Nguồn tài nguyên cây thuốc ở Lâm Ðồng đa dạng và phong phú

08:10, 02/10/2018

Trong giai đoạn 2012 - 2018, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã chủ trì và phối hợp thực hiện trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có nhiều đề tài liên quan trực tiếp đến dược liệu Lâm Ðồng.
 

Trong giai đoạn 2012 - 2018, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã chủ trì và phối hợp thực hiện trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có nhiều đề tài liên quan trực tiếp đến dược liệu Lâm Ðồng.
 
Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các chế phẩm từ cây Lan gấm. Ảnh: A.Nhiên
Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các chế phẩm từ cây Lan gấm.
Ảnh: A.Nhiên

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên là cơ quan trung ương đóng trên địa bàn Đà Lạt đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển dược liệu tại địa phương. TS Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cho biết: Một số kết quả đề tài có khả năng ứng dụng cao là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, như đề tài cấp Nhà nước “Điều tra, sàng lọc nguồn tài nguyên dược liệu thực vật tỉnh Lâm Đồng theo định hướng hoạt tính sinh học nhằm phát triển các loài có giá trị dược liệu cao” thực hiện từ 2012 - 2016. Kết quả đã thu thập được 3.009 mẫu tiêu bản, xác định tên khoa học 1.003 loài thực vật. Trong đó có 399 loài cây thuốc và 604 loài có khả năng làm thuốc thuộc 162 họ thực vật. Bổ sung vào danh mục cây thuốc Lâm Đồng của Dược sĩ Nguyễn Thọ Biên (2015) thêm 156 loài cây thuốc và theo danh mục của đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng (2012) thêm 201 loài cây thuốc. Toàn bộ các loài thực vật thu được đều có tiêu bản đầy đủ theo quy định, là bộ tiêu bản đầy đủ nhất hiện nay ở Lâm Đồng.
 
Trong số 604 loài cây có khả năng làm thuốc đã thu thập được, đề tài phát hiện được 3 loài thực vật mới cho khoa học (đó là: Magnolia lamdongensis V.T.Tran, N.V.Duy & N.H.Xia; Magnolia tiepii V.T.Tien, N.V.Duy & V.D.Luong; Schizostachyum langbianense V.T.Tran, N.H.Xia & H.N.Nguyen). Qua đó, khẳng định nguồn tài nguyên cây thuốc và cây có khả năng làm thuốc ở Lâm Đồng vẫn còn khá đa dạng và phong phú về thành phần loài. Với danh mục đã xây dựng cùng với bộ tiêu bản của 1.003 loài thực vật là cơ sở dữ liệu quan trọng cho các nghiên cứu về sau, nhằm định hướng bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý giá của Lâm Đồng, cũng như khu vực Tây Nguyên.
 
Từ các kết quả sàng lọc hoạt tính sinh học của các dịch chiết tổng, nghiên cứu đã chọn ra 11 dịch chiết có hoạt tính sinh học cao để tiến hành nghiên cứu hóa học: Quả ươi, Ổ kiến, Kỳ nam gai, Xáo leo, Xoan nhừ, Dầu trà beng, Trứng cua, Gò đồng nách, Thảo nam sơn, Mạo đài, Cồ nốc Trung bộ. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu hóa học của 11 loài thực vật đã phân lập được 114 hợp chất, trong đó có 14 hợp chất mới, một số hợp chất có hoạt tính sinh học cao theo định hướng nghiên cứu. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã chọn được một số đối tượng có hoạt tính sinh học cũng như có số lượng cá thể loài tồn tại rất ít trong rừng tự nhiên ở Lâm Đồng như: Thảo nam sơn, Xáo leo, Xoan nhừ, Huỳnh đàn Nam Bộ để tiến hành nghiên cứu các phương pháp nhân giống, nhằm xây dựng giải pháp bảo tồn các loài này và định hướng phát triển thành nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược. Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cũng đã phối hợp với Ladophar để nghiên cứu phát triển sản xuất thử 3 loại thực phẩm chức năng là: Viên nang Scaphy, trà túi lọc Xáo leo, trà túi lọc Sâm cau.
 
Trong 5 năm qua, Viện tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu phát triển các kỹ thuật nhân giống sâm Ngọc Linh một cách có hệ thống như: Nghiên cứu chuyển gen tạo rễ tóc sâm Ngọc Linh làm vật liệu cho nuôi cấy bioreactor; Hệ thống chiếu sáng đơn sắc - nguồn sáng nhân tạo cho nghiên cứu tái sinh và nhân giống một số loại cây trồng nuôi cấy in vitro; Hoàn thiện quy trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh với số lượng lớn dưới hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) phục vụ nhu cầu của tỉnh Quảng Nam. Kết quả cho thấy Viện hoàn toàn làm chủ được các công nghệ nhân giống và có thể cung cấp cây giống với số lượng lớn. Tuy vậy, việc triển khai trồng ở quy mô lớn gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ sống thấp, điều kiện sinh thái chưa phù hợp nên cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
 
Viện đã xây dựng được các quy trình nhân giống và nuôi trồng Lan gấm thông qua đề tài “Nghiên cứu nuôi trồng cây Lan gấm thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh tại Đà Lạt - Lâm Đồng” và “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống Lan gấm trên địa bàn Đắc Lắc”. Hướng nghiên cứu này sẽ tiếp tục thực hiện thông qua đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng thực hiện từ năm 2018, nhằm tạo ra các chế phẩm từ cây Lan gấm.
 
TS Nguyễn Hữu Toàn Phan cho biết, các hoạt động nghiên cứu của Viện trong thời gian qua đã thể hiện rất nhiều nội dung liên quan đến nghiên cứu các đối tượng dược liệu, đặc biệt là các loài dược liệu ở Lâm Đồng. Các kết quả thu được cho thấy tiềm năng phong phú của dược liệu ở Lâm Đồng, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa trong thời gian tới với sự phối hợp từ các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dược liệu. Trong thời gian tới, Viện tập trung nghiên cứu phát triển dược liệu theo định hướng: Điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, có giá trị kinh tế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển nguồn giống cây thuốc có chất lượng cao thông qua các công nghệ nhân giống, phục tráng, nhập nội, di thực, thuần hóa cũng như chọn tạo các giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với sinh thái Lâm Đồng và Tây Nguyên. Đồng thời, nghiên cứu sâu về thành phần hóa học, dược tính của các loài dược liệu có hoạt tính cao, các loài đặc hữu của Lâm Đồng. Trong đó, tập trung phát triển một số thuốc từ dược liệu có tác dụng phòng chống ung thư, điều trị tim mạch, tiểu đường...
 
AN NHIÊN