Dạy tiếng Việt ở xứ người

08:11, 14/11/2018

4 năm mang tiếng Việt sang Lào để giảng dạy, với thầy Nguyễn Hữu Nghĩa (40 tuổi, giáo viên Trường THPT Lâm Hà), đó không phải là thời gian dài, nhưng đủ để tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá.
 

4 năm mang tiếng Việt sang Lào để giảng dạy, với thầy Nguyễn Hữu Nghĩa (40 tuổi, giáo viên Trường THPT Lâm Hà), đó không phải là thời gian dài, nhưng đủ để tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá.
 
Thầy Nguyễn Hữu Nghĩa trong giờ Ngữ văn tại Trường THPT Lâm Hà. Ảnh: V.Quỳnh
Thầy Nguyễn Hữu Nghĩa trong giờ Ngữ văn tại Trường THPT Lâm Hà. Ảnh: V.Quỳnh

Năm học này, thầy Nghĩa chính thức kết thúc 2 nhiệm kỳ dạy học tại Lào, trở về lại ngôi trường THPT Lâm Hà - nơi trước đó thầy đã gắn bó 12 năm - để bắt đầu một năm học mới, tiếp tục hành trình truyền kiến thức và niềm yêu thích văn chương cho những học sinh huyện Lâm Hà.
 
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa được điều về công tác tại Trường THPT Lâm Hà và giảng dạy môn Ngữ văn. Môn dạy phù hợp với kiến thức chuyên môn nên thầy Nghĩa không gặp mấy khó khăn trong quá trình công tác, nhất là sau khi thầy học và lấy bằng thạc sĩ vào năm 2010. 
 
Tuy nhiên, với mong muốn của một người trẻ luôn muốn thử thách bản thân bằng những trải nghiệm mới, thầy Nghĩa đăng ký tham gia khóa giảng dạy tiếng Việt tại Lào với suy nghĩ: “Đi để học hỏi được nhiều điều mới lạ”.
 
Nghĩ vậy, và đi, chỉ sau 2 tuần tập huấn tiếng Lào ngắn ngủi tại Hà Nội. Từ tháng 10/2014 - 30/7/2016, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa giảng dạy tại Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Ngôn ngữ, Đại học Quốc gia Lào. Tại đây, thầy giảng dạy môn tiếng Việt và môn Kỹ năng nói; Tìm hiểu, nghiên cứu để biên soạn chương trình, nội dung môn Kỹ năng nói, tạo cơ sở, tiền đề cho người dạy và người học trong những năm tiếp theo; Hướng dẫn sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp Đại học. Ngoài ra, thầy Nghĩa còn dạy lớp Dự bị tiếng Việt cho học viên trước khi sang Việt Nam học. 
 
Nhớ lại khoảng thời gian đầu mới sang Lào, thầy Nghĩa nói rằng chỉ cần gói gọn trong một từ: Khó khăn. Mà cái khó đầu tiên và quan trọng nhất là rào cản về ngôn ngữ. “Mặc dù trước khi sang Lào giảng dạy, chúng tôi đã được tập huấn ở Hà Nội 2 tuần, tuy nhiên thời gian quá ngắn nên chưa học được nhiều, chưa đủ vốn từ cơ bản để giao tiếp và hỗ trợ trong giảng dạy. Trong khi đó trình độ về tiếng Việt của học sinh, sinh viên không đồng đều, nhiều học sinh, sinh viên còn yếu” - thầy Nghĩa chia sẻ.
 
Bên cạnh đó, giáo trình và tài liệu tham khảo của một số môn chưa đầy đủ, thậm chí có môn chưa có khiến thầy Nghĩa không có cách nào khác ngoài việc vừa giảng dạy, vừa tìm tòi biên soạn. Ngoài ra còn có sự hạn chế trong hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán về nước bạn, chưa có phương tiện cá nhân...
 
Đứng trước những khó khăn đó, thầy Nghĩa vẫn tự thôi thúc mình, rằng: “Dù môi trường nào cũng phải cố gắng, chịu khó, nỗ lực không ngừng để vượt qua”. Ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của một giáo viên - đảng viên là phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giao, trước hết, thầy Nghĩa tăng cường học tiếng Lào, học hỏi từ đồng nghiệp, từ học sinh, sinh viên Lào, học và lấy chứng chỉ tiếng Lào để có thể giao tiếp và hỗ trợ cho việc giảng dạy tiếng Việt được tốt hơn. Với những môn chưa có giáo trình, thầy tìm tòi, nghiên cứu, dựa vào Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài mà Bộ Giáo dục đã ban hành để soạn tài liệu dạy học.
 
Để hiểu hơn về đất nước và con người nước bạn Lào, thầy Nghĩa tích cực tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, văn nghệ của Khoa tiếng Việt; đồng thời lồng ghép vào bài giảng của mình những bài giới thiệu về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, để học sinh, sinh viên Lào hiểu rõ hơn về đất nước và con người của quê hương mình.
 
“Vượt qua những khó khăn đó, điều lớn nhất tôi nhận lại được là tình cảm của học sinh, sinh viên và đồng nghiệp nước bạn Lào - như tình cảm gắn bó truyền thống từ trước đến nay của nhân dân 2 nước”. Đó có lẽ cũng chính là lý do sau khi kết thúc nhiệm kỳ 1, thầy Nghĩa tiếp tục đăng ký ở lại Lào, dạy tại Trường THPT Chuyên tỉnh Hủa Phăn từ tháng 9/2016 - tháng 5/2018. Ngôi trường là quà tặng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được Việt Nam xây dựng như một món quà của tình hữu nghị Việt - Lào.
 
Ngoài việc giảng dạy cho học sinh trong trường, thầy Nghĩa còn dạy cho lớp cán bộ ở Bệnh viện tỉnh, bộ đội, công an và những người có nhu cầu học tiếng Việt. Bên cạnh đó, thầy Nghĩa cũng đề xuất với các trường biên soạn ngân hàng đề thi cho các khóa để giáo viên học hỏi lẫn nhau, đồng thời nâng cao kỹ năng ra đề thi; Thành lập CLB Những người yêu thích tiếng Việt để lôi cuốn người học, tạo sân chơi giữa những tài năng; Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các lớp, các khóa,...
 
Kết thúc 2 nhiệm kỳ với 4 năm dạy học, thầy Nghĩa đã nhận được nhiều giấy khen của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào, giấy khen của Giám đốc ĐH Quốc gia Lào,... cho sự nhiệt tình giảng dạy, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng trên hết, thầy Nghĩa bảo rằng, điều đáng quý nhất mà thầy nhận được chính là tình cảm của học sinh và đồng nghiệp, là kỷ niệm về những lần tham gia lễ hội truyền thống của Lào hay những bài học kinh nghiệm tự rút ra trong quá trình giảng dạy. Thầy nói rằng: “Sự học là trọn đời. Mình là giáo viên thì lại càng phải học, chính vì vậy tôi chọn 4 năm tại Lào như là một cách để học hỏi thêm nhiều điều mới và bổ ích”.
 
VIỆT QUỲNH