Người bảo tồn trên 40 loài trà hoa vàng quý hiếm

05:10, 23/10/2018

(LĐ online) - Từ bỏ công việc trong ngành Ngân hàng, một phụ nữ Thủ đô chưa từng chân lấm tay bùn lại quyết định vào miền đất Tây Nguyên theo đuổi đam mê sưu tầm và bảo tồn các giống trà hoa vàng quý hiếm. Chị là Lê An Na (39 tuổi), quê Hà Nội, hiện ở tại đường Đống Đa, TP Đà Lạt.  
 

(LĐ online) - Từ bỏ công việc trong ngành Ngân hàng, một phụ nữ Thủ đô chưa từng chân lấm tay bùn lại quyết định vào miền đất Tây Nguyên theo đuổi đam mê sưu tầm và bảo tồn các giống trà hoa vàng quý hiếm. Chị là Lê An Na (39 tuổi), quê Hà Nội, hiện ở tại đường Đống Đa, TP Đà Lạt.  
 
Chị Lê An Na bên những cây trà hoa vàng quý hiếm
Chị Lê An Na bên những cây trà hoa vàng quý hiếm

Duyên đến với trà hoa vàng của chị Lê An Na khởi nguồn từ lần công tác Trung Quốc, chị cùng đoàn đã được một chuyên gia về trà của nước này giới thiệu về loài trà hoa vàng quý hiếm với công dụng được giới thiệu là tốt cho sức khỏe, chỉ có giới thượng lưu ở nước này mới đủ khả năng về tài chính để mua dùng. Qua tìm hiểu, chị An Na biết phần lớn nguyên liệu trà hoa vàng ở các doanh nghiệp chế biến trà tại Trung Quốc là nhập nguyên liệu thô từ Việt Nam. Hoa trà sau khi chế biến được bán tại thị trường Trung Quốc với giá lên tới vài chục triệu đồng/ kg, còn lá của loại trà này dù rẻ hơn nhưng cũng lên tới hàng chục triệu đồng.
 
Sống giữa đất nước đang lưu giữ nhiều giống trà dược liệu quý hiếm nhưng người dân Việt Nam lại chỉ xuất bán cây và nguyên liệu thô cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, chị Lê An Na chợt lóe lên ý định sưu tầm, trồng và lập vùng bảo tồn các loại trà hoa vàng ở trong nước. Trên cơ sở đó, chị sẽ chế biến thành sản phẩm trà hoa vàng với kỳ vọng làm nên thương hiệu trà quý hiếm đặc trưng của Việt Nam. Rồi những lần tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực trà hoa vàng cùng với việc tự mày mò, nghiên cứu, chị Lê An Na quyết tâm đi tìm câu trả lời vì sao loại trà này lại khiến giới nhà giàu ở Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua làm nước uống hằng ngày. 
 
Đến nay chị An Na đã lập được khu bảo tồn với 44 loại trà hoa vàng quý hiếm
Đến nay chị An Na đã lập được khu bảo tồn với 44 loại trà hoa vàng quý hiếm

Sau hơn 8 năm lặn lội từ miền Tây Bắc tới vùng núi rừng Tây Nguyên sưu tầm, tìm thêm giống trà hoa vàng giữa nơi được mệnh danh là vương quốc của loài cây dược liệu quý hiếm này. Đến nay chị đã lập thành khu bảo tồn trà hoa vàng với 44 loài khác nhau. Chị An Na kể lại, khi cùng người dân bản địa tìm thấy được một cây trà hoa vàng trong rừng tự nhiên ở Yên Bái, chị vui mừng muốn rơi nước mắt. Cây trà hoa vàng quý hiếm này đã được chị đưa về Lâm Đồng gieo trồng đem theo kỳ vọng là sẽ nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô. Thế nhưng mô hình này của chị An Na thất bại. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chị An Na cuối cùng đã nhân giống thành công giống trà “quý tộc” này bằng phương pháp giâm cành. 
 
Song song với việc tìm cách nhân giống trà hoa vàng, chị Lê An Na còn tiếp tục đến nhiều vùng núi rừng tìm kiếm, sưu tầm thêm các loại trà hoa vàng nhằm thực hiện mong muốn lập khu bảo tồn. Đến nay, vùng nguyên liệu trà hoa vàng của chị Lê An Na có được rộng tới hơn 10 ha, với khoảng 50.000 cây từ 1 đến 7 năm tuổi. Chị An Na cho biết, trước khi xuống giống, chị Lê An Na còn lấy mẫu đất gửi đi phân tích những chất có trong đất, trong đó đặc biệt chú ý tới kim loại nặng. “Nếu trong đất nhiễm kim loại nặng cây trà sẽ hút kim loại này vào, ảnh hướng tới chất lượng và sức khỏe con người khi sử dụng...” - chị An Na nhấn mạnh. Theo chị An Na, kết quả phân tích các hoạt chất có trong trà hoa vàng cho thấy, thời gian thu hoạch trà cho chất lượng tốt nhất là từ năm thứ 6 trở đi. Độ già của lá trà cũng là điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.   
 
Nhân giống trà hoa vàng tại khu bảo tồn của chị Lê An Na
Nhân giống trà hoa vàng tại khu bảo tồn của chị Lê An Na

Trong 44 loại trà hoa vàng mà chị An Na sở hữu, chị tâm đắc nhất với trà hoa vàng Thạch Châu, được chị tìm kiếm, sưu tầm ở vùng Trạm Hành, TP Đà Lạt. Trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt từng được người Pháp phát hiện vào những năm đầu thế kỷ XX tại vùng rừng giáp ranh giữa huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt ngày nay, được nhà thực vật học Phạm Hoàng Hộ ghi lại trong cuốn “Cây cỏ Việt Nam”. Năm 2016, trà hoa vàng Thạch Châu đã được đăng ký trình tự mã vạch AND trên Ngân hàng gen Quốc tế bởi TS Trần Hồ Quang (Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), đánh dấu loại trà này mới chỉ phát hiện duy nhất vùng Tây Nguyên, Việt Nam. 
 
Chị An Na cho biết đã gửi nhiều mẫu trà hoa vàng Thạch Châu Đà Lạt trồng tại khu bảo tồn của mình tới một số cơ sở nghiên cứu khoa học để phân tích các hoạt chất. Kết quả xác định loại trà này có chứa các nhóm chất như flavonoid, tanin, polysaccharid, acid amin, chất béo, steroid, caroten... Lá và hoa trà Thạch Châu Đà Lạt có tác dụng chống ôxy hóa, điều trị bệnh về tim mạch, bảo vệ gan, đề kháng bệnh ung thư… nên được đánh giá là loại cây dược liệu rất có lợi cho sức khỏe người dùng, người uống trà hoa vàng Thạch Châu giúp lợi tiểu, ngủ sâu giấc... “Đến bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao trà hoa vàng lại là thứ nước uống quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao được giới nhà giàu ở Trung Quốc ưa chuộng từ nhiều năm qua...” - chị An Na cho biết thêm.
 
Nhà thực vật học Lương Văn Dũng, giảng viên Trường ĐH Đà Lạt cho biết, trà hoa vàng không đơn thuần là một loại nước uống thông thường. Từ kết quả phân tích những hoạt chất được các nhà khoa học phát hiện, chiết xuất từ hoa và lá loại trà này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, có thể khẳng định đây thực chất là cây dược liệu quý hiếm, cần được nhân giống, bảo tồn, phát triển và có giá trị kinh tế cao. 
 
Văn Báu