Ðơn Dương: Ðể người dân hài lòng về cải cách hành chính ở cơ sở

08:10, 09/10/2018

Một cuộc khảo sát ý kiến của người dân về cải cách hành chính ở các xã, thị trấn tại Ðơn Dương trong năm 2017 vừa qua cho thấy, chính quyền cơ sở cần tiếp tục cải thiện nhiều điều để người dân hài lòng về nền hành chính.

Một cuộc khảo sát ý kiến của người dân về cải cách hành chính ở các xã, thị trấn tại Ðơn Dương trong năm 2017 vừa qua cho thấy, chính quyền cơ sở cần tiếp tục cải thiện nhiều điều để người dân hài lòng về nền hành chính.
 
Tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận một cửa xã Quảng Lập - Đơn Dương. Ảnh: V.Trọng
Tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận một cửa xã Quảng Lập - Đơn Dương. Ảnh: V.Trọng

Cùng với việc đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) các huyện - thành trong tỉnh, mỗi huyện - thành hằng năm cũng tiến hành đánh giá chỉ số CCHC cấp xã tại các xã, phường, thị trấn của mình. 
 
Như mục tiêu đặt ra, việc đánh giá nhằm giúp các huyện - thành xem xét một cách thực chất, khách quan kết quả thực hiện CCHC hằng năm của cấp xã; chỉ ra những ưu điểm, tồn tại, hạn chế; kịp thời đề ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác CCHC từ cấp cơ sở tại địa phương.
 
Tương tự như cách đánh giá CCHC đối với cấp huyện - thành, các xã - phường - thị trấn trong tỉnh theo qui định cũng phải tự đánh giá đối với 50/53 tiêu chí thành phần để xác định 70/100 điểm. Điểm tự đánh giá này sau đó được một tổ thẩm định của UBND các huyện - thành xem xét, chấm điểm lại một cách cẩn thận. 
 
Với 30 điểm còn lại sẽ được xác định thông qua khảo sát ý kiến người dân - “điều tra xã hội học”. Thông qua một bảng câu hỏi được ngành chức năng huyện gửi đến qua bưu điện, những người được khảo sát là người dân và tổ chức trong năm đã tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) của UBND các xã - phường - thị trấn trên địa bàn. 
 
Các ý kiến người dân sau đó được gửi trả lại cho ngành chức năng, huyện sẽ căn cứ vào đó để chấm điểm hài lòng. Điểm hài lòng này được cộng lại cùng với điểm tự đánh giá của xã - phường đã qua thẩm định của huyện để có tổng điểm (mức cao nhất là 100 điểm) và xếp hạng CCHC cho từng xã - phường - thị trấn của mình. 
 
Xã nào dẫn đầu 2017 tại Ðơn Dương? 
 
Kết quả xác định chỉ số CCHC cấp xã của Đơn Dương năm 2017, công bố trong giữa năm 2018 vừa qua cho thấy Quảng Lập với tổng số điểm đạt được là 89,87, chính là xã dẫn đầu huyện. Kế đến trong bảng tổng sắp này là thị trấn Thạnh Mỹ với 89,84 điểm; đứng thứ ba là xã Ka Đô với 88,74 điểm. Thấp nhất trong bảng xếp hạng là xã Lạc Xuân, đứng 10/10 xã - thị trấn của huyện với 85,28 điểm. 
 
Điều đáng nói, Quảng Lập chính là địa phương trong vài năm nay luôn dẫn đầu tại Đơn Dương về chỉ số CCHC. Năm 2016, xã này đứng đầu huyện với 83,93 điểm.
 
Thống kê cho biết chỉ số CCHC bình quân năm 2017 của cấp xã tại Đơn Dương đạt mức 87,65 điểm, tăng trên 5 điểm so với năm 2016. Toàn huyện có 5 xã - thị trấn trên mức điểm bình quân này, 1 xã đạt ngang mức bình quân và 4 xã thấp hơn chỉ số bình quân. 
 
Với Quảng Lập, trong bảng điểm chỉ số thành phần theo 7 lĩnh vực (gồm công tác chỉ đạo điều hành về CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; đổi mới cơ chế quản lý hành chính công; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông), dù chỉ dẫn đầu duy nhất 1 lĩnh vực, nhưng có đến 5 lĩnh vực còn lại xã này đều về nhì nên tổng điểm cộng chung lại đã vượt lên các xã - thị trấn khác trong huyện.
 
