Giáo dục Ðức Trọng với hành trình xây dựng huyện nông thôn mới

09:10, 25/10/2018

Nắng sớm cuối thu làm bừng lên màu xanh của những hàng cây ven đường, làm sáng lên những bộ đồng phục của học sinh, với cặp trên vai, đang chân sáo bước vào cổng ngôi trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng. 

Nắng sớm cuối thu làm bừng lên màu xanh của những hàng cây ven đường, làm sáng lên những bộ đồng phục của học sinh, với cặp trên vai, đang chân sáo bước vào cổng ngôi trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng. Cảnh sắc khiến tôi thêm phấn chấn trên đường tới Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðức Trọng - một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành Giáo dục Lâm Ðồng từ nhiều năm nay và thêm khởi sắc từ khi huyện bắt đầu thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cho 14 xã trong huyện.
 
Quanh cảnh trường THCS xã nông thôn mới Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Ảnh: Hà Hữu Nết
Quanh cảnh trường THCS xã nông thôn mới Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Ảnh: Hà Hữu Nết

Tiếp tôi tại phòng làm việc khang trang, thầy Nguyễn Quang Thái - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tâm sự: Khi huyện thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phòng phải chỉ đạo các trường học ở các xã thực hiện tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí 14 về giáo dục. Chúng tôi rất lo, nhưng khi triển khai đã tạo luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh giáo dục tại địa phương.
 
Giải pháp đồng bộ
 
Câu chuyện được thầy Nguyễn Quang Thái cởi mở hơn: Khi Đức Trọng triển khai đề án xây dựng NTM, chúng tôi đã xây dựng và tham mưu cho UBND huyện ban hành “Đề án xây dựng trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020”, đó cũng chính là lộ trình thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí 14 của chuẩn xã NTM. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn… các trường học trực thuộc rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí liên quan để xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn phù hợp với tình hình thực tế. Phòng phối hợp với các ngành liên quan và các xã quy hoạch sử dụng đất đảm bảo đủ điều kiện, diện tích xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Từng trường học tự kiểm tra, đánh giá thực trạng nhà trường theo 5 tiêu chuẩn để xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn và từng năm phù hợp với thực tế... - Ngưng lời mời khách uống nước, thầy tiếp tục - Mà anh biết rồi, xây dựng trường chuẩn khó nhất vẫn là tiêu chí về cơ sở vật chất trường học, rồi tiêu chí về học sinh giỏi, giáo viên giỏi… Bên cạnh đó, còn phải tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM ở từng xã, mà điều kiện đâu phải xã nào cũng như nhau. Tiêu chí 5 quy định xã đạt chuẩn NTM phải có 70% trường học trên địa bàn đạt trường chuẩn quốc gia, vì vậy, việc xây dựng trường học đạt chuẩn cũng là góp phần xây dựng thành công xã NTM. Để làm được điều đó, Phòng đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đưa chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác hàng năm. Từ đó tăng cường đầu tư, hoàn thành các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả giáo dục.
 
Nói đến việc xây dựng trường học đạt trường chuẩn quốc gia cô Đinh Thị Hồng Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Thuận, xã Ninh Gia, người cán bộ quản lý giáo dục có kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn thành công ở ba trường tiểu học: Ninh Gia, Đăng Srôn và Hiệp Thuận chia sẻ: “Để đạt trường chuẩn, nhà trường phải có giải pháp đồng bộ ở mọi mặt hoạt động. Từ việc làm cho học sinh yêu trường yêu lớp hơn, không bỏ học, để trường duy trì được sĩ số học sinh, và học sinh đạt kết quả học tập và rèn luyện cao hơn, đến việc có đủ tỷ lệ giáo viên đạt và trên chuẩn đào tạo, tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, tỷ lệ giáo viên giỏi cấp huyện trở lên. Những việc đó phải làm dài hạn, nhiều năm, nếu trường có kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp thì vẫn làm được. Còn các tiêu chí về cơ sở vật chất trang thiết bị trường học thì phải có sự quan tâm của ngành Giáo dục và của huyện, của tỉnh chứ ở trường và cấp xã không thể làm được”.
 
Kể về những kỷ niệm khó quên khi thực hiện xây dựng trường chuẩn quốc gia, cô Hoàng Thị Thùy Trang - giáo viên giỏi của trường Hiệp Thuận bồi hồi xúc động: “Khi trường bắt tay xây dựng trường chuẩn quốc gia, chi đoàn giao cho em phấn đấu thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện em lo vô cùng. Do đó, phải đầu tư công sức nghiên cứu, học hỏi những người có kinh nghiệm lâu năm, rồi viết sáng kiến kinh nghiệm. Ngày thi giáo viên dạy giỏi, dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng. đêm trước không thể ngủ được, thức cả đêm vậy mà sáng ra, đi lên lớp dạy, cứ tỉnh như khiếu vậy. Kết quả, em đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, góp chút công sức để trường đạt trường chuẩn quốc gia”.
 
