Di Linh thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, lễ

09:10, 05/10/2018

Qua ghi nhận, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội của người dân trên địa bàn huyện ngày càng đi vào cụ thể, thiết thực. 

Qua ghi nhận, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội của người dân trên địa bàn huyện ngày càng đi vào cụ thể, thiết thực. 
 
Văn hóa bản địa truyền thống ở Di Linh đang được phát huy trong đời sống đương đại. Ảnh: T.Chu
Văn hóa bản địa truyền thống ở Di Linh đang được phát huy trong đời sống đương đại. Ảnh: T.Chu
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Theo Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh, thời gian qua, ban đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội vào bình xét các danh hiệu văn hóa đối với cá nhân, tổ chức. Theo đó, gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị nào vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội thì không được đề xuất xét danh hiệu: gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa... Cùng đó, việc phổ biến các quy định của Nhà nước về việc hiếu, việc hỉ và lễ hội cũng được tiến hành đồng bộ, đã tác động tích cực đến việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; qua đó, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Đình Tiện, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, trong năm 2018, xã Hòa Ninh đã tổ chức Hội thi Tìm hiểu về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, với 16 đội đến từ 16 thôn trong xã tham gia. Nội dung hội thi xoay quanh các quy định về xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang ma và lễ hội. Đặc biệt, xã Hòa Ninh đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội vào quy ước, hương ước của các thôn để làm tiêu chí bình xét danh hiệu thôn văn hóa, gia đình văn hóa hàng năm”.
 
Cũng theo Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh, việc lồng ghép tuyên truyền về những quy định trong khi tổ chức cưới, tang, lễ thông qua các đợt thẩm định, kiểm tra, bình xét để công nhận các danh hiệu văn hóa của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh đã giúp người dân hiểu rõ thêm về xây dựng đời sống văn minh, tránh lãng phí, tốn kém. Cụ thể, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh đã tuyên truyền cho hơn 590 lượt người về những quy định trong khi tổ chức cưới, tang, lễ... Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh còn phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh tổ chức phổ biến các quy định về thực hiện nếp sống văn hóa, vận động nhân dân của 5 xã: Gung Ré, Gia Hiệp, Tam Bố, Tân Châu và Hòa Bắc từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân gia đình, trong ma chay, bài trừ mê tín dị đoan, thu hút trên 550 lượt người đến nghe. Bên cạnh đó, 87 câu lạc bộ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Di Linh đã tổ chức được trên 100 buổi nói chuyện về nếp sống văn minh trong đời sống hiện đại, với 2.560 lượt người tham dự. Chính các đợt tuyên truyền, các hội thi, các buổi nói chuyện này đã góp phần ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn các thôn, khu dân cư, được nhân dân đồng tình ủng hộ và nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh, huyện Di Linh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số người dân vẫn thích tổ chức cưới hỏi xa hoa, lãng phí, phô trương cũng như tổ chức tang ma linh đình, tốn kém... Cụ thể, trong số 223 đám cưới được ngành chức năng huyện Di Linh kiểm tra trong năm 2018, có 209 đám cưới tổ chức đúng quy định của một đám cưới văn minh, nhưng vẫn còn 14 đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách. Tương tự, 184 đám tang được kiểm tra, thì vẫn còn 15 đám tang rải nhiều vàng mã khi đưa tang, bên cạnh 169 đám tang thực hiện đúng các quy định về văn minh.
 
Nếp sống văn minh phải đi vào thực chất
 
Ông K’Tân, Trưởng thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), một thôn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, cho rằng: “Người được hưởng lợi đầu tiên của việc thực hiện đời sống văn minh trong việc hiếu, việc hỉ và lễ hội chính là người dân. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu để thay đổi nhận thức là việc làm cần thiết”. 
 
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá lối sống văn minh, lành mạnh theo tinh thần Chỉ thị số 27 - CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là nội dung huyện Di Linh luôn hướng đến. Bởi việc thực hiện nếp sống văn minh, không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức cho chính người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội; đồng thời, vừa giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với trào lưu của nền văn hóa đương đại như trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
 
Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh cho biết, thời gian tới, ban sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra sao cho việc thực hiện nếp sống văn minh phải thực sự đi vào đời sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhân dân.
 
TRỊNH CHU