sách và tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0 từ thực tiễn Lâm Đồng. Với gần 15 năm chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các chính sách định hướng lớn cho nông dân và doanh nghiệp với những nội dung cơ bản: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách đất đai; Chính sách khoa học công nghệ; Chính sách xúc tiến thương mại; Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chính sách tín dụng; Chính sách hợp tác và hội nhập quốc tế và chính sách bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
 
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước và kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn sản xuất tại địa phương, tác giả khuyến nghị công thức nông nghiệp thông minh 4.0 ở Việt Nam là: 4K + 4L + 4T. Cụ thể: 4K bao gồm: Khó khăn là động lực để đổi mới sáng tạo (bởi tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0 thực tiễn sẽ gặp khó khăn vì là vấn đề mới trong điều kiện Việt Nam, yêu cầu khi ứng dụng phải có tri thức khoa học và nguồn lực); Khuyến khích các thành phần kinh tế; Khởi nghiệp nông nghiệp thông minh; Kết nối chuỗi nông sản toàn cầu. 4L gồm: Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt; Lấy nông dân làm chủ thể; Lấy khoa học công nghệ làm then chốt; Lấy liên kết sản xuất để phát triển bền vững. 4T gồm: Tiết kiệm tài nguyên đất, nước và vật tư nông nghiệp đầu vào; Tạo bước đột phá giảm lao động sống; Thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng quy mô sản xuất nông nghiệp bền vững; Tăng hiệu quả và thu nhập cho trang trại/doanh nghiệp, địa phương và quốc gia (chẳng hạn: cà chua canh tác truyền thống tại Đơn Dương cho năng suất cao nhất chỉ đạt 200 - 220 tấn/ha/năm, doanh thu khoảng 180 triệu đồng, nếu canh tác ứng dụng công nghệ cao đồng bộ thì năng suất cà chua đạt gấp 3,6 lần so với canh tác truyền thống).
 
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức phổ cập về nông nghiệp thông minh 4.0, cuốn sách bổ ích cho nhiều độc giả từ nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người nông dân bởi khá dễ đọc và nghiên cứu để có tầm nhìn mới trong nông nghiệp và ứng dụng vào thực tiễn để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
 
DIỆU HIỀN