Để sách trở thành "người bạn" thân thiết của học sinh

09:10, 05/10/2018

Với chủ đề "Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở", Tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 tại thành phố Đà Lạt hướng đến xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. 

Với chủ đề “Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”, Tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 tại thành phố Đà Lạt hướng đến xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. 
 
Học sinh Trường THCS Lam Sơn ngắm những bức tranh về sách. Ảnh: T.Hương
Học sinh Trường THCS Lam Sơn ngắm những bức tranh về sách. Ảnh: T.Hương
Được chọn làm nơi phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018 của thành phố Đà Lạt, Trường THCS Lam Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động để đưa sách trở thành “người bạn” thân thiết của học sinh. Trong buổi chào cờ đầu tuần qua, cũng là ngày đầu tiên của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, nhiều học sinh Trường THCS Lam Sơn thích thú với phần kể chuyện theo sách. Câu chuyện “Kho sách của nhà thông thái” qua giọng kể của học sinh Nguyễn Vũ Bảo Quyên - lớp 6A1 đã truyền đi thông điệp: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. “Với ý nghĩa về những giá trị mà sách vở mang lại, em muốn kêu gọi các bạn hãy đọc sách mỗi ngày và xem sách như là người bạn thân thiết”, Bảo Quyên chia sẻ.
 
Không những được cảm nhận một câu chuyện ý nghĩa về sách, học sinh Trường THCS Lam Sơn còn được lắng nghe các thông điệp cũng về sách và ngắm nghía những bức tranh đầy màu sắc treo khắp sân trường. Trước đó một tuần, Liên đội trường đã phát động các cuộc thi theo chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018. Đó là cuộc thi “Trang trí bìa sách em thích” dành cho học sinh khối 6; cuộc thi “Vẽ tranh cổ động hưởng ứng chủ đề” dành cho học sinh khối 7, 8 và cuộc thi “Viết thông điệp hưởng ứng chủ đề” dành cho học sinh khối 9. Nhiều bìa sách ngộ nghĩnh được học sinh khối nhỏ nhất trường chọn hình ảnh trang trí phù hợp với chủ đề cuốn sách. Cách thể hiện ngôn ngữ qua mỗi bìa sách bằng đường nét, màu sắc nói lên suy nghĩ và mong ước của lứa tuổi học trò. Những bức tranh cổ động hưởng ứng chủ đề dưới bàn tay khéo léo của học sinh khối 7, 8 thể hiện sự sáng tạo về thế giới sách. 
 
Đặc biệt, nhiều thông điệp ý nghĩa về sách của học sinh khối “anh chị” đã nói lên được tầm quan trọng của sách, những lợi ích mà sách vở mang lại như: “Những kiến thức quý giá mà sách đem lại giống như những viên gạch, dùng nó để xây gì là tùy bạn”, “Sách - người thầy cầm tay - mở rộng tri thức và chạm đến trái tim”, “Sách là công cụ cho quyền lựa chọn cuộc sống tốt đẹp ý nghĩa”...
 
Không chỉ tổ chức các cuộc thi về sách, Trường THCS Lam Sơn còn vận động học sinh đóng góp nhiều cuốn sách hay cho thư viện. Cũng chính vì vậy, thư viện của trường trở thành một thế giới sách đa dạng được nhiều học sinh khám phá. Đồng thời, hơn 1.000 cuốn sách do học sinh nhà trường đóng góp đã được gửi tới các trường học vùng sâu, vùng xa...
 
“Các hoạt động trên nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời phát triển năng khiếu, tư duy, sự sáng tạo của học sinh. Mục tiêu hướng đến của nhà trường nhằm tạo thói quen cho học sinh trong việc lựa chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Qua đó, khích lệ học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi cũng như tuyên truyền, giáo dục các em về việc đọc sách cũng như trân trọng, giữ gìn sách”, cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn cho biết. 
 
Trong Tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 diễn ra từ ngày 1/10 đến 7/10, các trường học, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt diễn ra nhiều hoạt động như: giới thiệu sách; hướng dẫn học sinh cách chọn sách phù hợp; tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường... Đặc biệt, một số trường tiểu học triển khai mô hình “Thư viện thân thiện” và bổ sung nhiều đầu sách để thu hút học sinh đến đọc sách. Các trường học cũng đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách dưới nhiều hình thức như “Thư viện xanh”, “Thư viện lớp học”; tổ chức hoạt động giới thiệu sách lồng ghép vào giờ chào cờ, sinh hoạt lớp; khuyến khích cán bộ thư viện phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh cách đọc sách khoa học…
 
Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt cho rằng: “Phát triển văn hóa đọc trong trường học là việc làm rất quan trọng đối với giáo viên và học sinh, có tác động tích cực trong bổ sung, nâng cao tri thức, tạo hiệu quả cao đối với chất lượng giáo dục. Việc khơi niềm đam mê đọc sách để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh giúp các em nhận thức được vai trò to lớn của sách đối với học tập và cuộc sống. Qua đó, các em sẽ ý thức được việc học tập ở trường, học trong sách vở, học thường xuyên, là nhân tố đóng góp vào việc xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập mà Đà Lạt đang hướng đến”.
 
TUẤN HƯƠNG