Khai thác tiềm năng xuất khẩu lao động

09:10, 22/10/2018

Những năm qua, xuất khẩu lao động trở thành một "kênh" không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, tác phong làm việc... của nước ngoài về áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, công tác XKLÐ tại Lâm Ðồng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Những năm qua, xuất khẩu lao động (XKLÐ) trở thành một “kênh” không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, tác phong làm việc... của nước ngoài về áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, công tác XKLÐ tại Lâm Ðồng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.
 
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng để tư vấn XKLĐ. Ảnh: V.Hùng
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng để tư vấn XKLĐ. Ảnh: V.Hùng

Nhiều chương trình “bỏ ngỏ”
 
Bên cạnh những thị trường XKLĐ quen thuộc như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông... thì vài năm trở lại đây, lao động Lâm Đồng đã “đặt chân” đến với một số thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, lao động đi làm việc tại Nhật, Hàn chủ yếu vẫn là các ngành nghề “phổ thông” như cơ khí, nông nghiệp... Còn các ngành trình độ cao đa số lao động địa phương chưa tiếp cận được. Điển hình như chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật và Đức tuy được triển khai khá lâu nhưng vẫn “giẫm chân tại chỗ”. 
 
Trong đó, chương trình XKLĐ đưa hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam đi làm việc tại Nhật được triển khai thực hiện theo hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2012. Chương trình này do Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các cơ quan liên quan của Nhật Bản tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Nhật hoàn toàn miễn phí. 
 
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng, mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng đến nay, số lao động xuất cảnh ngành nghề này vẫn là con số 0. Theo ông Nguyễn Đức Phương - Giám đốc Trung tâm, lý do lớn nhất khiến chưa có lao động xuất cảnh sang Nhật và Đức với nghề điều dưỡng viên và hộ lý là do yêu cầu tương đối khắt khe. Trong đó, điều kiện bắt buộc doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn những đối tượng đã có kinh nghiệm làm công việc hộ lý và điều dưỡng viên theo quy định của Nhật Bản; đồng thời, phải đạt trình độ tiếng Nhật N4 hoặc tương đương trở lên. Vì vậy, mặc dù Trung tâm thường xuyên tuyên truyền về chương trình này tại các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm hàng tháng cũng như phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố... nhưng vẫn không có lao động đăng ký. Trong khi đó, nhu cầu lao động ngành này tại Nhật và Đức hiện rất cao. Thậm chí, với mỗi lao động xuất cảnh, Cục quản lý lao động nước ngoài sẽ hỗ trợ cho Trung tâm 40 USD... 
 
Ðẩy mạnh XKLÐ
 
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động và nâng cao cơ hội trúng tuyển của lao động góp phần đẩy mạnh công tác XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền. Ngoài sự phối hợp với các Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm còn chủ động ký kết những kế hoạch liên tịch với các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... trong công tác tuyên truyền thông tin thị trường lao động nói chung và XKLĐ nói riêng tại cơ sở. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cộng tác viên đến từng hộ gia đình để vận động, tư vấn, cung cấp thông tin cho người lao động.
 
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn lao động có chất lượng được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản - thị trường đang được nhiều lao động hướng đến. Trung tâm ưu tiên chọn lựa đơn hàng có công việc tương đồng với đặc thù của địa phương như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản... để lao động có nhiều cơ hội việc làm khi hoàn thành hợp đồng về nước. 
 
Từ việc triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia XKLĐ, Trung tâm đã đạt được những con số đáng kể: 100% lao động đạt sơ tuyển với các công ty XKLĐ; hơn 80% trúng tuyển chính thức với các nghiệp đoàn, đối tác nước ngoài; không có trường hợp nào bỏ trốn khỏi công ty khi đang làm việc ở nước ngoài...
 
“Để đẩy mạnh công tác XKLĐ, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động về chính sách XKLĐ của tỉnh, làm rõ lợi ích của việc XKLĐ đối với vấn đề giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng để có nguồn lao động chất lượng đáp ứng các đơn hàng cao cấp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho lao động của tỉnh khi tham gia phỏng vấn XKLĐ...”, ông Phương nhấn mạnh. 
 
VIỆT HÙNG