Nguồn nhân lực y tế thiếu bác sĩ

08:10, 12/10/2018

Hiện nay, tỉ lệ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) để phục vụ nhân dân của Lâm Đồng rất thấp so với toàn quốc, chỉ có 7,1 BS/vạn dân và 0,7 DS/vạn dân, trong khi tỉ lệ toàn quốc là 8,4 BS/vạn dân và 2,3 DS/vạn dân.  

Hiện nay, tỉ lệ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) để phục vụ nhân dân của Lâm Đồng rất thấp so với toàn quốc, chỉ có 7,1 BS/vạn dân và 0,7 DS/vạn dân, trong khi tỉ lệ toàn quốc là 8,4 BS/vạn dân và 2,3 DS/vạn dân.  
 
2 tân bác sĩ tốt nghiệp loại Giỏi được Hội Khuyến học tỉnh thưởng 1 triệu đồng mỗi em. Ảnh: D.H
2 tân bác sĩ tốt nghiệp loại Giỏi được Hội Khuyến học tỉnh thưởng 1 triệu đồng mỗi em. Ảnh: D.H
Tâm sự của tân BS tốt nghiệp loại Giỏi
 
Sở Y tế vừa tiếp nhận, phân công 13 tân bác sĩ (BS) tốt nghiệp năm 2018 từ chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng về công tác tại các bệnh viện (BV) trong tỉnh. Đợt này, có 2 BS tốt nghiệp BS đa khoa loại Giỏi của Trường Đại học Tây Nguyên. Tân BS Đào Thị Nhị (sinh năm 1994) cho biết: “Em được sinh ra ở vùng kinh tế mới Lâm Hà, nhà có 5 anh chị em, là con út trong gia đình, hoàn cảnh nói chung khó khăn nên lúc em thi Khoa Y của Trường Đại học Tây Nguyên thiếu nửa điểm, em được sự quan tâm của nhà nước cho đi học BS, học phí được Nhà nước ưu đãi. Nay em tốt nghiệp BS loại Giỏi được phân công về BV Đa khoa Lâm Đồng theo nguyện vọng, em cảm thấy rất vui vì mình trẻ và mong muốn được cống hiến phục vụ bà con nhân dân trong tỉnh. Theo em, chương trình này đã tạo điều kiện cho nhiều bạn tâm huyết với nghề y nhưng điểm thi thiếu từ nửa điểm đến 1 điểm được tỉnh quan tâm cho đi học. Ngay khi bắt đầu đi học, em đã quyết tâm cố gắng thật nhiều để có kết quả học tập tốt, từ đó có điều kiện tiếp cận môi trường làm việc tốt và có cơ hội phát triển tốt nhất về mặt xã hội lẫn chuyên môn. Vì hợp đồng ký trước khi đi học chương trình này, Sở Y tế cũng thông báo rõ là nếu kết quả học tập tốt sẽ bố trí công việc theo nguyện vọng của mình, nên em đã cố gắng rất nhiều”. 
 
Tân BS Phạm Lệ Ngọc (sinh năm 1994) ở Phường 2 - Bảo Lộc cũng vừa tốt nghiệp BS loại Giỏi cho biết: “Việc học BS của em được tỉnh tạo điều kiện về kinh phí học tập, ngành y tế địa phương quan tâm phân công công tác rất thuận lợi. Em mong chương trình này tiếp tục để có thêm nhiều BS phục vụ người dân trong tỉnh. Em được phân công theo nguyện vọng là BS Khoa Nhi tại BV II Lâm Đồng, trong quá trình đi làm, em sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm để trau dồi chuyên môn tốt hơn”. 
 
Gánh nặng quá tải 
 
Thạc sĩ - BS Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc BV II Lâm Đồng cho biết: BV thiếu rất nhiều BS. Năm 2017, có nhiều khoa 100 giường bệnh nhưng chỉ có 3 BS. Nhờ chương trình đào tạo này, năm ngoái BV được phân bổ 13 BS, 7 DS; năm nay Sở Y tế giúp đỡ bổ sung thêm cho BV 4 BS (trong đó, 1 BS xếp loại giỏi và 3 BS xếp loại khá). BV II Lâm Đồng là BV tuyến tỉnh có nhiều chuyên khoa, đặc biệt là đang chuẩn bị chuyển về BV mới, cơ sở hạ tầng mới nên rất cần đội ngũ BS này. Các BS mới từ năm 2017 nhận về BV, qua đánh giá từ các khoa phòng cho thấy có khả năng tiếp cận kiến thức mới, nắm tình hình bệnh tật, đáp ứng được nhu cầu bệnh viện, khám chính xác, công tác tốt.
 
