Nhìn lại 10 năm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức

08:10, 04/10/2018

Trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, nguồn lực đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của cả đất nước. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, nguồn lực đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của cả đất nước. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.
 
Đội ngũ trí thức là người DTTS có nhiều đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và của tỉnh nói chung. Ảnh P.Nhân
Đội ngũ trí thức là người DTTS có nhiều đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội
khu vực này nói riêng và của tỉnh nói chung. Ảnh P.Nhân

10 năm nỗ lực
 
Trong 10 năm qua, với nhiều nỗ lực thực hiện nghị quyết của Trung ương, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về việc xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ trí thức đã có nhiều chuyển biến. Bởi thế, việc khuyến học, khuyến tài được thực hiện rộng rãi, mang lại hiệu quả và có sự đồng thuận cao trong nhân dân.
 
Cụ thể, nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức như đổi mới cơ chế quản lý, đánh giá và sử dụng đội ngũ trí thức; tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, văn nghệ; thực hiện các chính sách, cơ chế đãi ngộ với đội ngũ trí thức… được nghiêm túc thực hiện từ cấp tỉnh tới các đơn vị, địa phương.
 
Đơn cử như tại huyện Đạ Tẻh, ông Hồ Quốc Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Để tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng thực hiện chính sách trọng dụng trí thức. Ví dụ như trong tuyển dụng công chức, viên chức có ưu tiên đối với thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II, cấp I. Tạo môi trường công tác tốt để thu hút trí thức giỏi, quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS. Có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tổ chức các hội nghị để người đứng đầu cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng đối với những trí thức có thành tích xuất sắc trong công tác, trong các kỳ thi…
 
Lâm Đồng cũng đặc biệt chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trí thức trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng mức hỗ trợ cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh có hợp đồng lao động với học sinh, sinh viên dân tộc gốc Tây Nguyên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; phê duyệt danh sách 5 đoàn viên trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã theo Dự án 600 thuộc huyện Đam Rông; đưa 43 trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để bố trí tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quy chế xét tặng giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh, nhằm tôn vinh các nhà khoa học đã có những công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ áp dụng vào sản xuất đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
 
Kết quả đáng ghi nhận
 
Nếu như năm 2008, toàn tỉnh có trên 25 ngàn cán bộ, công chức, viên chức với 345 người có trình độ thạc sỹ trở lên, trên 7,7 ngàn người có trình độ đại học, trên 5 ngàn người có trình độ cao đẳng, trên 11 ngàn người là hội viên của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật; ngành Giáo dục & Đào đạo có 18.100 người; ngành Y tế có khoảng 3.000 người, thì đến năm 2018, tất cả các con số trên đều tăng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có gần 32.000 người (tăng 27,73%). Người có trình độ từ thạc sỹ trở lên: 744 (tăng 115,6%); người có trình độ đại học: 15.174 (tăng 94,93%);  số lượng trí thức khoa học & công nghệ là hội viên của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật: 15.127 người (tăng 46,60%). Ngành Giáo dục và Đào tạo có 24.000 người (trong đó, tiến sỹ: 7, thạc sỹ: 519, đại học: 11.063); ngành Y tế có 4.402 người (trong đó trình độ tiến sỹ: 5; thạc sỹ: 36; chuyên khoa II: 46; chuyên khoa I: 267; dược sỹ chuyên khoa I: 4; sau đại học: 69; đại học, cao đẳng: 1.725); có 2 giáo sư, 24 phó giáo sư, 89 tiến sỹ, chủ yếu tập trung tại các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Trường Đại học Đà Lạt, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện Nghiên cứu sinh học Tây nguyên... Đội ngũ này là một phần thành quả của suốt 10 năm cả xã hội bền bỉ gây dựng. Và họ đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh.
 
Bộ phận trí thức đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, trí thức làm việc trong các doanh nghiệp cũng đã chứng tỏ vị trí quan trọng của mình. Ghi nhận tại Công ty Ladophar trong việc phát huy đội ngũ trí thức. Qua 10 năm xây dựng đội ngũ trí thức, 100% cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của công ty có trình độ đại học và trên đại học. Lực lượng lao động trình độ cao này đã góp phần vào sự phát triển của công ty, đưa Ladophar từ 1 nhà máy sản xuất thuốc thành hệ thống 3 nhà máy sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng miền, đủ sức để vươn tầm quốc tế.
 
Lực lượng trí thức ở hai lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế được củng cố, tăng cường, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân, để lại dấu ấn đậm nét về vai trò của trí thức trong đời sống xã hội, bước đầu đặt nền móng căn bản cho sự phát triển giáo dục, y tế của địa phương. 
 
Đặc biệt, đội ngũ trí thức là người DTTS có nhiều đóng góp tích cực cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và của tỉnh nói chung. Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, khẳng định: Những năm qua, các cấp từ Trung ương tới địa phương dành sự quan tâm rất lớn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa dần đội ngũ cán bộ là người DTTS. Hiện, trên địa bàn Lạc Dương, cán bộ 3 cấp thôn - xã - huyện đều có sự tham gia của lực lượng này. Với địa bàn có trên 71% dân số là người DTTS như Lạc Dương, đội ngũ trí thức này thực sự là hạt nhân tập hợp sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
 
Tuy vậy, theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá của Tỉnh ủy, hiện công tác xây dựng đội ngũ trí thức vẫn còn bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa xây dựng được các giải pháp đồng bộ để xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức; lúng túng trong việc đề ra kế hoạch hoặc chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nội dung lãnh đạo, chỉ đạo còn chung chung, chưa hướng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống liên quan tới đội ngũ trí thức. Trí thức có trình độ cao chủ yếu làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, giáo dục, y tế (trên 85%) hoặc công tác quản lý, ít tham gia trực tiếp vào các nhiệm vụ khoa học; thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, kinh tế, môi trường…; đội ngũ trí thức chưa bảo đảm tính kế thừa và chuyển tiếp giữa các thế hệ; môi trường làm việc của trí thức còn một số bất cập, chưa phát huy năng lực sáng tạo trong các hoạt động; việc tập hợp và phát huy về tiềm năng của đội ngũ trí thức trong các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đạt hiệu quả cao...
 
Với Lâm Đồng, thực hiện vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã chỉ rõ:  Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nghị quyết, quan điểm của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức; tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ trí thức làm việc và cống hiến; có chính sách thỏa đáng cho đội ngũ trí thức. Đồng thời, cần phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng, trong đó cần coi trọng về mặt chất lượng; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các đề án lớn của tỉnh; tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu phát triển của địa phương.
 
N. NGÀ