"Vẽ" tương lai từ trong nghèo khó

09:10, 05/10/2018

Từ khi lọt lòng mẹ, em đã không biết mặt cha. Suốt 18 năm qua, hai mẹ con đùm bọc nhau vượt lên bao nghịch cảnh trong cuộc sống. Ngày em đậu đại học, niềm vui của mẹ vỡ òa kèm theo đó là những lo toan chuyện tiền nong cho em nhập học. 

Từ khi lọt lòng mẹ, em đã không biết mặt cha. Suốt 18 năm qua, hai mẹ con đùm bọc nhau vượt lên bao nghịch cảnh trong cuộc sống. Ngày em đậu đại học, niềm vui của mẹ vỡ òa kèm theo đó là những lo toan chuyện tiền nong cho em nhập học. 
 
Về đến nhà là Việt lại phụ mẹ những công việc hàng ngày. Ảnh: Đ.A
Về đến nhà là Việt lại phụ mẹ những công việc hàng ngày. Ảnh: Đ.A

Vẫn biết khó khăn là thế, nhưng chưa một lần em hay mẹ từ bỏ ước mơ học hành. Đấy là câu chuyện của mẹ con chàng tân sinh viên Trần Quốc Việt  như một chuyện cổ tích giữa đời thường khi họ biết “vẽ” tương lai từ chính sự nghèo khó hiện tại.
 
“Nhiều bữa đi học về muộn nhưng thấy mẹ vẫn chưa về, em sợ mẹ đi làm rồi có chuyện gì nên vội chạy ra chỗ làm của mẹ. Những lúc đó em thấy mẹ oằn mình vác gạch cực quá, em thương mẹ vì em mà cực khổ quá” - câu chuyện của Việt cứ xoay quanh nỗi nhọc nhằn của mẹ như thế. Nỗi lo ấy theo cậu suốt những ngày học phổ thông cho đến hiện tại khi đã trở thành sinh viên Khoa Kỹ thuật Máy tính Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Nhập học được vài tháng nhưng bất cứ khi nào có dịp là em lại về với mẹ. Bởi, em lo sợ “mẹ ở một mình buồn lắm, đi làm về trễ không ai nấu cơm sẵn cho ăn, đau bệnh lại không có ai chăm lo”. Còn mẹ em, bà Trần Thị Oanh cũng không kém lo khi con mình lần đầu tiên lên thành phố học còn “lạ nước lạ cái” nên mỗi ngày đi làm về bà đều gọi điện hỏi thăm, dặn dò.
 
Trong căn nhà nhỏ được làm từ lâu lắm rồi ở xã Đạ Mri (huyện Đạ Huoai), từ ngày Việt nhập học, bà Oanh cứ thui thủi một mình. Chiếc ti vi, tài sản duy nhất trong nhà, cũng đã hỏng mất nên đêm về bà gọi điện cho con xong là đi ngủ sớm. Ngày ngày đi làm phụ hồ, công việc nặng nhọc đã vắt kiệt sức của người phụ nữ nặng chưa đầy 40 kg này. “Biết là nặng nhọc nhưng làm được nhiều tiền hơn những công việc khác nên mình phải cố. Bây giờ mà không cố thì lấy tiền đâu mà lo chuyện ăn uống, học hành cho con”. Nói rồi, bà Oanh đưa ngón tay cái sưng vù ra do bị dập khi uốn cây sắt. Với bà, vết thương ấy chỉ là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày không đáng lo, điều bà lo nhất vẫn làm sao để có đủ tiền trang trải cho con học đến nơi đến chốn.
 
Bà Oanh tâm sự: “Từ khi sinh ra nó đã không biết mặt cha, hai mẹ con cứ thế nương nhau mà sống. Ðiều mình mong muốn nhất vẫn là làm sao để lo cho con ăn học, lo cho con có tương lai, còn mình khổ như thế nào cũng chịu được”. 
 
Bù lại nỗi lo và sự cực khổ của mẹ là thành tích cao trong học tập suốt 12 năm phổ thông và kết quả đậu đại học của Việt. Đăng ký nguyện vọng vào 2 trường đại học có danh tiếng và Việt đã trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghệ thông tin. Ngày nhập học, số tiền đóng học 5,6 triệu đồng phải được mẹ dành dụm nhiều tháng trời mới đủ. Việt chia sẻ: “Lúc em đậu đại học, mẹ em vui lắm và em cũng vui lắm. Mẹ cứ động viên em cố gắng học đi, còn thiếu thốn gì thì cứ để mẹ lo. Công việc của mẹ em nặng nhọc lắm, suốt ngày cứ phải bưng bê gạch đá, trộn hồ vữa. Những lúc trời mưa, nước mưa ngấm vào người khiến mẹ bị bệnh mấy ngày nhưng mẹ vẫn đi làm. Ngay cả chủ nhật, ngày lễ mẹ cũng không nghỉ mà kiếm thêm việc để làm. Điều em lo lắng nhất khi đi học xa nhà là hồi trước em còn phụ giúp mẹ được phần nào nhưng giờ xa nhà rồi em cứ đau đáu mẹ ở nhà một thân một mình có tự lo được cho mình hay không, lúc ốm đau không biết mẹ có tự chăm sóc mình được không. Từ ngày đi học xa nhà, chi phí đối với mẹ là quá nặng nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ học mà càng cố gắng trên con đường học tập của mình”. 
 
Rời Huế vào Đạ Huoai từ năm 1995, khi đó, bà Oanh đã phải vất vả đi rừng kiếm măng, kiếm củi để lo cho cuộc sống hàng ngày. Vất vả bao năm, bà cũng phát được ít vườn rẫy nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải bán đi. Từ khoảng chục năm trước, bà Oanh phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi con đi học và trang trải cuộc sống gia đình. Suốt những năm cấp 3, thấy mẹ cực quá nên mỗi tuần khi nào được nghỉ học, Việt lại vào nhà cậu ở tận xã Đoàn Kết để phụ việc tiện gỗ kiếm thêm tiền phụ mẹ, hoặc hàng xóm quanh nhà có việc gì cần thì em cũng xin làm. Mấy ngày về thăm nhà, sự lo lắng cho mẹ cứ như nhiều hơn bởi em biết rằng rồi đây những ngày tháng xa nhà của em sẽ khiến mẹ buồn hơn khi phải sống một mình. Việt chia sẻ: “Em ước mơ sẽ trở thành một người lập trình giỏi để em kiếm nhiều tiền để chăm lo cho mẹ lúc về già vì mẹ đã cực khổ quá rồi”. Rồi đây, ước mơ ấy sẽ sớm trở thành hiện thực và một tương lai tươi sáng sẽ được mở ra cho Việt, cho mẹ Việt sau những chuỗi ngày gian nan, vất vả.
 
ÐÔNG ANH