Người dân phản ánh gì? 
 
Nếu ở 7 lĩnh vực được chấm điểm trên phần nào tùy thuộc vào năng lực tự thân của hệ thống chính quyền xã - thị trấn thì kết quả điều tra xã hội học lại phản ánh khá khách quan về cách nhìn của người dân, tổ chức về CCHC. Nói cách khác, kết quả này phản ánh được việc người dân có hài lòng hay không về cách thức hệ thống hành chính vận hành.
 
Trong tổng cộng 2.375 phiếu điều tra gửi đến các tổ chức và người dân trên địa bàn 10 xã - thị trấn của huyện trong năm nay, ngành chức năng đã thu về được 2.197 phiếu hợp lệ, đạt tỷ lệ 92,5%. 
 
Trong 8 câu hỏi của bảng điều tra trên, có những câu hỏi đề nghị người dân đánh giá về sự tận tình, chu đáo của công chức khi làm thủ tục hành chính; có giải thích đơn giản, dễ hiểu không; có gây khó khăn, có vòi vĩnh gì không? 
 
Kết quả điều tra tại Đơn Dương đã cho thấy tỷ lệ trên 80% người dân và tổ chức hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã - thị trấn của huyện. Xã đạt sự hài lòng cao nhất tại Đơn Dương trong năm 2017 chính là Đạ Ròn với 90,5 điểm; trong khi đó xã Quảng Lập từ vị trí dẫn đầu hài lòng năm 2016 với 91,24 điểm đến năm nay đã tụt xuống vị trí thứ hai với 87,8 điểm. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh sự hài lòng này, người dân cũng đã phản ánh không ít các ý kiến không hài lòng, nhất là về thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận một cửa của nhiều xã - thị trấn trên địa bàn. 
 
Cụ thể, như với UBND xã Lạc Xuân, có ý kiến cho rằng phải đi lại nhiều lần mới làm xong hồ sơ, công chức địa chính nơi đây còn gây khó dễ cho người dân. Tại UBND xã Lạc Lâm, công chức địa chính không linh hoạt trong xử lý hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ đất đai, người dân cũng phải đi lại nhiều; thủ tục xét cấp quyền sử dụng đất chậm trễ. Tại UBND xã Próh, người dân đề nghị công chức bộ phận một cửa nên đi làm đúng giờ để tránh việc người dân đến phải chờ đợi. Với bộ phận một cửa thị trấn Dran, người dân đề nghị công chức cần hướng dẫn tận tình hơn để người dân hiểu được. 
 
Đặc biệt, với UBND xã Tu Tra có những ý kiến phản ảnh về việc có cán bộ tại bộ phận một cửa không nhiệt tình, không chịu giải thích rõ ràng với người làm thủ tục hành chính; còn nói lớn tiếng, khó chịu, không vui vẻ khi tiếp xúc dân; thiếu phiếu hẹn trả kết quả, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong làm thủ tục đất đai...
 
Những giải pháp 
 
Thông qua đánh giá chỉ số CCHC 2017, UBND huyện Đơn Dương đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong CCHC cấp xã hiện nay.
 
Đó là việc một số lãnh đạo xã - thị trấn còn chưa quan tâm đúng mức, chưa nỗ lực đẩy mạnh công tác CCHC tại đơn vị mình. Một số xã - thị trấn chưa lập giấy tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả đối với những hồ sơ có quy định thời hạn giải quyết; chưa khai thác hiệu quả phần mềm một cửa điện tử. Trong tự chấm điểm chỉ số CCHC, một số địa phương chưa đánh giá một cách chính xác, thiếu tài liệu kiểm chứng; trong điều tra xã hội học, các địa chỉ cung cấp chưa đầy đủ và chính xác. Cùng đó, nhiều xã chưa kịp thời chấn chỉnh thái độ, tác phong của công chức trong thực hiện công vụ. 
 
Chính vì vậy, Đơn Dương dịp này đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả CCHC cấp xã trong thời gian đến. Đặc biệt, để tăng sự hài lòng của người dân đến làm thủ tục, huyện yêu cầu các xã - thị trấn phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá định kỳ lẫn đánh giá đột xuất cán bộ - công chức tại đơn vị mình để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân.
 
VIẾT TRỌNG