BV II Lâm Đồng đã ưu tiên đối với BS loại giỏi sẽ phân công theo sở thích, năng lực. BS Thành cho hay: Các BS khi mới về được phân ra 2 hệ: hệ nội và hệ ngoại; các BS hệ nội sẽ luân phiên đi từ Hồi sức tích cực chống độc 3 tháng, tiếp đó chuyển sang khoa nội, rồi sang Phòng khám để nắm hết các mặt bệnh, sau đó sẽ cử đi đào tạo chuyên khoa, ví dụ: Nhiễm, nội tổng quát, nội tim mạch, nội tiêu hóa, nội lão khoa… tùy vào năng khiếu, khi phát hiện các em có năng khiếu chuyên ngành nào thì gửi tuyến trên đào tạo chuyên ngành đó. Còn các BS loại khá cũng đi các khoa thông thường như các BS khác nhưng thời gian lâu hơn vì trình độ khá không nhạy bằng loại giỏi, thời gian thực hành ở BV dài hơn, sau đó BV cũng xác định năng khiếu các em và phân bố vị trí hợp lý trong BV. Hiện rất nhiều chuyên khoa sâu, hệ điều trị cần các em để đào tạo nên BV rất tin tưởng các em. 
 
Minh chứng cho việc thiếu BS trầm trọng, BS Thành kể: “Năm 2017, BV II Lâm Đồng tưởng “vỡ trận” vì Khoa Sản 100 giường, trung bình 1 ngày có 25 trường hợp sinh, mổ sinh 12 trường hợp mà chỉ có 3 BS có chứng chỉ hành nghề. Nếu như không tuyển được BS thì không có người để phục vụ cho nhân dân khu vực 6 huyện phía Nam của tỉnh. Hàng năm, ở BV II Lâm Đồng khám gần 270.000 lượt, điều trị gần 50.000 bệnh nhân nội trú, phẫu thuật gần 8.000 ca, sinh nở gần 8.000 ca, mổ đẻ 2.500 ca. Số lượng BS có chứng chỉ hành nghề rất ít, đặc biệt sự kế thừa trong đội ngũ BS ở BV thiếu. BS thế hệ 6x rất ít, thế hệ 7x ít, thế hệ 8x khoảng 10 người, nòng cốt ở BV chủ yếu là 9x, nên BV ra sức đào tạo “nóng” cho các em thế hệ 9x để có nguồn nhân lực phục vụ nhân dân.
 
Chương trình đào tạo BS theo địa chỉ có hiệu quả, BS đáp ứng được yêu cầu, có trình độ, kiến thức, tiếp cận nhanh. Nhưng làm thế nào để BV giữ được BS? Tại BV II Lâm Đồng đã có 1 BS đền lại tiền cho Nhà nước để đi nơi khác làm việc. Theo BS Thành, BV theo phân hạng là loại II quy mô 450 giường do Sở Y tế phân bổ nhưng thực kê là 510 giường, sắp tới về cơ sở mới có 550 giường. Theo Thông tư 08 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về nhân lực BV hạng II thì số lượng BS của BV cần có khoảng 150 BS, nhưng hiện từ năm 2017 đến nay, BV tuyển được 30 BS, nâng tổng số hơn 90 BS, tạm thời gọi là “cầm hơi” chứ không thể phát triển chuyên sâu được. Bởi vì nếu cử BS đi đào tạo thì đội ngũ ở nhà không gánh vác nổi công việc do số lượng bệnh nhân quá đông. Nếu có nguồn BS dôi lên một chút, BV có điều kiện sắp xếp phân công BS đi học, vì đặc thù của ngành y là học cả đời, nếu dừng lại sẽ lạc hậu và điều trị không hiệu quả cho bệnh nhân vì phác đồ điều trị trên thế giới thay đổi hàng ngày, đặc biệt là các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường thay đổi liên tục cho nên buộc phải đào tạo. Đã theo ngành y là phải đào tạo liên tục, mà cơ số BS ở BV ít quá không có cơ hội gửi đi đào tạo, rất khó khăn để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.
 
AN NHIÊN