Phạm Nhữ Kiều Duyên và những chuyến đi...

09:10, 04/10/2018

Mỗi người trong cuộc đời này đều có những chuyến đi. Những chuyến đi ấy để trải nghiệm về cuộc sống; chia sẻ vui buồn và có thể là hành trình tìm hạnh phúc trên mỗi cung đường ở phía trước. Cũng vì lý lẽ đó mà hơn 2 năm nay ở thôn Toa Cát, xã Ðạ Quyn, huyện Ðức Trọng có một người con gái, một người mẹ trẻ, tuổi 24 đã dành dụm hết thời gian cho những chuyến đi cho riêng mình.

Mỗi người trong cuộc đời này đều có những chuyến đi. Những chuyến đi ấy để trải nghiệm về cuộc sống; chia sẻ vui buồn và có thể là hành trình tìm hạnh phúc trên mỗi cung đường ở phía trước. Cũng vì lý lẽ đó mà hơn 2 năm nay ở thôn Toa Cát, xã Ðạ Quyn, huyện Ðức Trọng có một người con gái, một người mẹ trẻ, tuổi 24 đã dành dụm hết thời gian cho những chuyến đi cho riêng mình.
 
Kiều Duyên và con nuôi Hải Đăng bị bệnh ung thư. Ảnh: V.Quang
Kiều Duyên và con nuôi Hải Đăng bị bệnh ung thư. Ảnh: V.Quang

Nhưng những chuyến đi đó của người con gái có cái tên Phạm Nhữ Kiều Duyên không chỉ là sự trải nghiệm, hay cảm nhận của sự vui, buồn mà còn là để bữa cơm chưa no của bao mái nhà nghèo có thêm cọng rau, con cá; những đứa trò nghèo có chiếc áo ấm đến trường trong mùa giông gió và để không bao giờ phải thấy những phận nghèo gục ngã trước mặt mình. Đơn giản chỉ vậy thôi, nhưng những chuyến đi của người con gái, người mẹ trẻ, tuổi vừa 24 có nhiều điều muốn kể.
 
Hạnh phúc là cho đi
 
Mấy ngày nay cái bụng của ông Ha Ba, ở thôn Toa Cát, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng vui lắm. Vui vì đám thanh niên trong thôn gác lại chuyện nương, chuyện rẫy, chuyện tán gẫu bên ly cà phê lúc mùa vụ nông nhàn... mà xắn tay áo qua giúp ông lợp lại mái nhà, đóng lại cái vách hở trước hụt sau mấy năm rồi chịu cảnh mối mục. Bao nhiêu năm nay sống trong cảnh nghèo khó vì bầy con 6 đứa; gần 2 sào đất trồng cây cà phê thiếu nước, đói phân, không công chăm sóc và vì vợ ông - bà K’Brang mang khối u ác tính gần 10 kg hơn mười mấy năm nay nên đồng tiền chắt chiu khó nhọc ít ỏi làm ra chẳng bao giờ chịu ở lại trong nhà ông dù chỉ một ngày. 
 
Tiền không đủ để lo cuộc sống mỗi ngày cho một gia đình nghèo có tới 8 miệng ăn nói gì đến thuốc thang chữa bệnh cho vợ, chăm sóc cà phê hay lợp lại mái nhà. Vậy rồi tháng trước có cô gái còn rất trẻ đến nhà ông thăm hỏi, động viên, đưa vợ ông lên bệnh viện tuyến trên thăm khám bệnh. Rồi mới đây thôi, ở đâu nào là ván, nào là tôn, rồi còn cả đám thanh niên trong thôn mỗi đứa một tay giúp ông sửa lại mái nhà dột nát; khoác lên nhà ông những tấm ván lành lặn, đủ đầy ấm áp. “Rất cảm ơn cháu Duyên nó đã giúp đỡ cho gia đình mình, vì nghèo khổ, bệnh tật như thế này lại chỉ làm thuê, làm mướn, làm vườn chút ít cũng chỉ lo thuốc men nên biết ơn lắm” - ông Ha Ba nói.
 
Nhưng không chỉ lo sửa lại mái nhà cho Ha Ba mà những đứa trò nghèo, trẻ mồ côi thiếu cuốn vở, cây viết, không chiếc áo ấm đến trường trong mùa lạnh cũng được chị Duyên đến thăm nom, chăm sóc và chia sẻ vui buồn. Bé K’Linh, ở thôn Toa Cát, xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng còn nhớ lắm những ngày đầu biết chị Duyên cách đây 2 năm, chị Duyên ngày ngày vẫn đến nhà để hỏi bé chuyện học hành, chuyện phải biết kính trên, nhường dưới, mến mẹ cha, yêu thương mọi người như yêu thân thể mình và phải biết nói lời cảm ơn với những điều tử tế. “Con coi chị Duyên giống như là người chị gái của con. Mỗi khi gia đình con gặp khó khăn thì chị Duyên giúp đỡ tụi con nhiều” - bé K’Linh tâm sự.
 
