Nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới

08:10, 18/10/2018

Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng đối với cuộc sống gia đình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cũng như bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng đối với cuộc sống gia đình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cũng như bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị Cán bộ nữ toàn miền Bắc (1956). Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị Cán bộ nữ toàn miền Bắc (1956). Ảnh: Tư liệu

Ở bất cứ thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mình trong gia đình và trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao vị thế của phụ nữ vừa là yêu cầu khách quan của đất nước, vừa là sự đòi hỏi vươn lên của chính phụ nữ Việt Nam. 
 
Thời phong kiến, xã hội thường lấy tam tòng, tứ đức làm chuẩn mực để đánh giá phẩm chất của người phụ nữ. Đặc biệt, bốn chữ “công”, “dung”, “ngôn”, “hạnh” được xem là khuôn phép, là “quy ước” xã hội khắt khe khi nói về phẩm hạnh và tài năng của phụ nữ và nó trói buộc người phụ nữ trong phạm vi tù túng, chật hẹp của gia đình. 
 
Từ ngày đất nước được độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí minh rất quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, thực hiện chính sách bình đẳng giới, luôn đề cao và phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc, hăng hái lao động sản xuất, cáng đáng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ trọn nghĩa, vẹn tình, mà còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất nơi tiền tuyến; một lực lượng cách mạng quan trọng. Họ thực sự xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Hồ Chủ tịch đã trao tặng.
 
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhất là hơn 30 năm đổi mới, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ được nâng lên; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe phụ nữ được cải thiện, nâng cao. Phụ nữ ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học; mạnh dạn, năng động trong sản xuất - kinh doanh. Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo ra những điều kiện, động lực quan trọng để phụ nữ được học tập nâng cao trình độ, mở rộng môi trường hoạt động, tham gia nhiều hơn vào kinh tế thị trường, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của đất nước. 
 
Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức và tác động tiêu cực mà phụ nữ cần phải vượt qua. Phần lớn phụ nữ vẫn ít có cơ hội tiếp cận với việc làm có thu nhập cao do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao; khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc còn hạn chế. Đồng thời, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập, mà một số phẩm chất truyền thống tốt đẹp đang bị mai một, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và đạo đức, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam. Đúng như Bác Hồ đã nói: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”. 
 
Trước những thách thức đó, vấn đề lớn đặt ra là làm sao để gìn giữ, phát huy và nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Lời giải đáp cho vấn đề lớn lao này ngoài sự quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng thường xuyên của Đảng và Nhà nước, điều quan trọng là phụ nữ “phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau…” (HCM: toàn tập, t.10, tr.184).  
 
Nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam hiện nay có liên quan đến nhiều chỉ số trong đó các chỉ số về khả năng nhận thức, năng lực, trình độ mọi mặt; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và quyền năng kinh tế là những chỉ số hết sức quan trọng. Theo đó, Hội Phụ nữ các cấp cần: (1) Tích cực xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho phụ nữ vùng khó khăn; vận động chị em thực hiện phổ cập trung học cơ sở, trung học phổ thông; tích cực tham gia các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trình độ học vấn, kiến thức xã hội, phấn đấu đạt tiêu chí người phụ nữ mới “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”... Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ... 
 
(2) Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng như: khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay; phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, kiến thức khởi sự doanh nghiệp; tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho phụ nữ có việc làm, thu nhập; thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo… Từ đó, giúp phụ nữ nâng cao chỉ số về quyền năng kinh tế, phát huy được quyền tham gia trao đổi, bàn bạc và ra quyết định về những vấn đề của cuộc sống, từng bước nâng vị thế của mình trong gia đình và xã hội. 
 
(3) Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ như: Truyền thống và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ; ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; kiến thức về giới, về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc... nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay. 
 
Đồng hành cùng với phụ nữ, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần có kế hoạch thiết thực trong việc giúp đỡ phụ nữ; tạo điều kiện cho chị em học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các hoạt động xã hội; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và phải tích cực giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa bàn; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… 
 
Bản thân người phụ nữ phải tiếp tục giữ gìn, phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp; đồng thời xây dựng, đề cao và coi trọng những phẩm chất đạo đức mới, đó là: Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang; trong đó “tự tin” phải được đặt lên hàng đầu; bởi tự tin sẽ giúp phụ nữ vượt qua mọi rào cản, thử thách và làm được những điều mình mong muốn. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, kính chúc các mẹ, các chị, các em tràn đầy hạnh phúc.   
 
VĂN NHÂN