Lạc Dương: Xây dựng mạng lưới y tế đạt chuẩn nông thôn mới

10:10, 01/10/2018

Những năm qua, Lạc Dương tập trung phát triển y tế cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Qua đó, hướng tới việc hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những năm qua, Lạc Dương tập trung phát triển y tế cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Qua đó, hướng tới việc hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới.
 
Y tế cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: H.Yên
Y tế cơ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: H.Yên

Kiện toàn y tế cơ sở
 
Bác sĩ Trần Thị Lý, Trưởng phòng Y tế huyện Lạc Dương cho biết, huyện đã tập trung chỉ đạo và tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là từ nguồn vốn 135 của Chính phủ và chương trình mục tiêu về xây dựng NTM để ưu tiên xây dựng mới và nâng cấp các trạm y tế, thực hiện chỉ tiêu xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2013 đến nay, 100% trạm y tế xã, thị trấn được đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa theo tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở và tiêu chuẩn hiện hành do Bộ Y tế quy định, diện tích mặt bằng xây dựng trạm y tế xã đảm bảo từ 500 m 2 trở lên và ở gần đường trục giao thông của xã, khu vực trung tâm xã để người dân dễ tiếp cận khám, chữa bệnh. Kinh phí xây dựng Trạm Y tế xã Đạ Sar 3,648 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Đạ Nhim 2,75 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Đạ Chais 4,5 tỷ đồng; Trạm Y tế thị trấn Lạc Dương 2,473 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Lát hơn 3,5 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ hơn 3,7 tỷ đồng (tổng kinh phí khoảng hơn 20,571 tỷ đồng).
 
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã cử nhiều lượt nhân viên, viên chức y tế ở cơ sở tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu theo từng chuyên ngành, đào tạo theo địa chỉ, ưu tiên đào tạo cho con em người địa phương. Cụ thể: cử 20 y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh (trong đó có 4 y sĩ đào tạo liên thông bác sĩ; 16 điều dưỡng, nữ hộ sinh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về lĩnh vực cấp cứu đa khoa cũng như các chuyên ngành về Nội khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa và Sản phụ khoa); 2 dược sĩ trung học đào tạo liên thông dược sĩ đại học. Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Các trạm y tế luôn được duy trì bố trí 5-6 nhân viên, 100% trạm y tế xã có đủ cơ cấu nhân lực: bác sỹ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, dược sỹ, y học cổ truyền. Số cán bộ y tế được tăng cường đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về kiến thức chuyên môn, trình độ chuyên môn từng bước được nâng lên, dần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tổng số cán bộ, viên chức bố trí tại tuyến xã: 37 người/6 trạm y tế xã (Bác sỹ: 7 người/6 trạm, y sỹ đa khoa: 5 người/6 trạm, nữ hộ sinh trung học: 6 người/6 trạm, dược sỹ trung học: 6 người/6 trạm, điều dưỡng: 6 người/6 trạm, chuyên trách dân số: 6 người/6 trạm, nhân viên y tế thôn bản: 35 người/35 thôn).
 
Bằng các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện và các tổ chức phi chính phủ, trong 5 năm qua, 6/6 trạm y tế xã đã được đầu tư thêm nhiều trang, thiết bị, phương tiện, dụng cụ y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh như: giường bệnh, tủ đầu giường, máy súc rửa dạ dày, máy xét nghiệm huyết học, máy đo đường huyết, máy châm cứu,... với tổng kinh phí đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, 100% trạm y tế xã đảm bảo có từ 70% trở lên các trang thiết bị đủ số lượng sử dụng theo quy định hiện hành về danh mục trang thiết bị và có ít nhất 80% trạm y tế xã được trang bị 2 trong các máy sau: máy siêu âm, máy điện tim và máy đo dường huyết cơ bản đạt mục tiêu nghị quyết.
 
Ðáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân
 
Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển từ huyện đến xã, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư, đưa vào sử dụng có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ y tế không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện. Ông Liêng Hót Ha Bren (thôn Đa Chais, xã Đa Nhim) chia sẻ: “Cách đây 5 năm, khi người dân chúng tôi mắc các chứng bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, bệnh ngoài da... đều phải ra tận Đà Lạt để khám và lấy thuốc, thế nhưng những năm gần đây, Nhà nước đầu tư vào trạm y tế xã đã giúp người dân bớt khó khăn hơn, không phải di chuyển xa để khám chữa bệnh. Trạm y tế xã cũng có bác sỹ, có dược sỹ cấp thuốc nên người dân chúng tôi rất yên tâm”.
 
Bác sỹ Trần Thị Lý cho biết, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; trình độ dân trí được nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành y tế ngày càng được đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự nghiệp y tế huyện vẫn không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Mạng lưới y tế được tổ chức xuyên suốt từ huyện đến xã; cơ sở vật chất, hạ tầng của các trạm y tế được đầu tư xây dựng mới, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trên địa bàn; 6/6 xã, thị trấn có trạm y tế được xây mới kiên cố; tại thôn bản có 35 nhân viên y tế thôn bản; 100% trạm y tế xã được bố trí đủ 5 nhân viên theo tiêu chuẩn. Để thực hiện tốt bộ tiêu chí y tế trong xây dựng NTM, định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và một năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch và ra quyết định thành lập đoàn để kiểm tra, đánh giá các hoạt động thực hiện bộ tiêu chí. Đồng thời chấn chỉnh, chỉ đạo, giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện. Đến nay, số trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 5/6 trạm, chiếm tỷ lệ 83,3%, đạt so với chỉ tiêu nghị quyết; còn lại Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ đang được đầu tư xây dụng để hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia trong năm 2019.
 
HOÀNG YÊN