Lời cảm ơn của những phận nghèo ở miền đất khó mà Duyên từng đến rồi đi, hay thay đổi trong cuộc sống của những cảnh đời khốn khó khiến cho những chuyến đi của Duyên trong suốt 2 năm qua dài rộng hơn. Để rồi trong những chuyến đi đó, hàng trăm lượt bạn trẻ trên dải đất hình chữ S này tìm đến Duyên, cùng khoác lên mình màu áo xanh với tên gọi chung: Phượt thiện nguyện - tiếp lửa yêu thương, giúp bao người vượt qua bất hạnh. Và từ những việc làm tử tế đó trong suốt 2 năm qua đã làm rung cảm bao trái tim biết yêu thương con người. Để bây giờ, không chỉ các bạn trẻ cùng trang lứa, cùng sở thích trong những chuyến đi, mà nhiều mạnh thường quân luôn mong muốn trở thành người đồng hành với người con gái, người mẹ trẻ, tuổi vừa 24 ấy. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, ở thôn Đà Lâm, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng chia sẻ: “Tôi rất là khâm phục, nhất là các bạn trẻ mà có những việc làm tử tế. Tôi muốn đồng hành với bạn Duyên, tuy sự đóng góp của mình còn nhỏ bé, nhưng qua đó muốn học hỏi những việc làm tốt, những việc làm tử tế để mình thêm ngưỡng mộ, mình khâm phục và làm theo chị Duyên”...
 
Dẫu có là chuyến đi cuối cùng…
 
Đã hai năm như thế - hai năm đều đặn của những chuyến đi với mong muốn chia sẻ vui buồn và tìm hạnh phúc cho những phận đời nghèo khó, bất hạnh, nhưng... có ai ngờ rằng: “Mới tuần trước con nghe mẹ chị Duyên nói, chị Duyên bị bệnh từ lâu rồi. Con rất là đau lòng vì nghe chị Duyên bị bệnh như vậy” - bé K’Linh chia sẻ.
 
Nhiều năm rồi Duyên mang bệnh, nhưng chưa một lần nào Duyên chia sẻ cùng ai, kể cả người thân trong gia đình. Ai hỏi Duyên cũng bảo: Bệnh xoàng thôi mà! Rồi mới mấy tháng trước, Duyên được bác sĩ lấy máu xét nghiệm để truyền cho bé Hải Đăng - đứa con trai 3 tuổi Duyên nhận nuôi từ lúc lọt lòng bị ung thư trực tràng; lại thêm 3 lần lấy tủy xét nghiệm, Duyên nhận được thông báo: Ung thư máu giai đoạn cuối.
 
Đối với nhiều người, đó là dấu chấm hết, là cái đích không muốn đến của những chuyến đi. Nhưng đối với Duyên, những cung đường không bằng phẳng vẫn đang ở phía trước; những phận đời thiệt thòi vẫn đang chờ Duyên và niềm vui lớn nhất trong muôn vàn nỗi buồn của chính mình là mang lại hạnh phúc cho mọi người. Vậy nên Duyên vẫn miệt mài những chuyến đi. “Khi em thấy buồn, em hay đi tới những nơi nuôi trẻ mồ côi, chăm sóc người bị bệnh tâm thần. Mình đến đó để thấy có mình chưa là gì với những nỗi đau của họ, từ đó mình có nghị lực hơn. Em nằm đây chứ không buồn lắm với căn bệnh mình đang mang, bởi vì những hoàn cảnh em giúp mà thấy họ vui là được” - Phạm Nhữ Kiều Duyên tâm sự.
 
Mấy tháng nay không còn tự mình trên chiếc xe hai bánh trong những chuyến đi xa, mà mấy tháng nay Duyên tiếp tục cuộc hành trình của mình trên chiếc xe lăn từ sự giúp đỡ của người thân khi đôi chân đã liệt vì biến chứng sau 3 lần lấy tủy. Dẫu trên chiếc xe lăn, nhưng những chuyến đi của Duyên vẫn đến đích, vẫn mang lại niềm hạnh phúc và niềm tin cuộc sống đến mọi người. Và mỗi ngày trên những chuyến đi ấy, cũng có thể là chuyến đi cuối cùng, thì điều mà Duyên mong mỏi nhất là nếu Duyên còn sống và được sống thì Duyên không muốn thấy người nghèo nào gục ngã trước mặt mình, không được đầu hàng với số phận. “Gục ngã là mình đã xem thường chính mình. Em chưa bao giờ cho phép em gục ngã cho nên những người em thương, em cũng không muốn họ gục ngã trước mặt em như vậy. Em không muốn thấy ai gục ngã để còn được thấy những điều ý nghĩa trong cuộc sống” - Kiều Duyên mong muốn.
 
Mấy ngày nay mưa gió thất thường, trên giường bệnh Duyên vẫn hỏi thăm căn nhà của chú Ha Ba đã lợp tôn, đóng vách xong chưa?; Cái u ác tính của bà K’Brang còn đau nhức không? Mấy trăm phần quà Trung thu do bạn bè gần xa đóng góp có đủ để phát cho đám trẻ dưới thôn, trên xã?... Và nhiều câu hỏi nữa Duyên dành cho mọi người để mà yên tâm, bằng lòng hơn và hạnh phúc thật nhiều... nếu lỡ ngày mai Duyên phải đến với chuyến đi cuối cùng - một chuyến đi rất dài mãi mãi... “Cho dù ngày mai sau giấc ngủ mình không còn thức dậy được nữa, nhưng như vậy thôi thì mình đã may mắn lắm rồi. May mắn vì được làm con của ba mẹ, được làm mẹ của rất nhiều đứa nhỏ, được có người thương mình… nên không có gì nuối tiếc đâu. Và bởi những việc mình muốn làm thì đã làm hết rồi”, Kiều Duyên tâm sự.
 
Ghi chép: VĂN QUANG