Không những là cán bộ phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) năng nổ trong công tác Hội, chị Lơ Mu Rô Bên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 1, xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương) còn vươn lên làm giàu chính đáng và hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế.
Không những là cán bộ phụ nữ người dân tộc thiểu số (DTTS) năng nổ trong công tác Hội, chị Lơ Mu Rô Bên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 1, xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương) còn vươn lên làm giàu chính đáng và hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế.
|
Chị Rô Bên (áo xanh bên phải) đang thu mua rau của chị em hội viên. Ảnh: T.Hương |
Chúng tôi hẹn mãi mới gặp được chị Rô Bên, bởi ngày nào chị cũng bận rộn với mấy sào rau, hoa và thu mua rau củ của chị em hội viên, có khi phải đến từng vườn cắt và chở rau về vựa. Trời đã quá trưa, chị vẫn vừa nói chuyện, vừa vội vàng cân, ghi sổ từng sọt rau cho kịp chuyến hàng để sáng sớm mai, rau củ Đà Lạt có mặt tại các chợ và siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, vựa rau của chị xuất khoảng 2 tấn rau sạch tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là các loại nông sản do chính chị em hội viên trong thôn trồng. Để làm được điều này, từ thói quen canh tác cà phê truyền thống của gia đình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thôn 1 đã suy nghĩ, tìm tòi, hỏi học và liên hệ nhiều nơi. Chị mạnh dạn đầu tư trồng rau, hoa theo mô hình công nghệ cao. Thấy được hiệu quả, chị vận động chị em hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Và chị cũng là người đứng ra thu mua sản phẩm của chị em sau khi thu hoạch. Chị Rô Bên tâm sự: “Mới đầu, mình cũng như bao hộ khác chỉ trồng cà phê. Nhưng thấy giá cả bấp bênh, một năm chỉ thu được một vụ nên mình học theo mấy hộ người Kinh trồng rau. Rồi rau cũng bị thương lái ép giá, mình quyết liên hệ bạn bè, người quen để tìm mối tiêu thụ. Từ chỉ ít sản phẩm của gia đình, mình thu gom của chị em hội viên để họ có đầu ra ổn định và không bị ép giá như trước kia”.
Đã hơn 1 năm cân rau cho vựa của Rô Bên, chị Lơ Mu K’Lin - Thôn 1, xã Đạ Sar phấn khởi: “Nhờ có Rô Bên mà rau mình trồng không sợ bị ép giá hay nhổ bỏ như trước kia. Mới đầu, mình chỉ trồng 1 sào vì không có vốn, được Rô Bên giới thiệu vay vốn của Hội Phụ nữ, giờ mình trồng 3 sào khi thì súp lơ xanh, khi thì cải thảo, sú tim... Không những được giúp về vốn, Rô Bên còn vận động chị em giúp nhau ngày công. Kinh tế gia đình nhờ đó mà bớt khó khăn, mình vừa thoát khỏi hộ nghèo năm ngoái đấy!”.
Việc thành lập tổ liên kết thu mua rau sạch của chị Lơ Mu Rô Bên được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đánh giá là ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ. |
Không riêng gì chị K’Lim, vựa rau của chị Rô Bên trở thành nơi tạo sự yên tâm cho chị em hội viên trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, đây cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho những hội viên phụ nữ khó khăn có thu nhập trung bình 200 ngàn/người/ngày. Với những hộ nghèo, chị bao tiêu sản phẩm từ đầu tư giống, phân bón đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu mua đầu ra. Chị cùng Chi hội xây dựng nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, chị Rô Bên đã vận động hội viên giúp nhau hơn 1.000 ngày công lao động cho 54 chị. Chi hội Phụ nữ Thôn 1 hiện có 60 hội viên được vay vốn sản xuất với tổng dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng.
Bận rộn với công việc mưu sinh của gia đình và hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế, nhưng chị Rô Bên vẫn rất tích cực trong công tác phụ nữ. Ban ngày tất bật với mảnh vườn của mình, rồi thu mua rau củ của chị em, ban đêm chị tranh thủ đến từng nhà vận động hội viên tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ. Đặc biệt, chị là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không quan trọng chuyện con trai - con gái. Chị luôn lấy câu chuyện bản thân mình có hai con trai nhưng vẫn không sinh thêm nữa, mặc dù theo chế độ mẫu hệ của người DTTS, con gái mới là trụ cột trong gia đình.
“Chi hội Phụ nữ Thôn 1 luôn được xem là điển hình của Hội Phụ nữ xã, nhất là các mô hình hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình thu mua sản phẩm của chị Rô Bên. Không những nhiệt tình trong công tác Hội, chị Rô Bên còn là người nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, đồng thời, hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế”, chị Liêng Jrang K’Đom - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Sar cho hay.
Trước khi ra về, chị Rô Bên gửi tặng chúng tôi một bịch rau củ tươi xanh: “Rau sạch đó, sản phẩm của chị em phải đảm bảo chất lượng, mình dần khẳng định uy tín với các đầu mối và đến giờ, chưa khi nào nông sản của chị em hội viên bị ùn ứ hay ép giá”.
TUẤN HƯƠNG