Những người chuyên hiến máu tình nguyện

08:10, 17/10/2018

"Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" - tinh thần nhân văn ấy luôn thể hiện trong các chiến dịch hiến máu tình nguyện nhằm mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang cần máu. Và, ở huyện vùng sâu Cát Tiên mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã xuất hiện những tấm gương chuyên hiến máu cứu người đáng trân quý.

“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” - tinh thần nhân văn ấy luôn thể hiện trong các chiến dịch hiến máu tình nguyện nhằm mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang cần máu. Và, ở huyện vùng sâu Cát Tiên mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã xuất hiện những tấm gương chuyên hiến máu cứu người đáng trân quý.
 
Vợ chồng anh Phạm Văn Việt và chị Nguyễn Thị Khương. Ảnh: K.P
Vợ chồng anh Phạm Văn Việt và chị Nguyễn Thị Khương. Ảnh: K.P

Vợ chồng cùng nhau hiến máu
 
Đó là vợ chồng anh Phạm Văn Việt và chị Nguyễn Thị Khương cùng 36 tuổi, ngụ tại xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên). Đến nay, anh Việt đã có “thâm niên” 27 lần cho máu. Còn chị Khương cũng đã 17 lần hiến máu cứu người.
 
Cả anh Việt và chị Khương đều là những người con sinh ra trên vùng đất lúa Cát Tiên. Sau khi học xong THPT, anh Việt về công tác tại Đoàn Thanh niên xã Nam Ninh. Nhờ hoạt động năng nổ, anh Việt sớm được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn xã. Bằng tinh thần xung kích của tuổi trẻ, anh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) địa phương tham gia và hoàn thành tốt các hoạt động, phong trào Đoàn tại địa phương; trong đó, có việc tham gia hiến máu tình nguyện. Anh Việt tâm sự: “Lúc đầu thấy hiến máu cũng sợ, nhưng mình nghĩ phải làm gương để các ĐVTN trong xã noi theo, thế là quyết định xung phong đi hiến máu. Mình bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2007. Từ đó đến nay, mình cứ tham gia hiến máu theo định kỳ do địa phương tổ chức. Hơn nữa mình thuộc nhóm máu O nên nhiều khi có người bệnh cần gấp mình còn cho trực tiếp. Đến nay, mình đã hiến 25 lần ở huyện và 3 lần cho máu trực tiếp ở Trung tâm Y tế. Trung bình mỗi năm mình tham gia hiến máu từ 3 - 4 lần, nhưng thấy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả”.
 
Theo anh Việt, mỗi lần đi hiến máu anh đều có một cảm xúc khác nhau, nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy vui vì giọt máu của mình sẽ giúp ích cho xã hội. Cũng từ suy nghĩ đó, chị Khương đã noi theo tinh thần nhân văn của chồng mình cùng tham gia hiến máu. Chị Khương chia sẻ: “Thấy chồng hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn bình thường, thậm chí da thịt còn hồng hào hơn trước nên tôi cũng mạnh dạn đi hiến máu. Sau khi hiến vài lần, sức khỏe vẫn bình thường nên đến định kỳ là tôi và chồng lại cùng nhau đi hiến máu cứu người. Từ năm 2012 đến nay, tôi đã tham gia hiến máu 17 lần và nhất định thời gian tới vợ chồng tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu khi được huy động”.
 
Ngoài việc tham gia hiến máu, vợ chồng anh Việt, chị Khương còn vận động bạn bè, người thân trong gia đình tham gia hiến máu. Nhờ vậy, cứ mỗi đợt huyện Cát Tiên tổ chức hiến máu nhân đạo là có đến 15 - 20 người là anh em họ hàng thân thích của anh Việt, chị Khương đi cho máu. Chính nghĩa cử cao đẹp của mình, vợ chồng anh Việt, chị Khương đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng… vinh danh, tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen.
 
Hiến đến khi nào người ta không nhận nữa
 
Đó là khẳng định chắc như “đinh đóng cột” của anh Trần Đình Trọng (41 tuổi, ngụ tại Tổ dân phố 12, thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) - người đã có 25 lần hiến máu tình nguyện khi trao đổi với chúng tôi. Theo chia sẻ của anh Trọng, thì anh luôn hiểu rằng “hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp” mà mỗi người tự mình nên hưởng ứng tham gia. Đối với anh, việc hiến máu là xuất phát từ chính tấm lòng và đây là việc làm thể hiện tính nhân văn của dân tộc mà một người dân như anh cần phải đồng hành, góp sức. “Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, đang có biết bao bệnh nhân nằm trên giường bệnh cần được tiếp máu để cứu sống. Tôi vẫn biết rằng, một đơn vị máu của mình cho đi dù rất nhỏ, nhưng lại góp phần cứu sống một sinh mạng đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình người bệnh. Việc làm ý nghĩa, nhân văn như vậy, mọi người làm được thì tôi cũng làm được” - anh Trọng tâm sự.
 
Khi được chúng tôi hỏi thêm, thời gian tới anh có tham gia hiến máu nữa không, thì anh Trọng tươi cười: “Phải hiến chứ sao không! Tôi sẽ hiến máu đến khi nào người ta “chê” máu của mình không nhận nữa thì thôi”.
 
Theo anh Trọng, mặc dù anh là người cho máu và chưa một lần nhận máu, nhưng anh hiểu rằng, mỗi giọt máu đào còn quý hơn cả vàng bạc, tiền tài. Tuy nhìn qua, thấy giọt máu có vẻ nhỏ bé nhưng nó có đủ sức đem lại sự sống cho người bệnh để mang lại tương lai và hạnh phúc cho chính họ. Với suy nghĩ đó, cứ đều đặn 3 - 4 lần/năm anh Trọng tham gia hiến máu. Trong 7 năm qua, anh Trọng đã 25 lần cho máu và trở thành tấm gương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác được huyện Cát Tiên tuyên dương.
 
Bà Lưu Thị Hạ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cát Tiên khẳng định: “Từ lâu, hiến máu nhân đạo đã trở thành một phong trào rộng khắp tại địa phương. Mỗi đợt hiến máu, đều có hàng trăm người dân đăng ký tham gia. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây, Cát Tiên luôn đạt và vượt chỉ tiêu đơn vị máu được giao hàng năm. Hiện nay, toàn huyện đang có hơn 50 người có trên 10 lần hiến máu. Trong đó, vợ chồng anh Việt, chị Khương hay anh Trần Đình Trọng là những điển hình tiêu biểu trong phong trào hiến máu của huyện. Đây là những tấm gương sáng đáng để tất cả mọi người học tập, noi theo”.
 
KHÁNH PHÚC