"Hà Nội - ngày trở về"

10:10, 08/10/2018

(LĐ online) - Đây là chuyên đề trưng bày hiện vật nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), khai mạc ngày 05/10 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Với nhiều hiện vật quý lần đầu tiên xuất hiện và sự sắp đặt khoa học, các sự kiện kết nối nhau giúp người xem ngược về với dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.

(LĐ online) - Đây là chuyên đề trưng bày hiện vật nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), khai mạc ngày 05/10 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Với nhiều hiện vật quý lần đầu tiên xuất hiện và sự sắp đặt khoa học, các sự kiện kết nối nhau giúp người xem ngược về với dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó là những chặng đường gian nan của quân và dân Việt Nam từ 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến, đến 9 năm kháng chiến trường kỳ, viết nên khúc khải hoàn giải phóng Thủ đô vào mùa Thu lịch sử năm 1954. 
 
“Hà Nội - ngày trở về” gồm 02 nội dung: “Ra đi… Hẹn một ngày về” và “Hà Nội - ngày trở về”. Với "Ra đi… Hẹn một ngày về", công chúng tận mắt ngẫm suy và thêm một lần hiểu hơn về cuộc đấu tranh gian khổ, nhưng vững niềm tin sắt đá của quân và dân Thủ đô. Mùa đông năm 1946 là ký ức hào hùng không thể phai mờ đối với người Hà Nội. Đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô đã mở đầu thời khắc lịch sử hào hùng - 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” bằng những loạt đại bác rền vang từ Pháo đài Láng. Những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã sống 4 tại chỗ: ăn, ngủ, chiến đấu và chết chôn tại chỗ. 60 ngày đêm, cả Hà Nội sục sôi xuống đường chống giặc bằng sức mạnh của thông minh và sáng tạo, gan dạ và ngoan cường...  
 
“Hà Nội ngày trở về” là những câu chuyện của 64 năm trước, khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Những câu chuyện, hình ảnh chân thực và sinh động về cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội tham gia tiếp quản 35 trọng điểm: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Dinh Quốc trưởng, Nha Công an Bắc Việt, Nha Bưu điện Bắc Việt, Ty Cảnh sát thành phố, Thư viện Trung ương Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà tù Hỏa Lò…
 
Tổ hợp trưng bày được bài trí trong hai không gian đối lập: Hà Nội ngổn ngang, đậm chất anh hùng trong 60 ngày đêm khói lửa mùa Đông năm 1946 và Hà Nội rợp trời cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về mùa Thu năm 1954. Công phu sưu tầm, nhiều hiện vật lần đầu tiên xuất hiện với đông đảo công chúng: “Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ” được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954); Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô), tháng 10/1954; “Chứng minh thư”, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội cấp cho cán bộ sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954...
 
Đong đầy cảm xúc, nước mắt lưng tròng... Đó là tâm trạng của nhiều nhân chứng lịch sử khi đối diện những thước phim, bức ảnh, hiện vật của thời khắc lịch sử bi tráng 64 năm về trước. Trung tướng Phạm Hồng Cư, thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - tiếp quản nhà tù Hỏa Lò; đại tá Dương Niết - tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt; đại tá Doãn Thạch Khôi - tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ; đại tá Lê Duy Tư - tiếp quản Tòa án tối cao; cụ bà Nguyễn Thị Phúc, 82 tuổi - tham gia đón đoàn quân tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954… Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm hẹn bất ngờ giữa bao người lính Cụ Hồ năm xưa trong bâng khuâng đến nghẹn lời… Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh xúc động: “Tôi bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò, tra tấn rồi chuyển trại giam. Sau này, khi là một trong những người trở lại trên hai chiếc xe Jeep, tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, tôi xúc động vô cùng. Tôi còn nhớ buổi tối đầu tiên tiếp quản trại giam, khi ngủ tại căn buồng của giám thị trước kia, tôi không thể nào chợp mắt. Một phần vì những cảm xúc vỡ òa hạnh phúc, sung sướng khi giờ đây mình đã là công dân của một đất nước độc lập, phần khác tôi nhớ tới những đồng đội của mình đã bị bắt giam tại đây, bị tra tấn và hy sinh... Buổi tối đó tôi nhớ mãi đến bây giờ”.
 
Với hơn 150 hiện vật và tư liệu, chuyên đề “Hà Nội-ngày trở về” cùng gần 300 hiện vật, tư liệu của Di tích Hỏa Lò, chị Nguyễn Thị Sâm – cán bộ phụ trách Khu trưng bày cho tôi biết, trung bình mỗi ngày thu hút khoảng 1.000 lượt khách vào tham quan. Đủ các thế hệ người Việt Nam khắp đất nước và khoảng 65% du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, một du khách Việt Nam viết: “Hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về giữa rừng cờ hoa đón chào của người dân sẽ mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên trong trái tim của người dân Hà Nội. Một trưng bày rất hay và ý nghĩa !”. Cùng đoàn du khách đến từ Canada, anh Justin Trudeau chia sẻ với tôi: “Việt Nam thật đáng tự hào, bởi các bạn đã làm nên những giá trị lịch sử của dân tộc mà rất ít có quốc gia làm được”…
 
Chuyên đề “Hà Nội-ngày trở về” kéo dài đến ngày 30/01/2019. PV Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu một số hình ảnh của triển lãm những ngày đầu tiên diễn ra.

Thành kính thắp hương Đài Tưởng niệm
Thành kính thắp hương Đài Tưởng niệm

Các hiện vật trưng bày rất thu hút du khách quốc tế
Các hiện vật trưng bày rất thu hút du khách quốc tế

Nhiều cảm xúc trước tái hiện sự ngổn ngang của thời khắc lịch sử
Nhiều cảm xúc trước tái hiện sự ngổn ngang của thời khắc lịch sử

Phục dựng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”của quân và dân Hà Nội
Phục dựng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”của quân và dân Hà Nội

Những hình ảnh về người lính sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô
Những hình ảnh về người lính sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô

Bài và ảnh: MINH ĐẠO