Dân còn tin thì mình còn làm

09:10, 24/10/2018

Mặc dù tự nhận rằng trưởng thôn là trọng trách nặng nề và vất vả đối với một người phụ nữ, nhưng cô Lỗ Thị Thư (46 tuổi, Thôn 3, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) vẫn tâm niệm rằng: Khi nào dân còn tin tưởng, còn tín nhiệm thì cô vẫn còn đảm nhiệm trọng trách ấy, với tất cả tinh thần và trách nhiệm của mình - như bao năm qua vẫn vậy.

Mặc dù tự nhận rằng trưởng thôn là trọng trách nặng nề và vất vả đối với một người phụ nữ, nhưng cô Lỗ Thị Thư (46 tuổi, Thôn 3, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà) vẫn tâm niệm rằng: Khi nào dân còn tin tưởng, còn tín nhiệm thì cô vẫn còn đảm nhiệm trọng trách ấy, với tất cả tinh thần và trách nhiệm của mình - như bao năm qua vẫn vậy.
 
Với cô Lỗ Thị Thư, khi đã đảm nhiệm trọng trách gì thì phải hoàn thành tốt trọng trách đó. Ảnh: V.Quỳnh
Với cô Lỗ Thị Thư, khi đã đảm nhiệm trọng trách gì thì phải hoàn thành tốt trọng trách đó. Ảnh: V.Quỳnh

“Ði từng ngõ, gõ từng nhà”
 
Hôm chúng tôi gặp cô Thư, điện thoại cô reo liên tục vì thông báo về những cuộc họp ở xã, ở huyện. Cô đùa rằng: “Nhiều lúc tôi phải chạy show, vì cuộc họp nào cũng phải tranh thủ có mặt. Không dự, không nắm bắt được tình hình thì không áp dụng cho thôn và không điều hành được”. Nói tranh thủ là không sai, bởi người phụ nữ ấy đã có 15 năm là Hội phó và Hội trưởng Chi hội Phụ nữ, gần 3 năm làm trưởng thôn, và hiện tại vẫn nằm trong Hội đồng nhân dân của xã, là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, Tổ trưởng tổ vay vốn Thôn 3. 
 
Quê ở xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội, năm 1982, cô Thư cùng gia đình vào Lâm Hà xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 17 tuổi, cô lấy chồng và bắt đầu tham gia sinh hoạt hội phụ nữ từ đó. Nhiệt tình tham gia công tác hội, năm 2000, cô Thư được bầu làm Chi hội phó và làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 3 từ năm 2009. Cô chỉ vừa nghỉ vai trò này từ tháng 6/2018, khi quá bộn bề với những công việc của một trưởng thôn.
 
Thôn 3 mặc dù là thôn gần trung tâm nhưng tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thôn có dân số đông nhất xã Mê Linh với khoảng 250 hộ, 1.200 nhân khẩu, có tình hình khá phức tạp. Cũng chính vì vậy mà khi Thôn 3 và Thôn 5 được tách ra từ Thôn 3 cũ vào tháng 1/2016, không ai dám nhận làm trưởng thôn, từ già đến trẻ, từ nam đến nữ. Lúc đó, cô Thư với bao nhiêu năm kinh nghiệm làm Chi hội Phụ nữ được bầu làm trưởng thôn tạm thời trong 6 tháng. Vậy mà cái “tạm thời” đó đã kéo dài đến tận bây giờ.
 
Đảm nhận chức vụ, quyết tâm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm chắc tình hình người dân trong thôn, cô phải mất 1, 2 lần, có nhà phải đến tận 4 lần để nắm được thông tin nhân khẩu, số điện thoại của chủ hộ. Bây giờ, trong quyển sổ dày của mình, cô Thư đã có tới 80% số điện thoại của người dân để mỗi lần có việc gì thì chỉ cần nhấc máy lên để nhanh chóng liên lạc.
 
Thôn 3 hiện không có thôn phó, không có công an viên, nên cô nói đùa rằng: “Một mình tôi “vừa chèo vừa chống”. Vậy mà hễ đánh nhau, tranh nhau đất cát hay chuyện to chuyện nhỏ thì ai cũng “Bà Thư ơi, đến giải quyết!”, kể cả ban đêm”. Đường đi khó khăn, hiểm trở, tay lái xe yếu; không phải không có lúc cô Thư nản lòng, nhưng rồi cô vẫn làm bằng tất cả tinh thần của mình.
 
