Diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2018

08:11, 26/11/2018

Tính đến ngày 9/11/2018, tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng của toàn tỉnh Lâm Ðồng là gần 373.841 ha có hồ sơ chi trả năm 2018. Ðến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh đã chuyển tạm ứng kinh phí bảo vệ rừng (BVR) quý III/2018 đến 16 đơn vị trên địa bàn với số kinh phí tạm ứng là hơn 29,291 tỷ đồng.

Tính đến ngày 9/11/2018, tổng diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng của toàn tỉnh Lâm Ðồng là gần 373.841 ha có hồ sơ chi trả năm 2018. Ðến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh đã chuyển tạm ứng kinh phí bảo vệ rừng (BVR) quý III/2018 đến 16 đơn vị trên địa bàn với số kinh phí tạm ứng là hơn 29,291 tỷ đồng.
 
Phổ biến về chi trả DVMTR qua hình thức điện tử. Ảnh: Đ.P
Phổ biến về chi trả DVMTR qua hình thức điện tử. Ảnh: Đ.P

Diện tích thực hiện đạt 98,3% so kế hoạch
 
Theo kế hoạch phê duyệt của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 380.332 ha, diện tích đã thực hiện đạt 98,3%; trong đó, gần 353.892 ha thuộc khoán BVR và gần 19.949 ha thuộc tự quản lý bảo vệ. Theo đó, toàn tỉnh có 15.897 hộ được giao khoán, bao gồm 12.435 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 3.462 hộ đồng bào Kinh và 33 tập thể. Phân theo loại chủ rừng, có chủ rừng nhà nước; chủ rừng ngoài nhà nước và chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng. Đối với chủ rừng nhà nước bao gồm 15 ban quản lý rừng, 2 vườn quốc gia, 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, tổng diện tích UBND tỉnh phê duyệt 354.901 ha, thực hiện đạt 98,8% kế hoạch; trong đó, diện tích khoán BVR gần 330.975 ha và tự quản lý bảo vệ gần 19.762 ha. Chủ rừng ngoài nhà nước bao gồm 67 đơn vị, tổng diện tích thực hiện đạt 89,3%; trong đó gần 14.803 ha khoán BVR và hơn 187 ha tự quản lý bảo vệ. Chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng tổng diện tích thực hiện khoán BVR hơn 8.114 ha, đạt 94%. 
 
Cũng thống kê từ Quỹ BV&PTR tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các đơn vị chủ rừng đều thực hiện đạt trên 95% diện tích (diện tích có hồ sơ chi trả năm 2018 so với diện tích được UBND tỉnh phê duyệt). Đặc biệt có khá nhiều đơn vị chủ rừng đã thực hiện đạt 100% trở lên so với kế hoạch phê duyệt. Đó là các ban quản lý rừng phòng hộ: Lâm Viên, D’Ran, Nam Huoai, Vườn Quốc gia Cát Tiên (chủ rừng nhà nước); các công ty TNHH: Đặng Gia, Thác Rồng, Tiến Lợi, Acteam International, Đàm Thịnh, Đỉnh Thuận,…; các công ty cổ phần: Hoa Sen, An Lợi, Sài Gòn - Madagui,…; các doanh nghiệp tư nhân: Thanh Đa, Công ty Thảo Điền,… (chủ rừng ngoài nhà nước). Tuy nhiên, cũng có những đơn vị chủ rừng còn thực hiện đạt thấp so kế hoạch tỉnh phê duyệt; trong đó, chủ rừng nhà nước có Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Tây Nguyên đạt 68%, với gần 2.009/2.956 ha; Hạt Kiểm lâm Cát Tiên 73,3%, với gần 497/678 ha; Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm 88,6% với gần 740/836 ha. Đối với chủ rừng ngoài nhà nước, tỷ lệ đạt diện tích thực hiện so với kế hoạch phê duyệt thấp nhất là Công ty TNHH Ván ép Trung Nam, chỉ 34,1% (56,97/167 ha); kế đó là Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật 84,7% (62,22/73 ha).         
 
Thí điểm chi trả qua giao dịch điện tử
 
Từ ngày 15-17/10/2018, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) tại Lâm Đồng; VFD đã phối hợp với Quỹ BV&PTR Việt Nam (VNFF), Quỹ BV&PTR Lâm Đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức chuyến đi thực tế tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Tẻh để triển khai thí điểm chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử. Cụ thể, thực hiện giao dịch với cộng đồng thôn Kalatongu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; cộng đồng Thôn 3, xã Lộc Bảo, hộ gia đình xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm và hộ gia đình xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh.
 
Để nắm rõ phương thức giao dịch chi trả thông suốt, đoàn công tác đã tuyên truyền, giới thiệu ưu điểm của hình thức chi trả tiền DVMTR qua giao dịch điện tử cho đối tượng được thụ hưởng, trong đó, rõ nhất là sự đơn giản và tiện lợi trong giao dịch của dịch vụ này. Sau thời gian phân tích và thảo luận, các hộ đã thống nhất cao với hình thức chi trả này và đi đến quyết định chọn hình thức giao dịch điện tử Viettelpay do Viettel giới thiệu. Theo đó, các đối tượng được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách thức mở tài khoản, cách sử dụng Viettelpay và trải nghiệm thực tế tại chỗ. Đa số các hộ bước đầu đã nắm bắt được hình thức chi trả tiền qua giao dịch điện tử và tự sử dụng được ứng dụng Viettelpay để thực hiện giao dịch.
 
Các nhà tổ chức cho biết, trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của Dự án VFD, Quỹ BV&PTR Lâm Đồng sẽ phối hợp Viettel Lâm Đồng tiếp tục rà soát các đối tượng được chi trả và các thủ tục liên quan để phấn đấu tiền DVMTR năm 2018 của các đối tượng này phải được chi trả toàn bộ thông qua giao dịch điện tử Viettelpay. Những mô hình này sẽ làm cơ sở rút kinh nghiệm để triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 7491/BNN-TCLN ngày 26/9/2018 và của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 6483/UBND-LN ngày 9/10/2018.
 
ÐẠO PHAN