Giải quyết lao động hợp đồng làm chuyên môn y tế

08:10, 23/10/2018

Hiện nay, ngành Y tế đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Trung ương và địa phương về việc không tiếp tục ký kết, sử dụng, bố trí hợp đồng lao động ngoài biên chế (không đúng quy định) làm công tác chuyên môn và chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết số biên chế. 

Hiện nay, ngành Y tế đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Trung ương và địa phương về việc không tiếp tục ký kết, sử dụng, bố trí hợp đồng lao động ngoài biên chế (không đúng quy định) làm công tác chuyên môn và chấm dứt hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã sử dụng hết số biên chế. 
 
Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong phòng mổ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên
Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong phòng mổ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: A.Nhiên

Năm 2017, tổng số biên chế giao cho các đơn vị sự nghiệp ngành Y tế Lâm Đồng là 4.239 người, nhưng trong thực tế có đến 4.520 người làm việc trong ngành. Trong đó, chỉ mới có 2.824 người đã được tuyển dụng (viên chức); còn 1.114 người đang hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ (trong chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao); hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao là 316 người; hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP là 301 người. 
 
Theo Sở Y tế, nguyên nhân chưa tuyển dụng hết số lượng người làm việc được giao đó là: Năm 2012, Luật Viên chức có hiệu lực nhưng đến tháng 5/2015 Bộ Y tế - Bộ Nội vụ mới ban hành các thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên y tế. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó trước năm 2016 chưa có cơ sở pháp lý cho việc tuyển dụng viên chức y tế. Năm 2016, sau khi có các văn bản hướng dẫn, Sở Y tế đã tổ chức tuyển dụng viên chức bằng hình thức xét tuyển và xét tuyển đặc cách với tổng chỉ tiêu tuyển dụng các đơn vị đăng ký là 973 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển dụng được 424 chỉ tiêu, còn 549 chỉ tiêu không tuyển dụng được. 
 
Một số lượng lớn người làm việc trong ngành không tuyển dụng được là do không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp y tế, đặc biệt là thiếu tiêu chuẩn ngoại ngữ và tin học. Bất cập của các quy định tuyển dụng viên chức y tế là bằng Ngoại ngữ, Tin học phải do Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp và trong Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức có nội dung quy định về Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có đề tài, sáng kiến...; do vậy, đa số lao động làm việc trong ngành y tế không đủ tiêu chuẩn này nên không được xét tuyển, xét tuyển đặc cách. 
 
Từ năm 2011 đến nay, một số đơn vị trong ngành Y tế được giao tăng giường bệnh nhưng không được giao số lượng người làm việc theo định mức tối thiểu của Thông tư 08 của Bộ Nội vụ - Bộ Y tế, cụ thể: Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng 90 giường, Bệnh viện Phục hồi chức năng tăng 20 giường, Trung tâm Y tế Đức Trọng tăng 20 giường, Trung tâm Y tế Đơn Dương tăng 30 giường...
 
Theo thống kê của Sở Y tế, năm 2017 với chỉ tiêu biên chế được giao toàn ngành 4.239 người, phục vụ cho 2.440 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh 1.757 người, tuyến huyện (hệ điều trị 1.034 người, dự phòng 264 người), tuyến xã 976 người, thực tế số giường bệnh toàn ngành là 2.460 giường, nhu cầu biên chế hệ điều trị theo Thông tư 08 là 3.272 người (trong đó y tế tuyến tỉnh 2.086 người và tuyến huyện 1.186 người). Căn cứ theo Thông tư 08 quy định định mức tối thiểu số người làm việc trên giường bệnh thì ngành y tế cần tăng thêm 481 người, cụ thể: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 126 người, Bệnh viện II Lâm Đồng 85 người, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch 45 người, Trung tâm Y tế Đơn Dương 52 người, Trung tâm Y tế Đức Trọng 37 người...
 
Do không giao đủ số lượng người làm việc đã làm cho các đơn vị trong ngành y tế, cụ thể là các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện gặp nhiều khó khăn như: không có người bố trí, tuyển dụng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; không đủ số lượng người làm việc để bố trí cử viên chức đi đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, chuyên sâu, lý luận chính trị, quản lý nhà nước để chuẩn hóa cán bộ, nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế. Việc tăng giường bệnh nhưng không được tăng số lượng người làm việc nên các đơn vị y tế không có vị trí việc làm để bố trí công tác đối với bác sĩ, dược sĩ, hộ sinh, điều dưỡng... trong khi chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ của Lâm Đồng còn rất thấp so với toàn quốc. Một số đơn vị chỉ được giao ở mức 0,85 - 0,95 người/giường bệnh (theo định mức bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh từ 1,2 - 1,4 cán bộ, nhân viên y tế/giường bệnh).
 
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ năm 2017-2018, ngành Y tế Lâm Đồng đã cắt giảm 73 người làm việc, từ 4.239 người xuống còn 4.166 người. Tại hội nghị sơ kết công tác y tế 9 tháng đầu năm 2018, nhiều lãnh đạo bệnh viện trong tỉnh đã có ý kiến khẳng định lực lượng lao động hợp đồng đang làm chuyên môn y tế tại các bệnh viện hiện nay đóng vai trò quan trọng, vì không có đội ngũ này thì không thể giúp bệnh viện làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trong tỉnh. 
 
Theo nhận định của Sở Tài chính, trước mắt ngành Y tế sẽ không thể tuyển dụng đủ số lượng người làm việc và vẫn còn tồn tại hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong một thời gian nhất định nữa, nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân. 
 
Mới đây, ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan Y tế, Tài chính, Thanh tra... đã thống nhất chủ trương không thu hồi số tiền 55,9 tỷ đồng đã chi trả phụ cấp ưu đãi nghề y tế cho lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn (đã chi từ tháng 4/2012 -10/2017). Trường hợp các đơn vị đã tiếp tục chi phụ cấp ưu đãi nghề từ tháng 10/2017 đến nay cho đối tượng hợp đồng làm chuyên môn y tế thì phải tiến hành truy thu để lại đơn vị chờ hướng dẫn xử lý. Dự kiến, Sở Y tế Lâm Đồng sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế để đề xuất, kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách, hướng dẫn giải quyết lao động hợp đồng làm chuyên môn y tế.
 
 AN NHIÊN