Ðơn Dương: Những bước tiến dài trong hành trình giảm nghèo

08:10, 17/10/2018

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được xác định là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, sau khi về đích nông thôn mới năm 2015, huyện Ðơn Dương tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Nửa chặng đường đã trôi qua, Ðơn Dương đã có thêm những bước tiến dài trong hành trình giảm nghèo bền vững.
 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được xác định là chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015, huyện Ðơn Dương tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Nửa chặng đường đã trôi qua, Ðơn Dương đã có thêm những bước tiến dài trong hành trình giảm nghèo bền vững.
 
Đầu tư vào sản xuất là hướng đi mà các xã ở huyện Đơn Dương chọn để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giảm nghèo. Ảnh: N.Ngà
Đầu tư vào sản xuất là hướng đi mà các xã ở huyện Đơn Dương chọn để sử dụng có hiệu quả
các nguồn vốn giảm nghèo. Ảnh: N.Ngà

Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
 
“Không chỉ đưa mục tiêu giảm nghèo vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, hàng năm, UBND huyện Đơn Dương còn xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện việc giảm nghèo, lấy đó làm cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giao trách nhiệm cho các xã, nhất là những xã khó khăn trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương nói.
 
Đối tượng hưởng lợi từ các chương trình giảm nghèo là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn…; ngoài ra, còn bổ sung thêm đối tượng như hộ mới thoát nghèo, nhằm giúp họ giảm nghèo một cách bền vững, không tái nghèo.
 
Từ kế hoạch chung của huyện, các xã đã triển khai chương trình giảm nghèo phù hợp với tình hình địa phương. Cụ thể, tại xã Próh, ông Trần Thiện Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo của xã bám sát kế hoạch để theo sát các thôn. Sau khi các hộ nghèo, cận nghèo được nhận các nguồn vốn hỗ trợ, thành viên ban giảm nghèo đôn đốc, hướng dẫn bà con sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng cho mục đích phát triển của từng hộ. Ngoài ra, xã còn huy động được sự hỗ trợ của các đơn vị và nhân dân trong xã tạo thành nguồn lực tổng hợp cho chương trình giảm nghèo. Nhờ vậy nên kết quả giảm nghèo có nhiều chuyển biến. Nếu như năm 2016, Próh có 270 hộ nghèo (chiếm 19,62%), trong đó có 209 hộ nghèo người DTTS (chiếm 24,65%) thì đến giữa năm 2018 số hộ nghèo còn 84 hộ (chiếm 5,85%), hộ nghèo người DTTS còn 68 hộ (chiếm 7,67%)”.
 
Còn tại xã Tu Tra, ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho rằng: “Việc Tu Tra đặc biệt chú trọng hỗ trợ cho người nghèo thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hướng đi đúng. Bởi ở khu vực này nhiều hộ chưa tự vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Đồng thời, Tu Tra đầu tư giảm nghèo có trọng điểm. Xã triển khai cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo hàng năm và tổ chức các hộ dân trong thôn họp chọn ra những hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để đầu tư. Đa phần các lĩnh vực đầu tư phù hợp với tình hình thực tế về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm… Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân trong xã đồng thuận cao trong việc thực hiện phương án tập trung tất cả các nguồn hỗ trợ để tăng thêm động lực giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Năm 2016, Tu Tra có 210 hộ nghèo, tỷ lệ 8,19%; đến hết tháng 9/2018 xã còn 73 hộ nghèo, chiếm 2,81%”.
 
Còn tại xã Lạc Lâm, qua công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm, nguyên nhân dẫn đến nghèo tập trung chủ yếu do thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất…; bởi vậy xã này tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất. Nhờ vậy, các hộ đã có ý thức tự vươn lên, sử dụng nguồn vốn hợp lý để mở rộng sản xuất. Chị Phan Thị Diễm - thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm phấn khởi nói: “Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ mà bà con có thêm vốn chuyển qua trồng rau, kinh tế được cải thiện, đời sống khá hơn trước đây nhiều”. Năm 2016, 2017 bà con nông dân xã Lạc Lâm gieo trồng 1.225 ha rau thương phẩm, trong đó có 60 ha rau được trồng trong nhà kính, 210 ha rau được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israrel, ngoài ra còn có 310 ha rau được sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Tổng sản lượng rau thương phẩm của bà con nông dân xã Lạc Lâm đưa ra thị trường trong năm 2017 đạt 24.500 tấn, trong đó các loại rau cao cấp đạt 2.400 tấn. Nhiều hộ nông dân ở xã Lạc Lâm đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt nhà kính, nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất các loại rau cao cấp cung cấp cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân tăng nhanh từ 51 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 lên 54,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 và đạt 60,8 triệu đồng/người/năm trong năm 2018 - cao nhất huyện Đơn Dương. 
 
Không chỉ ở Próh, Tu Tra, Lạc Lâm mà tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tập trung nguồn lực, thực hiện giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình địa phương đã giúp Đơn Dương đẩy lùi dần những con số hộ nghèo.
 
Những bước tiến dài
 
Theo thống kê từ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đơn Dương, từ năm 2016 tới nay, nguồn vốn Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn đặc biệt khó khăn được bố trí trên 9 tỷ đồng. Từ đó, đã có 30 công trình được đầu tư. Trong đó, có 27 công trình đầu tư mới, 3 công trình duy tu bảo dưỡng do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Nguồn vốn trên đã tạo nên cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn đặc biệt khó khăn như giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế... Tỷ lệ có điện lưới Quốc gia đến các thôn đạt 100%; tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 100% và đạt phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ mức độ 2. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đã góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho hàng hóa thông thương, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình giảm nghèo của địa phương.
 
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các thôn đặc biệt khó khăn cũng được bố trí gần 2 tỷ đồng cho 188 hộ thụ hưởng, trong đó có 187 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư chủ yếu là phân bón, máy nông nghiệp, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; nguồn vốn truyền thông và giảm nghèo về thông tin chương trình về vay vốn ưu đãi, tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất cho học sinh sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được thực hiện. Cụ thể, năm 2016 - 2017, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho vay 3.918 hộ từ nguồn vốn ưu đãi, với tổng số tiền là 110.073.000.000 đồng.
 
Nhờ vậy, Đơn Dương đã có được những bước tiến dài trong hành trình giảm nghèo. Vào đầu năm 2016, huyện có trên 1.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,32%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 780 hộ, chiếm tỷ lệ 12,73%. Qua triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo đến giữa nhiệm kỳ 2016 - 2020, toàn huyện hộ nghèo giảm được 748 hộ, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 381 hộ, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 3,31%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm 6,39%. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện giảm bình quân hàng năm là 1,66%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,2%, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
 
Những chính sách giảm nghèo đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, song đó chỉ là động lực, là bàn đạp thúc đẩy. Bởi yếu tố quyết định vẫn nằm ở chính khả năng phát huy nội lực của người dân. Việc thay đổi nhận thức, tư duy, khơi dậy ý chí thoát nghèo từ chính người dân được xem là kế sâu rễ, bền gốc để thoát nghèo bền vững.
 
NGỌC NGÀ