Trước đây, trong Thôn 3 không có hệ thống loa đài phát thanh nên việc tuyên truyền rất vất vả, cô phải đến từng nhà, từng ngõ để đưa thông báo. Cô hy sinh 3 tháng lương ít ỏi của mình để mua lại hệ thống 3 cái loa cũ và bộ âm ly của người khác để phục vụ nhân dân. Vậy là tiếng loa hàng ngày lại đều đặn vang lên, tuyên truyền tất cả đường lối, chính sách, thông báo hoạt động của tất cả các ban, ngành, đoàn thể đến với toàn thể người dân trong thôn.
 
Để giữ vững sự tin tưởng cho người dân, nữ trưởng thôn này thực hiện công khai, minh bạch về tất cả các khoản ủng hộ, đóng góp hay nguồn quỹ của thôn. Khi được đi tập huấn, cô lại học cách lãnh đạo, cách ứng xử của một trưởng thôn rồi về áp dụng cho thôn mình. Bây giờ thì người dân đã rất ủng hộ. Việc tuyên truyền, vận động nay cũng đã dễ dàng hơn.
 
Quyết tâm làm đường bê tông 
 
Một trong những điều mà cô Thư trăn trở nhất từ trước đến nay là đường giao thông trong thôn. Cả Thôn 3, bao nhiêu năm chỉ là đường mòn, đường đất, không hề có một đoạn đường bê tông nào. Vậy là cô bắt tay vào làm, và quyết tâm làm bằng được.
 
Để mở rộng mặt đường ra 5 m, việc vận động người dân là không hề dễ dàng. Bởi đoạn đường phải mở ra đều đụng đến những gốc bơ, gốc mít lâu năm của người dân, bao nhiêu năm cây đã cho trái, hỏi ai mà không xót. Hiểu được điều đó, nên cô Thư đồng ý đốn hạ cây của nhà mình đầu tiên để làm gương, rồi mới đi vận động bà con, lấy lợi ích tương lai của con cháu họ để thuyết phục. 
 
“Trong thời gian đợi dân đồng thuận, tôi lại cho kéo 1.300 m đường điện thắp sáng để người dân thấy được cái lợi trước mắt. Mình làm từ cái nhỏ đến cái lớn. Ngày điện đường thắp sáng, người dân hoan hô, hỉ hả. Vậy mà tôi cũng phải mất đến 4 buổi họp mới tạo được sự đồng thuận đó. Rồi lại mất đến 3 buổi họp và rất nhiều buổi gặp gỡ riêng từng hộ để thuyết phục họ hiến đất làm đường” - cô Thư chia sẻ.
 
Chủ động nhờ những bậc tiền bối là các ông bà đi trước cùng tư vấn trong các buổi họp, buổi vận động, tuyên truyền người dân để tăng sự thuyết phục, tìm cách làm hợp tình hợp lý, cuối năm 2016, 1 km đoạn đường bê tông đầu tiên của thôn cũng được hoàn thành. Hiện tại, đã có 4 km đường liên xóm được cứng hóa và Thôn 3 đang cố gắng hoàn thành nốt đoạn đường bê tông trước 2019 để về đích nông thôn mới.
 
Đến gặp cô Thư để bàn về đoạn đường sắp đổ bê tông, ông Lưu Minh Thư - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi Thôn 3 không giấu sự thán phục: “Là phụ nữ, cô Thư gặp nhiều khó khăn và hạn chế về sức khỏe. Nhưng cô biết cách lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước, lại có tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh mà không phải ai cũng có được. Những đoạn đường này, nếu không có sự kiên trì bền bỉ và quyết tâm của một người trưởng thôn thì chưa chắc đã làm được”. 
 
Là người phụ nữ của gia đình vốn đã gánh trăm công nghìn việc, nay còn phải gánh thêm nhiều trọng trách, cô Thư phải hy sinh rất nhiều. “Các con cô không ai ủng hộ, vì thấy mẹ vất vả quá. Nhưng cô may mắn vì có hậu phương vững chắc ủng hộ hết lòng. Chồng cô vẫn sẵn sàng chở vợ đi giải quyết công việc dù trời tối muộn, vẫn cáng đáng hết việc nhà mỗi lần cô bận bịu hết cuộc họp này đến công việc kia. Nhiều khi cũng cảm thấy có lỗi với chồng, nhưng mình đã nhận trọng trách thì phải hoàn thành nhiệm vụ, cố gắng làm cho dân bằng tất cả khả năng mình có thể” - cô Thư chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH