Đạ Sar và nỗi lo tái nghèo

08:10, 03/10/2018

Ðích đến của xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nội dung quan trọng được các địa phương quan tâm, ưu tiên triển khai. Tuy nhiên, từ các yếu tố chủ quan và khách quan, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rình rập ở nhiều địa phương. 

Ðích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nội dung quan trọng được các địa phương quan tâm, ưu tiên triển khai. Tuy nhiên, từ các yếu tố chủ quan và khách quan, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rình rập ở nhiều địa phương. 
 
Vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăm lo sản xuất là hướng đi để giảm nghèo bền vững ở Đa Sar. Ảnh: N.Ngà
Vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăm lo sản xuất là hướng đi để giảm nghèo bền vững ở Đa Sar. Ảnh: N.Ngà
Xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ mà Đảng ủy xã Đa Sar xác định là mục tiêu, biện pháp cần tiến hành kiên trì, bền bỉ trong một thời gian dài. Đó là nhiệm vụ quan trọng để vừa nâng cao chất lượng đời sống người dân, vừa phát triển và ổn định xã hội.
 
Theo thông tin từ UBND xã Đa Sar, năm 2012, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đa Sar có 5 tiêu chí. Toàn xã tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ là 12,23%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 13 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn 3,39%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,1 triệu đồng/người/năm. Năm 2017, Đa Sar đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với 39 nội dung. Trong đó, nổi bật một số lĩnh vực như: Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến mạnh mẽ, từ độc canh cây cà phê với lối sản xuất manh mún, thời vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết chuyển qua đa dạng hóa cây trồng, phá thế độc canh cây cà phê, tăng đầu tư để nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, người dân đã biết liên kết với doanh nghiệp trồng rau hoa thương phẩm. Từ 18 hộ sản xuất ban đầu với 4 ha liên kết với doanh nghiệp, nay đã có 130 hộ chuyển đổi với diện tích 40 ha... Hiện tại, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6,4%, thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Theo đánh giá của Huyện ủy Lạc Dương, đây là một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM ở Đa Sar. 
 
Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar khẳng định: “Công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng ủy xã vô cùng chú trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố mang tính quyết định cho sự đồng thuận của người dân trong xây dựng NTM. Việc đầu tư, hỗ trợ công tác giảm nghèo được lồng ghép bằng nhiều nguồn vốn. Phân công các hội, đoàn thể phụ trách từng hội, từng thôn để thực hiện nhiệm vụ đồng hành cùng bà con phát triển kinh tế. Cùng với đó, hàng năm, Đảng ủy xã còn chỉ đạo kịp thời và sâu sát đôn đốc việc hỗ trợ bà con đăng ký thoát nghèo... Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa cao nguy cơ tái nghèo của người dân vẫn còn tồn tại”.
 
 Theo lý giải của Bí thư xã này, nỗi lo tái nghèo của xã tồn tại bởi nhiều lý do: người dân sản xuất còn phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường; thu nhập không cao và không có tài sản tích lũy; tư liệu và trình độ sản xuất của người dân còn thấp; hộ nghèo trên địa bàn xã chủ yếu là người DTTS và khả năng phát huy các nguồn hỗ trợ chưa cao; việc sinh đông con và những tai họa bất ngờ như lũ lụt, cháy nhà, tai nạn... cũng là một trong những yếu tố khiến các hộ rơi vào cảnh tái nghèo. Bởi vậy, việc giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ rất khó.
 
Trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Đa Sar, nội dung giảm nghèo bền vững được Đảng ủy xã chú trọng và triển khai thực hiện. Theo đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo địa phương lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án giảm nghèo bền vững; bố trí, huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, gắn với triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.
 
Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Liêng Jrang Ha Rô Ki - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Sar nói: Thời gian qua, có rất nhiều nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, hàng loạt chính sách được ban hành để triển khai thực hiện công tác này. Có thể kể đến các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương như các chương trình: 132,134, 134, 135, 167; Nghị quyết 30a, các nghị quyết của Tỉnh ủy, văn bản của UBND tỉnh, nghị quyết và văn bản cấp huyện, cấp xã... Khi các nghị quyết, chương trình được triển khai ở cơ sở, hộ nghèo được hưởng lợi trực tiếp thông qua hỗ trợ mọi điều kiện về sản xuất, y tế, giáo dục, điều kiện sinh hoạt thiết yếu...
 
Để các chương trình hỗ trợ này phát huy hiệu quả, Đảng ủy xã đã đề ra phương hướng để cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực vận động, hỗ trợ sản xuất giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tập trung rà soát, hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo. Và, hướng đi mới của Đa Sar là hạn chế cho không đối với hộ nghèo, tập trung tác động vào ý thức người nghèo để họ tự thoát nghèo bằng chính sức mình, hỗ trợ tập trung vào sinh kế bền vững với sự trợ giúp từ chính sách. “Do có 100% hộ nghèo trên địa bàn xã là người DTTS, bởi vậy, cách làm này nhằm để bà con hiểu phải tự giác vươn lên chứ không phải cứ trông chờ ỷ lại việc kêu đói là đem gạo đến cho ăn, kêu thiếu mà mang tiền tới giúp như trước nay vẫn làm. Mục đích là để người dân hiểu và xem các chương trình hỗ trợ là động lực, là bàn đạp vươn lên thoát nghèo”, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.
 
Có thể nói, những nỗ lực trong tuyên truyền, vận động người dân nhằm hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà phải chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo, tạo lập cuộc sống ấm no, là mục tiêu và cái đích hướng đến trong thực hiện công tác giảm nghèo ở Đa Sar, để không còn canh cánh nỗi lo... tái nghèo.
 
N. NGÀ