Nỗ lực đưa học sinh bỏ học trở lại trường

09:10, 22/10/2018

Trường cấp II, III Lộc Bắc là một ngôi trường vùng sâu xa nhất của huyện Bảo Lâm. Tại đây, ngoài những hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp, nhà trường còn phải đối mặt với tình trạng bỏ học của học sinh. Vận động học sinh ra lớp, trở lại trường học là một trong những nhiệm vụ đầy gian nan và thử thách của thầy cô nơi đây.

Trường cấp II, III Lộc Bắc là một ngôi trường vùng sâu xa nhất của huyện Bảo Lâm. Tại đây, ngoài những hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp, nhà trường còn phải đối mặt với tình trạng bỏ học của học sinh. Vận động học sinh ra lớp, trở lại trường học là một trong những nhiệm vụ đầy gian nan và thử thách của thầy cô nơi đây.
 
Giờ Sinh học của cô và trò Trường cấp II, III Lộc Bắc. Ảnh: Đ.Anh
Giờ Sinh học của cô và trò Trường cấp II, III Lộc Bắc. Ảnh: Đ.Anh

Năm 2007, ông Lưu Thể được điều động vào xã Lộc Bắc để làm hiệu trưởng. Gọi là hiệu trưởng của một trường học nhưng trên thực tế thì khi đó chưa có trường. “Trường học” lúc đó chỉ là phòng mượn tạm của một trường mầm non gần đó, còn lớp học thì phải mượn mỗi thôn, buôn một phòng để dạy học. Đã hơn mười năm trôi qua, ngôi trường ấy nay đã được xây dựng kiên cố với dãy phòng học 2 tầng gồm 10 lớp, khu hiệu bộ và khu 6 phòng chức năng. Ông Lưu Thể cho biết: Với cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học như hiện tại thì cơ bản đảm bảo cho công tác dạy và học. Thế nhưng, nhà trường vẫn luôn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định do đặc thù là địa bàn vùng sâu, học sinh ở địa bàn xa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đi lại khó khăn và không có động lực học tập. Chính vì lẽ đó, vận động học sinh ra lớp vào mỗi đầu năm học và duy trì sĩ số trong suốt năm học là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của giáo viên trong trường. 
 
Trong năm học này, toàn trường có 518 học sinh; trong đó, học sinh THPT là 192 em và THCS là 316 em. Số lượng học sinh ra lớp này đều không đạt chỉ tiêu ở cả hai bậc học: Bậc THPT chỉ đạt 93,7% và bậc THCS chỉ đạt 88,3%. Nguyên nhân là dẫu thầy cô đã đến vận động từng nhà nhưng các em vẫn không ra lớp. Lý do bỏ học chủ yếu là để đi làm, không có nguyện vọng tiếp tục đi học và ở nhà phụ giúp cha mẹ. So với cùng thời điểm này của năm trước thì có đến 30 em học sinh không ra lớp. Sau thời gian kiên trì vận động thì có 13 em trở lại lớp, còn 17 em thì nhất quyết không đi học. Cô Trần Thị Hoa, giáo viên Trường cấp II, III Lộc Bắc, chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ giảng dạy thì tất cả các giáo viên trong trường còn có nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên là duy trì sĩ số và vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Đa phần các giáo viên nơi đây đều ở nội trú tại trường nên từ chiều muộn đến tối là đến nhà các em bỏ học để vận động trở lại lớp. Ở những địa bàn gần còn đỡ chứ những địa bàn xa thì giáo viên phải đi lại rất vất vả, có nơi phải đi hơn 10 km. “Có nhiều bữa vừa thấy mình đến từ xa là các em vội leo cửa sổ, vượt rào trốn mất. Không gặp, không tiếp xúc được với các em thì làm sao vận động trở lại lớp được. Vì vậy, có nhiều trường hợp giáo viên phải đi lại rất nhiều lần. Có nhiều em vì khó khăn về vật chất mà bỏ học thì mình có thể vận động mạnh thường quân và thầy cô giáo trong trường hỗ trợ để các em trở lại lớp. Nhưng có nhiều trường hợp các em bỏ học mang tính chất chủ quan, xuất phát từ tư tưởng không muốn học tiếp thì rất khó để vận động” - cô Hoa chia sẻ.
 
Ông Lưu Thể cho biết thêm: Trước khi năm học mới chính thức bắt đầu, nhà trường phải cắt cử, phân chia giáo viên phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, đi đến từng nhà học sinh để vận động các em ra lớp. Vận động các em đến trường đã khó, duy trì được sĩ số càng khó hơn gấp bội. Do đó, ngoài những nhiệm vụ ngành giao thì tất cả giáo viên nơi đây đều phải thực hiện thêm nhiệm vụ rất nặng nề là ngày ngày đi dạy, tối hoặc các ngày nghỉ phải đi vận động học sinh đến trường. Bên cạnh đó, ngoài các giờ học chính khóa thì nhà trường luôn tổ chức những giờ học ngoại khóa hàng tháng để thu hút học sinh đến trường. Nhờ đó, công tác duy trì sĩ số năm nay có nhiều khởi sắc hơn những năm trước. Cũng cần nói thêm rằng, do cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng cách đây 10 năm nên hiện nay đã xuống cấp và về lâu về dài sẽ thiếu phòng học. Bởi lẽ, với số lượng phòng học như hiện tại thì trường đủ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày nhưng do trường có rất nhiều học sinh yếu cần phải bồi dưỡng thường xuyên mới đảm bảo chất lượng đại trà. Vì vậy, phòng học dành cho các lớp phụ đạo thường xuyên bị thiếu. Bên cạnh đó, nguồn nước giếng khoan của trường hiện cũng không đảm bảo vệ sinh để ăn uống và sinh hoạt do đã khoan từ năm 2008. Trường cấp II, III Lộc Bắc hiện có 38 giáo viên, cán bộ, công nhân viên; trong đó, có 9 giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Riêng trong năm học này, có đến 5 giáo viên nghỉ theo chế độ thai sản đã tạo ra một sự thiếu hụt giáo viên mang tính chất tình huống. Nhà trường phải thỉnh giảng thêm giáo viên từ nơi khác đến theo dạng hợp đồng thuê khoán. Tuy nhiên, với một xã vùng sâu, cách trung tâm huyện Bảo Lâm gần 40 km, thì việc thỉnh giảng giáo viên không phải chuyện đơn giản. Việc này cũng gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường.
 
Hình ảnh các em học sinh bỏ dép bên ngoài trước khi vào lớp, xếp hàng trật tự trước khi ra về, dọn dẹp khuôn viên trường lớp luôn sạch đẹp... đã tạo ấn tượng đẹp nơi ngôi trường vùng sâu này. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò Trường cấp II, III Lộc Bắc vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và quan trọng hơn là giáo dục nhân cách, lối sống cho các em học sinh.
 
ÐÔNG ANH