Tăng cường quản lý trật tự xây dựng

08:10, 03/10/2018

Trong những ngày cuối tháng 9, Sở Xây dựng Lâm Ðồng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước cho cán bộ cấp xã và doanh nghiệp toàn tỉnh; cùng đó là hội nghị giao ban các sở xây dựng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. 

Trong những ngày cuối tháng 9, Sở Xây dựng Lâm Ðồng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước cho cán bộ cấp xã và doanh nghiệp toàn tỉnh; cùng đó là hội nghị giao ban các sở xây dựng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Ðồng Lê Quang Trung, trong tỉnh, hầu hết các địa phương không nắm được kiến thức về quản lý xây dựng và phát triển đô thị; có đến 57% công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD). 
 
Vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 22 đường Hùng Vương, Đà Lạt, buộc lãnh đạo UBND tỉnh phải chỉ đạo xử lý. Ảnh: M.Đ
Vi phạm trật tự xây dựng tại số nhà 22 đường Hùng Vương, Đà Lạt, buộc lãnh đạo UBND tỉnh phải chỉ đạo
xử lý. Ảnh: M.Đ

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 15 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh; 1 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Theo định hướng tại Quyết định 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 của Thủ tướng, giai đoạn 2016-2020 sẽ nâng cấp 4 thị trấn (Di Linh, Đinh Văn, Lộc Thắng, Mađaguôi) lên đô thị loại IV. Việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị còn hạn chế, mới chỉ đạt tỷ lệ chung khoảng 40% và tỷ lệ đô thị hóa khoảng 39%.
 
Nói đến đô thị là nói đến việc quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Bao gồm, các hệ thống về công trình giao thông, thông tin liên lạc, công trình cấp điện và chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải; các hệ thống khác như công trình ngầm; cây xanh, mặt nước; nghĩa trang; biển báo, tín hiệu. Trách nhiệm và quyền hạn quản lý hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã đã được các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể đối với chính quyền cấp xã (Thông tư 20/2008/TTLT/BXD-BNV, ngày 16/12/2008 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ) và chính quyền cấp huyện (Nghị định 14/NĐ-CP ngày 4/2/2008 và Nghị định 12/2010/NĐ-CP của Chính phủ). 
 
Trong những chuyên đề mà các cán bộ và doanh nghiệp được tập huấn, lĩnh vực quản lý TTXD hết sức quan trọng; cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của tỉnh về lĩnh vực xây dựng. Tại buổi làm việc ngày 8/6/2017 với Sở Xây dựng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến cũng chỉ đạo ngành này phối, kết hợp với các địa phương tổ thức kiểm tra, giám sát về quản lý TTXD. Vào tháng 3 và tháng 9/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND thành phố Đà Lạt về tăng cường công  tác quản lý TTXD, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Đà Lạt… 
 
Ngày 26/9/2018, tại đợt bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 cho cán bộ các huyện, thành phố, Giám đốc Lê Quang Trung tiếp tục khẳng định: Việc quản lý TTXD trên địa bàn là trách nhiệm của địa phương. Trong đó, vai trò của chủ tịch cấp xã là đôn đốc, kiểm tra tình hình TTXD trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm TTXD theo thẩm quyền…
 
Từ ngày 15/1/2018, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở có hiệu lực thi hành. Theo đó, có các mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm cụ thể; trong đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng… Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Các cán bộ, nhân viên cấp xã và doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng đã được đại diện Bộ Xây dựng trực tiếp tập huấn cụ thể từ việc nhận diện hành vi vi phạm trật tự xây dựng; các hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế đến quy trình kiểm tra, lập biên bản; quy trình xử lý, xử phạt…
 
Cũng tại buổi tập huấn, ông Lê Quang Trung đã thẳng thắn nêu lên thắc mắc và cho biết sẽ phải trả lời với lãnh đạo tỉnh một vấn đề là: Từ tháng 6/2018 đến nay, Sở tăng cường cho thành phố Đà Lạt 2 cán bộ thanh tra nhưng kết quả thay vì giảm tình hình vi phạm trong TTXD thì lại tăng lên (?). Ông cho biết, “Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn-nghiệp vụ thanh, kiểm tra một số vụ vi phạm điển hình tại một số địa bàn trong tỉnh. Đặc biệt, những vi phạm có liên quan đến cán bộ thực thi công vụ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Những tồn tại đã và đang xảy ra tại các địa bàn theo Giám đốc Lê Quang Trung là: Có trường hợp phát hiện vi phạm nhưng không lập biên bản và xử lý; có trường hợp vi phạm 2 hành vi nhưng chỉ lập 1 hành vi để xử lý… Tuy nhiên, qua thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, có những công trình vi phạm về TTXD đã được cơ sở phản ánh nhưng cuối cùng do những tác động từ trên nên công trình vi phạm vẫn tồn tại (!). Vì vậy, để quản lý xây dựng và phát triển đô thị đúng pháp luật, trong đó đặc biệt là quản lý TTXD, ngoài việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của người thực thi còn rất cần sự đồng bộ và nhất quán từ nhiều cấp quản lý nhà nước.
 
MINH ÐẠO