Tìm hiểu các trường trong huyện, tôi được biết: Các trường học từng bước đưa nội dung xây dựng NTM tích hợp vào chương trình dạy học và sinh hoạt hướng nghiệp ở mỗi cấp học. Qua đó, đã góp phần bồi đắp cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước; giúp các em hiểu thêm vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo động lực để các em học tập, rèn luyện tốt hơn. Có lẽ việc tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng NTM đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ. 
 
Thành quả cao và đều khắp
 
Khi nói về kết quả của việc xây dựng trường chuẩn, thầy Thái Quốc Hoàn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho rằng: Nhờ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, rà soát, gắn với từng tiêu chí đã giúp ngành tìm ra nhiều giải pháp phù hợp để các trường học đạt tiêu chí số 5 và 14. Đặc biệt, tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia khá khó, phải đầu tư từng bước. Mừng là, đến nay, 100% các trường công lập mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
 
Đối với tiêu chí 14, ngành tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện, như năm học 2017-2018, toàn ngành có 256 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 20 giáo viên (trong đó mầm non 8, tiểu học 5, THCS 7) giáo viên đạt dạy giỏi cấp tỉnh. Học sinh các cấp học cũng đạt nhiều thành tích. Bậc tiểu học có 17 học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp tỉnh, 2 giải cấp quốc gia, bậc THCS 105 em đoạt giải cá nhân cấp tỉnh; trong đó, thi chọn học sinh giỏi lớp 9 đạt 71 em, có 3 học sinh đoạt giải cấp quốc gia. Huyện được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, 12 xã phổ cập THCS xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2, còn hai xã Tà Hine và N’Thol Hạ đạt mức độ 1, học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên đạt 99%.
 
Khi được hỏi việc thực hiện tiêu chí 5 về tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn xã vùng xa Đa Quyn, xã cuối cùng của huyện đang chờ tỉnh công nhận xã NTM, ông Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã cho biết:
 
- Toàn xã có 3 trường học, trong đó Trường Tiểu học Chơ Ré và Trường Mẫu giáo Đa Quyn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Còn Trường THCS Võ Thị Sáu đang được UBND huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nhà trường đang phấn đấu trong các hoạt động giáo dục để đạt chuẩn trong thời gian gần đây.
 
Một xã phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc Chu Ru, Raglai và K’Ho Cil, ở vùng sâu vùng xa như Đa Quyn mà các trường học trong xã gần đạt và đạt trường chuẩn quốc gia thì phải thấy công sức của nhà trường, chính quyền địa phương đầu tư không phải là ít. - Tôi thầm nghĩ và được thầy Thái Quốc Hoàn minh họa thêm: Những năm gần đây, các trường học đã đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng NTM. Các trường chủ động tập trung đầu tư hoàn thành các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Năm học 2017-2018, Trường Mẫu giáo Đa Quyn, Tiểu học Hiệp Thuận, Tiểu học Chơ Ré, THCS Tân Thành đã nỗ lực khắc phục các hạn chế để hoàn thành các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 46/70 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 65,7%. Ở cấp tiểu học có 27 trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, xã Ninh Gia, cả ba trường tiểu học: Ninh Gia, Đăng Srôn và Hiệp Thuận đều đạt trường chuẩn mức độ 1. Cùng với huy động nguồn lực xây dựng trường chuẩn, chất lượng dạy và học của các trường có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng bền vững. Công tác quản lý chỉ đạo có cải tiến, đổi mới, trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trường học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học được quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời việc đổi mới phương pháp quản lý và dạy học. Nhờ vậy, kết quả giáo dục toàn huyện đạt cao: tiểu học 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, THCS có 99,85% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp.
 
Đến hôm nay, diện mạo của các xã trên địa bàn huyện Đức Trọng ngày càng thay đổi theo chiều hướng phát triển bền vững. Phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất đi vào ổn định, đường sá được bê tông hóa đến đường làng ngõ xóm. Nhiều trạm y tế, nhiều trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Đời sống văn hóa và dân chủ ở cơ sở được phát huy, trật tự, quốc phòng - an ninh được chú trọng. Ông  Võ Văn Hải - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Trọng cho biết: “Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng huyện đang cố gắng dồn sức để hoàn thành nốt những tiêu chí cuối cùng, phấn đấu về đích huyện NTM vào cuối năm nay. Đến nay, 13/14 xã đã đạt, còn một xã Đa Quyn đang chờ tỉnh công nhận. Đức Trọng cán đích huyện NTM sẽ là một hiện thực sinh động. Góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngành Giáo dục huyện Đức Trọng đã tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí 5 và 14 cùng nhịp với toàn huyện. Sự quyết tâm và nỗ lực của ngành đã mang về những kết quả đáng ghi nhận”.
 
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG