Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

08:10, 26/10/2018

Nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản, cần thiết để có thể thích ứng với cuộc sống ngày càng phát triển của xã hội hiện nay, một số trường học đã đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy chính khóa. 

Nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản, cần thiết để có thể thích ứng với cuộc sống ngày càng phát triển của xã hội hiện nay, một số trường học đã đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy chính khóa.
 
Tại lớp kỹ năng sống, học sinh được tự do thể hiện mình. Ảnh: T.Hương
Tại lớp kỹ năng sống, học sinh được tự do thể hiện mình. Ảnh: T.Hương

Một tiết học đặc biệt của học sinh Trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt: thay vì phải tập trung vào sách vở, ngồi học nghiêm túc thì các em có thể nói cười thoải mái, được nói lên suy nghĩ của mình, và có một phút để hét thật to, xé giấy, gấp máy bay... để giải tỏa căng thẳng. Đó là tiết học kỹ năng sống được nhà trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Đà Lạt triển khai gần một tháng nay. Nguyễn Ngọc Tường Vy - học sinh lớp 9A7 hào hứng: “Em rất hứng thú với tiết học này. Sau các tiết học văn hóa, hầu như bạn nào cũng mong chờ đến tiết học kỹ năng sống. Ở đây chúng em được tự do thể hiện bản thân, được học nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Qua đó, giúp chúng em tự tin hơn, nhất là khả năng thuyết trình trước đám đông...”. 
 
Thực tế, nhiều trường phổ thông đã lồng ghép kỹ năng sống vào các chương trình ngoại khóa cho học sinh. Tuy nhiên, với thời gian ít ỏi thì hầu như học sinh chưa được đi sâu vào các nội dung của chương trình. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong xã hội hiện đại ngày nay thực sự là điều cần thiết, giúp học sinh “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, Trường THCS Nguyễn Du đã đưa kỹ năng sống vào chương trình giáo dục chính khóa. “Trước nhu cầu của phụ huynh về rèn kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường đã tổ chức thử nghiệm mỗi tuần một tiết giáo dục kỹ năng sống cho tất cả học sinh trong trường. Cùng với các biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được xác định là một trong những nội dung cơ bản của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông”, cô Bùi Thị Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho hay.
 
Được thành lập cuối năm 2016, Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Đà Lạt là trung tâm giáo dục kỹ năng sống đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép, với đội ngũ giáo viên là những giảng viên tâm lý, tiểu học, giáo dục mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt. Thầy Nguyễn Văn Thường - giảng viên tâm lý Khoa Bộ môn chung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống Trường CĐSP Đà Lạt cho biết: “Trung tâm hoạt động với mong muốn tạo môi trường để học sinh rèn luyện, phát triển khả năng của bản thân bên cạnh việc học tập. Qua đó, các em có thể cân bằng việc học và rèn luyện các hoạt động, các kỹ năng cũng như giải quyết được những căng thẳng trong học tập và cuộc sống, đồng thời, tăng cường khả năng tư duy và sáng tạo trong các hoạt động trải nghiệm...”.
 
Mỗi tiết dạy gồm 5 giáo viên đứng lớp, trong đó, 2 giáo viên chính và 3 giáo viên trợ giảng, chương trình giáo dục kỹ năng sống như một quyển sách nhiều màu sắc để học sinh thích thú lật mở từng trang. Với bốn nội dung chính gồm: tạo lửa - học sinh đến lớp với tâm lý vui vẻ, hứng thú khi vào bài học; khám phá kiến thức - giảm lý thuyết, tăng thực hành với việc đưa ra các tình huống thường gặp trong cuộc sống; giải quyết tình huống - thực hành xử lý bằng các mô hình giả định; để lại dấu ấn - xây dựng một hoạt động, các trò chơi liên quan... Chương trình giúp học sinh tiếp cận được bốn kỹ năng: kỹ năng tạo ấn tượng ban đầu, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng tự nhận thức bản thân và kỹ năng lắng nghe. 
 
Ngoài giáo viên nòng cốt là giảng viên Trường CĐSP Đà Lạt, Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Đà Lạt còn phối hợp với Tỉnh Đoàn cũng như mời thành viên Câu lạc bộ Kỹ năng sống tỉnh Lâm Đồng cùng truyền đạt tới học sinh. Đồng thời, Trung tâm cũng tạo điều kiện cho những sinh viên tâm lý, tiểu học, giáo dục mầm non của Trường CĐSP Đà Lạt có dịp đứng lớp trợ giảng. Theo thầy Thường, đó là dịp để sinh viên thực hành nghiệp vụ sư phạm cũng như tiếp cận chương trình giảng dạy phục vụ cho việc lên lớp sau này. Do vậy, ngoài việc tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào môn học trong chương trình đào tạo đối với sinh viên mầm non, tiểu học, THCS; Trung tâm luôn khuyến khích sinh viên tham gia trợ giảng tại các lớp kỹ năng sống nhằm tạo sân chơi về kỹ năng và thực hành. 
 
“Qua thời gian đứng lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, bản thân người giáo viên cũng đã thu nhận được nhiều điều bổ ích, hiểu hơn về tâm lý cũng như suy nghĩ của các em để có những phương pháp dạy phù hợp. Mục tiêu của lớp học là làm sao để học sinh cảm thấy thoải mái, vui vẻ, được tự do trình bày suy nghĩ của mình. Mỗi tháng Trung tâm sẽ có một thư gửi phụ huynh để phụ huynh cùng kết hợp động viên, khuyến khích phát triển khả năng của con em mình. Từ đó, có sự phối hợp giữa Trung tâm - phụ huynh - nhà trường trong việc đánh giá về sự thay đổi của học sinh. Thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống tại một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đối với trường ở các huyện, Trung tâm cũng sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyên đề để học sinh tiếp cận với chương trình kỹ năng sống”, thầy Thường cho biết thêm.
 
TUẤN HƯƠNG