Phát huy vai trò giám sát của Hội Phụ nữ

09:10, 29/10/2018

Những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã phát huy vai trò giám sát các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. Năm 2018, Hội đã giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bình đẳng giới.

Những năm gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã phát huy vai trò giám sát các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ. Năm 2018, Hội đã giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bình đẳng giới.
 
Việc tiểu thương phân chia thịt heo dưới sàn chợ không đảm bảo ATTP. Ảnh: A.Nhiên
Việc tiểu thương phân chia thịt heo dưới sàn chợ không đảm bảo ATTP. Ảnh: A.Nhiên

Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đây là năm thứ tư Hội thực hiện quy định về giám sát, phản biện xã hội nên đã tiếp cận dần phương pháp, cách làm việc để thực hiện hiệu quả công tác này. Ngay từ đầu năm, Trung ương Hội hướng dẫn chủ đề, trên cơ sở chủ đề đó Hội đăng ký với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh để tổng hợp chung thành chương trình giám sát của UBMTTQVN tỉnh và đoàn thể. Việc giám sát có tính hệ thống, theo quy trình nên không trùng lắp nội dung. Năm 2019, chuẩn bị Đại hội Đảng và nhân sự cho HĐND các cấp, Trung ương Hội đã hướng dẫn nội dung giám sát tập trung vào công tác cán bộ nữ, do đó, Hội đã đăng ký nội dung này với UBMTTQVN tỉnh để năm tới tiến hành giám sát.
 
Trước đó, năm 2017, Hội đã giám sát về thực hiện vấn đề giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cụ thể giám sát hoạt động khai thác cát làm biến đổi dòng chảy các dòng sông trên địa bàn tỉnh. Sau khi giám sát, Hội đã có đề xuất, kiến nghị các cấp để có giải pháp khắc phục các tồn tại. 
 
Năm 2018, Hội LHPN tỉnh chủ trì thành lập đoàn giám sát liên ngành theo chủ đề trên. Đoàn đã giám sát 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống theo Luật ATTP. Qua giám sát, phát hiện còn một số cơ sở sản xuất chả giò sử dụng chất phụ gia chưa đảm bảo ATTP (có 3 cơ sở ở Lâm Hà và 6 cơ sở ở Bảo Lâm). Giám sát ATTP tại 3 chợ huyện ghi nhận một số tồn tại như chưa vận động tiểu thương ký cam kết thực hiện vệ sinh ATTP và tổ chức tập huấn kiến thức ATTP, chưa thiết lập đường dây nóng để người tiêu dùng giám sát việc thực hiện ATTP và báo tin về hàng giả, hàng lậu lưu hành tại chợ.
 
Giám sát công tác quản lý chỉ đạo về ATTP tại 3 địa phương: Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai; đoàn ghi nhận các huyện đều thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành hoạt động đúng quy định, trung bình 4 đợt/năm. Tại Đạ Huoai, đã kiểm tra 1.146 cơ sở, phát hiện 454 cơ sở vi phạm và bị nhắc nhở. Qua kiểm tra, đã tiêu hủy sản phẩm của 319 cơ sở vi phạm trị giá hơn 26 triệu đồng và phạt 15 cơ sở 32,5 triệu đồng. Huyện Bảo Lâm kiểm tra 414 cơ sở, nhắc nhở 155 cơ sở khắc phục tồn tại, 21 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm. Huyện Lâm Hà kiểm tra 849 cơ sở, có 101 cơ sở vi phạm ATTP bị nhắc nhở, xử lý vi phạm 7 cơ sở. Nhận định của đoàn giám sát về công tác xử lý của các địa phương đối với các cơ sở vi phạm ATTP chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở, việc xử phạt còn hạn chế nên hầu hết các cơ sở chưa chấp hành tốt việc đảm bảo ATTP. 
 
Năm 2018, Hội cũng đã thành lập đoàn giám sát về công tác hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, đảm bảo bình đẳng giới. Nội dung giám sát về việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho phụ nữ DTTS, một số chính sách hỗ trợ các hộ DTTS ở xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn. 
 
Đoàn giám sát ghi nhận huyện Đạ Huoai đã hỗ trợ giống, vật nuôi cho 233 hộ DTTS, xây 6 căn nhà cho phụ nữ DTTS, tín chấp cho hộ DTTS vay Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 44 tỷ đồng; giải quyết đất sản xuất cho 669 hộ thiếu đất sản xuất. Hiện nay còn 75 hộ thiếu đất sản xuất do mới tách hộ, di cư từ nơi khác đến mà huyện không có quỹ đất để bố trí. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất đúng quy định, cấp thẻ BHYT hộ nghèo, cận nghèo, vùng khó khăn đạt 100%, cấp 1.592 thẻ BHYT cho người dân vùng khó khăn. Hỗ trợ 10 triệu đồng cho 5 phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39 của Chính phủ tại xã Đạ Ploa, xã Đoàn Kết.
 
Huyện Bảo Lâm thực hiện tốt việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào, hỗ trợ mua sắm máy móc công cụ sản xuất cho 165 hộ hơn 1,1 tỷ đồng do Trung ương đầu tư, còn 285 triệu đồng tỉnh cho chuyển vốn để sửa chữa giếng Thôn 2, xã Lộc Bảo. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 644 hộ với 258,73 ha tại các xã Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Ngãi, Lộc Thắng. UBND huyện Bảo Lâm kiến nghị tỉnh chấp nhận vị trí, diện tích, ranh giới toàn bộ diện tích đã khảo sát, khoanh vẽ (137,59 ha) và giao cho huyện bố trí đất sản xuất cho hộ nghèo, thiếu đất và 176 hộ DTTS đang sinh sống tại Thôn 2 và Thôn 3, xã Lộc Bảo theo chỉ đạo của tỉnh tại Văn bản số 2885/UBND ngày 16/5/2018.
 
UBND huyện Lâm Hà hỗ trợ đất sản xuất cho 132 hộ thiếu đất tại xã Mê Linh, được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất theo quy định. Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 614 hộ DTTS các xã Phúc Thọ, Tân Thanh, Đạ Đờn, Mê Linh, Đan Phượng, Đinh Văn với kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo cho 22 hộ, có 5 mô hình nuôi nấm Linh chi tại các xã Đạ Đờn, Mê Linh, Đinh Văn với 330 triệu đồng (66 triệu đồng/mô hình). Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho 100 hộ DTTS với 270 triệu đồng.
 
Qua giám sát, Hội LHPN tỉnh nhận thấy địa phương chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ phụ nữ DTTS phát huy vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vai trò cán bộ nữ DTTS chưa được phát huy, chưa quan tâm đúng mức tỉ lệ cán bộ DTTS và cán bộ nữ DTTS. Công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS xóa bỏ cách thức canh tác, sản xuất lạc hậu, áp dụng KHKT vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình còn hạn chế. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, trở về làng cũ, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp ở Lâm Hà và tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, ly hôn vẫn còn diễn ra ở Bảo Lâm.
 
AN NHIÊN