Đam Rông quyết liệt xử lý các vụ vi phạm lâm luật

08:11, 15/11/2018

Qua điều tra, khảo sát, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, có những vụ việc nổi cộm phải truy cứu trách nhiệm hình sự, UBND huyện Đam Rông đã có những chỉ đạo quyết liệt giải quyết các vụ vi phạm.

Qua điều tra, khảo sát, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, có những vụ việc nổi cộm phải truy cứu trách nhiệm hình sự, UBND huyện Đam Rông đã có những chỉ đạo quyết liệt giải quyết các vụ vi phạm.
 
Trước những diễn biến còn phức tạp, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện Đam Rông phải tập trung tăng cường về công tác QLBVR
Trước những diễn biến còn phức tạp, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện Đam Rông phải tập trung tăng cường về công tác QLBVR
Thời gian qua, UBND huyện Đam Rông đã có những chỉ đạo trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, tố giác các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 
Cụ thể, ngày 26/9/2018, đối tượng Rơ Jê Ha Krong, thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông đã phá rừng với diện tích 19.226 m2 tại Tiểu khu 70, lâm phần do Ban Quản lý rừng Sêrêpốk quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường và khởi tố vụ án, chuyển cơ quan Công an huyện điều tra xử lý. Nhức nhối hơn là vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích là 39.808 m2 tại Tiểu khu 261, địa giới hành chính xã Phi Liêng thuộc lâm phần do Ban QLRPH Phi Liêng quản lý do Lê Văn Tuấn (SN 1988) thực hiện và đang được cơ quan Công an huyện ban hành quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can để điều tra, xử lý theo quy định.
 
Đó chỉ là 2 trường hợp trong nhiều trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh vi phạm lâm luật. Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, UBND các xã và cơ quan chức năng có liên quan trong công tác kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng đã phát hiện và lập biên bản 60 vụ vi phạm (giảm 24 vụ so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng giảm 30% về số vụ). Trong đó, phá rừng trái pháp luật 15 vụ, khai thác rừng trái phép 25 vụ, vận chuyển lâm sản 7 vụ, mua bán, cất giữ lâm sản 13 vụ. Huyện đã tiến hành xử lý 51/60 vụ, nộp ngân sách hơn 437 triệu đồng. Tuy số vụ vi phạm đã giảm so với năm 2017 nhưng vẫn có những vụ việc có tính phức tạp, nổi cộm.
 
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do sức ép di dân tự do, tập quán canh tác của người dân. Việc xử lý vi phạm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông và đơn vị chủ rừng chưa có phương án hiệu quả đối phó khi các tình huống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép…
 
Theo ông Mai Chí Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, mặc dù công tác QLBVR đã được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, số vụ vi phạm tuy giảm nhưng một số vụ có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ vi phạm tại Tiểu khu 216 xã Phi Liêng. Tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn phá rừng rất khó kiểm soát, các đối tượng này vào cư trú trái phép tại các khu vực giáp ranh với huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông), ngang nhiên phá rừng làm rẫy và rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng mỏng, giao thông đi lại khu vực này xa xôi, hẻo lánh nên rất khó khăn trong việc tuần tra, xử lý vi phạm. Thực trạng trên đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác QLBVR của huyện. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, mua bán cất giấu lâm sản trái phép xảy ra tương đối phức tạp ở một số địa bàn xã điển hình như Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Liêng Srônh và Đạ Long. Nhiều vụ đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm. Đặc biệt, tại các xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng xảy ra tình trạng phá rừng trồng, ken cây để lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp rất khó ngăn chặn, xử lý; trong đó có nhiều vị trí rừng trồng bị nhổ, chặt phá nhiều lần. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra phức tạp nhưng việc xử lý chưa kiên quyết, chậm phát hiện để giải tỏa, thu hồi theo quy định.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt xử lý các vụ việc vi phạm để tạo tính răn đe, giáo dục cho người dân. Cùng với đó, sẽ tăng cường đi kiểm tra rừng, nắm bắt tình hình thực tế để chỉ đạo chủ rừng, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã thực hiện nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ trong công tác, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ vi phạm lâm luật; kiên quyết giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải nắm chắc thông tin tình hình dân di cư tự do vào địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp phá rừng làm rẫy trái phép. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, xử lý nghiêm minh, triệt để các vụ vi phạm Luật BV&PTR, nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2018.
 
H.YÊN - H.THẮM