Mở đầu chương trình "Cơm Có Thịt" đầu tiên trên Tây Nguyên

11:10, 03/10/2018

(LĐ online) - Đồng hành cùng thầy giáo Trần Đăng Khoa, hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng-người đã hiến 100 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để lập bếp ăn trưa cho học trò lớp Một mà không đủ, báo Tiền Phong cùng Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao đã vào cuộc hỗ trợ. Và chương trình "Cơm Có Thịt" trên Tây Nguyên đã được triển khai, bắt đầu từ ngày 1/10/2018.

(LĐ online) - Đồng hành cùng thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng-người đã hiến 100 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để lập bếp ăn trưa cho học trò lớp Một mà không đủ, Báo Tiền Phong cùng Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao đã vào cuộc hỗ trợ. Và chương trình “Cơm Có Thịt” trên Tây Nguyên đã được triển khai, bắt đầu từ ngày 1/10/2018.
 
Đây là điểm mở đầu chương trình
Đây là điểm mở đầu chương trình "Cơm Có Thịt" trên Tây Nguyên

Gần 1 tháng kể từ ngày Báo Tiền Phong về tận nơi khảo sát thực tế, trưa ngày 1/10, 102 học sinh lớp Một của Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã được dùng bữa “Cơm Có Thịt” đầu tiên, và nghỉ trưa tại trường để chiều học tiếp chương trình bán trú. Kinh phí thực hiện chương trình gồm 100 triệu đồng tiết kiệm hiến tặng của gia đình thầy Khoa, 30 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao, và một số khoản tài trợ của các nhà hảo tâm khi chứng kiến trực tiếp bữa cơm sâu sắc ý nghĩa này.  
 
Kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm bữa “Cơm Có Thịt” đầu tiên
Kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm bữa “Cơm Có Thịt” đầu tiên

Thầy Khoa chia sẻ ông đã có hơn 27 năm là thầy giáo ở nhiều trường vùng sâu thuộc huyện Ia Pa, chuyển công tác về Trường Tiểu học Kim Đồng này được 2 năm. Tại đây, 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, hầu hết là con em hộ nghèo, nếu không có bữa cơm trưa tại trường thì nhiều cháu sẽ bỏ học buổi chiều để theo cha mẹ lên rẫy. Vì thế, chất lượng giảng dạy khó đạt yêu cầu. 
 
Bữa cơm đầy niềm vui
Bữa cơm đầy niềm vui

Dù lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục đều rất quan tâm đến thực trạng này, nhiều giải pháp cố gắng cải thiện cũng đã được triển khai nhưng không mấy khả thi. Vì vậy, thầy Khoa quyết tâm tổ chức bữa cơm bán trú cho học sinh lớp 1 toàn trường bằng nguồn tiết kiệm của gia đình. Ăn xong các cháu sẽ ngủ lại để chiều tiếp tục học chữ, vừa đủ sĩ số, nhà trường vừa quản lý được giờ giấc của học sinh. Tuy nhiên, ông dốc hết số tiền tích cóp được mà vẫn chưa đủ, nên đã gửi tâm thư “cầu cứu” đến nhiều đơn vị khác nhau. 
 
Thầy Trần Đăng Khoa trả lời phỏng vấn
Thầy Trần Đăng Khoa trả lời phỏng vấn

“Tôi đã gửi thư kêu gọi sự giúp đỡ đến cả chục địa chỉ, và vô cùng hạnh phúc khi được báo Tiền Phong điện thoại hồi âm, hỏi han cặn kẽ. Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đến tận trường xác minh, thăm hỏi, hướng dẫn tôi cách lập kế hoạch với những phương án khác nhau, để sự kết nối và giúp đỡ có thể dài lâu cho những năm sau nữa; Báo Tiền Phong cũng đã trực tiếp vận động được nhiều nhà hảo tâm đóng góp, cổ vũ tinh thần phục vụ của giáo viên và cán bộ nhân viên toàn trường, giúp nguyện vọng của tôi sớm trở thành hiện thực. Với sự kết nối và hỗ trợ của báo Tiền Phong, Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao đã tạo điều kiện giúp chúng tôi triển khai được chương trình “Cơm Có Thịt” đầu tiên trên Tây Nguyên. Cả trường tôi đều thấy vinh dự, tự hào. Còn các cháu học sinh thật may mắn khi được cả xã hội quan tâm như thế.  ”- Thầy Khoa vui mừng nói.
 
Đến dự sự kiện ý nghĩa này, ông Võ Anh Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa cảm động cho biết lãnh đạo huyện từ lâu đã chỉ đạo ngành Giáo dục trên địa bàn nỗ lực bảo đảm chất lượng dạy và học, không để học trò bỏ học lên rẫy, nhưng cũng hiểu các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Chương trình “Cơm Có Thịt” này là mô hình rất hay. Địa phương có thể học tập cách thức tổ chức để kết nối các nhà tài trợ, vận động nhiều nguồn đóng góp, giúp nhân rộng thêm nhiều địa chỉ tương tự trên địa bàn. 
 
Ông Võ Anh Tuấn Bí thư huyện ủy Ia Pa với một học trò lần đầu tiên được dùng “Cơm Có Thịt” tại trường
Ông Võ Anh Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa với một học trò lần đầu tiên
được dùng “Cơm Có Thịt” tại trường

Được biết sắp tới Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao sẽ cùng Báo Tiền Phong mở tài khoản riêng mang tên “Cơm Có Thịt Tây Nguyên”, để xây dựng nguồn lực hỗ trợ thêm nhiều trường khác mở các bếp ăn tương tự, ngay trong ngày mở bếp “Cơm Có Thịt” đầu tiên đã có nhiều tấm lòng vàng đăng ký sẽ ủng hộ, đóng góp.  
 
Cụ thể: ông Võ Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Ia Pa góp 5 triệu đồng; ông Thái Thanh Bình - Bí thư Thị ủy Ayunpa 5 triệu đồng; ông Lê Trọng Nam - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Pờ Tó 10 triệu đồng; thầy Phạm Văn Đức - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ia Pa 5 triệu đồng; thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp 5 triệu đồng; anh Trần Văn Ba - bảo vệ Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp góp 1 tháng lương 2,4 triệu đồng; anh Nguyễn Quốc Tư - Hội trưởng Hội yêu lan rừng 5 triệu đồng; một “Em gái xứ Cà” 12 triệu đồng v.v... Riêng ông bà Trương Hoài Hương-Phạm Thị Thanh Xuân - Giám đốc Cty TNHH XD Xuân Hương cam kết trợ lực chương trình “Cơm Có Thịt” tại Trường Tiểu học Kim Đồng mỗi tháng 10 triệu đồng trong suốt năm học 2018-2019. 
 
Hoàng Thiên Nga-Lê Tiền