Nhà giáo Lâm Ðồng trước yêu cầu đổi mới giáo dục

08:11, 14/11/2018

Năm học 2018 - 2019 là năm học bản lề quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019 - 2020. Trong đó, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của chương trình. 

Năm học 2018 - 2019 là năm học bản lề quan trọng để ngành Giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm học 2019 - 2020. Trong đó, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của chương trình. Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018) và Tôn vinh nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2018, Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn bà Ðàm Thị Kinh - Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GDÐT) về tình hình đội ngũ nhà giáo Lâm Ðồng trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
 
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GDĐT trao tặng vòng nguyệt quế cho các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: T.H
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GDĐT trao tặng vòng nguyệt quế cho các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: T.H

PV: Xin bà cho biết tình hình đội ngũ nhà giáo Lâm Đồng hiện nay?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Đối với ngành Giáo dục Lâm Đồng, đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị. Tổng số CBQL, giáo viên và nhân viên toàn ngành hơn 24 ngàn người; trong đó: CBQL 1.714; giáo viên 18.831 (đạt chuẩn 97,8%, tính cả số giáo viên ở nhóm trẻ độc lập, tư thục; trên chuẩn trong số đạt chuẩn: 69,59%); các loại hình nhân viên 4.384 người. Đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục được bồi dưỡng thường xuyên, vững vàng về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. 
 
Tình hình đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục trên địa bàn tỉnh không biến động, do không tăng biên chế nên Sở GDĐT điều chuyển số giáo viên dôi, dư đến các đơn vị còn thiếu theo nhu cầu năm học. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc bổ nhiệm, luân chuyển CBQL, điều chuyển giáo viên của các trường, đơn vị trực thuộc Sở theo nhu cầu thực tế. Sở cũng đã trình Sở Nội vụ để trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức (hình thức xét tuyển đặc cách) cho đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn. 
 
PV: Ngành có kế hoạch gì để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT, thưa bà?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Ngành Giáo dục Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ CBQL, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và đổi mới chương trình GDPT trong thời gian tới. Trong đó, xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của chương trình. Để chuẩn bị sẵn sàng cho chương trình mới, đội ngũ giáo viên phải được bồi dưỡng cả về kiến thức và kỹ năng sư phạm. Trong quá trình bồi dưỡng giáo viên, chú ý trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, kỹ năng xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, khuyến khích tinh thần sáng tạo của mỗi giáo viên. Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi của đơn vị làm nòng cốt trong giảng dạy, thực hiện các hoạt động giáo dục liên quan đến đổi mới GDĐT.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo; mỗi thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. 
 
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần thực hiện Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư “4.0” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh của UBND tỉnh; triển khai mô hình trường học, lớp học thông minh; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên. 
 
PV: Khó khăn hiện nay khi CBQL, giáo viên tiếp cận chương trình đổi mới GDPT là gì, thưa bà?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Khó khăn lớn nhất là kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị rất hạn chế, vì vậy khó khăn trong việc tạo điều kiện cho công chức, viên chức tham gia đào tạo và bồi dưỡng. Một số cán bộ quản lý trường học chưa thật sự năng động, sáng tạo; nghiệp vụ, phương pháp quản lý còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên THPT ở vùng sâu mới vào nghề, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, còn lúng túng trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học. Một số ít cán bộ QLGD còn nặng về quản lý hành chính, nhiều giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nhưng không biết tiếng DTTS, thiếu hiểu biết về tâm sinh lý học sinh người dân tộc; chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. 
 
PV: Vậy ngành đề ra giải pháp gì để khắc phục khó khăn này?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Ngành đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp; tiếp tục quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục chủ chốt ở các cấp, các trường (cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng và cấp trường) để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng tốt; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở ở địa phương và giữa các địa phương, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý điều hành; triển khai bồi dưỡng đội ngũ CBQL giáo dục các cấp. Ngành cũng đã kiến nghị với Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan để có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhà giáo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trên chuẩn để động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và CBQL học tập nâng cao trình độ. 
 
PV: Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
 
TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)