Ghi nhận từ "Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt"

08:10, 12/10/2018

Không kể ngày nắng hay ngày mưa, thời gian sớm, tối, cứ mỗi lúc nông nhàn là chị em trong "Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt" Thôn 1, xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương lại hội tụ. Họ gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau đến các gia đình trong thôn để tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con tốt cũng như thực hiện đời sống mới và xây dựng văn hóa ở khu dân cư. 

Không kể ngày nắng hay ngày mưa, thời gian sớm, tối, cứ mỗi lúc nông nhàn là chị em trong “Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt” Thôn 1, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương lại hội tụ. Họ gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau đến các gia đình trong thôn để tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con tốt cũng như thực hiện đời sống mới và xây dựng văn hóa ở khu dân cư. 
 
Thôn 1 hiện có 169 hộ dân, 692 nhân khẩu với trên 99% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên và là tín đồ Thiên Chúa giáo. Lâu nay, người dân nơi đây vẫn sống chủ yếu dựa vào nương, rẫy và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Điều kiện sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn với địa hình chia cắt, đồi cao, núi dốc, dân cư phân tán. Do hoàn cảnh khó khăn nên các gia đình trong thôn trước đây chưa quan tâm đúng mức việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Từ năm 2012 trở về trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của thôn cao (trên 30%), học sinh chưa chăm ngoan, đi học không chuyên cần, tình trạng học sinh bỏ học nhiều. Các gia đình trong thôn còn sinh nhiều con, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới, ăn uống nhiều ngày, gây lãng phí, tốn kém trong cưới hỏi, ma chay và một số tập tục lạc hậu khác vẫn còn.
 
Trước thực trạng đó, năm 2012, Chi hội Phụ nữ Thôn 1, xã Đưng K’Nớ đã xây dựng mô hình “Câu lạc bộ nuôi dạy con tốt” (CLB). Chị Bon Niêng K’ Pớt - Chủ nhiệm CLB cho biết, để khắc phục khó khăn ban đầu và giúp CLB hoạt động hiệu quả, bản thân chị và chị em trong CLB đã phải nỗ lực, chịu khó tìm tòi qua nhiều kênh thông tin sách, báo, ti vi. Bên cạnh đó, các chị em hội viên cũng tích cực tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức nuôi dạy con tốt; về kế hoạch hóa gia đình; bài trừ hủ tục... để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền thu hút hội viên, xây dựng, củng cố, phát triển mô hình câu lạc bộ. 
 
Thông qua chương trình, hoạt động của mình, các thành viên của CLB đã hướng dẫn cho chị em trong thôn thực hiện chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai; cách chăm sóc trẻ sơ sinh đúng khoa học; cho con bú sữa mẹ đúng cách; bảo đảm không để trẻ suy dinh dưỡng; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình và người dân trong thôn thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư như, không mê tín dị đoan, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, cho con em đi học đúng độ tuổi và không bỏ học giữa chừng, không sinh con thứ ba trở lên. Để làm được điều đó, các thành viên CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình chị em trong thôn xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. 5 không đó là không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Và, 3 sạch là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. 
 
Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động cũng như gương mẫu thực hiện của các thành viên trong CLB, nhận thức của người dân trong thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chị Rơ Ông K’Ônh - Thôn 1, xã Đưng K’Nớ chia sẻ: “Trước đây mình không được đi học, suốt ngày chỉ lên nương lên rẫy, cuộc sống vất vả quanh năm. Từ khi nhận được sự tuyên truyền, vận động của CLB, mình đã hiểu được ý nghĩa của việc đi học và cho con đi học đàng hoàng để có kiến thức sau này cuộc sống không còn vất vả như mình”. Còn chị Bon Niêng K’Bơng thì tâm sự: “Nhờ sự tuyên truyền phổ biến, chia sẻ của chị em trong CLB mà mình đã có kiến thức để chăm sóc con cái khoa học, cho con bú đúng cách, đưa con đi uống vacxin và tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật đúng kỳ hạn. Vì vậy mà các con của mình khỏe mạnh, ít đau bệnh và không bị suy dinh dưỡng. 
 
Chị Bon Niêng K’Pớt - Chủ nhiệm CLB cho biết thêm, khi mới thành lập CLB chỉ có 10 thành viên tham gia, đến nay CLB có 50 hội viên phụ nữ tham gia. Trong sinh hoạt, CLB luôn tạo được bầu không khí phấn khởi, tin tưởng lẫn nhau. Các thành viên trong CLB và gia đình luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và đời sống; không còn tư tưởng trông chở ỉ lại; thật sự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình. Trong CLB không có con em là học sinh bỏ học; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không còn, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ.
 
Nhận xét, đánh giá về hoạt động của CLB, đồng chí Phi Srôn Ha Nràng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đưng K’Nớ cho biết: Từ khi CLB đi vào hoạt động, đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong chăm sóc con cái, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế gia đình. Đây là một mô hình điển hình tiêu biểu tại địa phương. Hoạt động của mô hình này đã góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới theo lộ trình tại địa phương... 
 
DUY DANH