Miệt mài "gieo chữ" vùng sâu

08:11, 14/11/2018

Gặp cô giáo PhiLang khi cô đang chuẩn bị cho tiết 3 môn Lịch sử tại lớp 7A - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở  huyện Ðam Rông. Trong tiết giảng chiều nay, cô dùng phương pháp tích hợp cả môn Ðịa lý và Ngữ văn vào cùng Lịch sử. Bởi theo cô, đây là phương pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số dễ tiếp thu bài nhất. 

Gặp cô giáo PhiLang khi cô đang chuẩn bị cho tiết 3 môn Lịch sử tại lớp 7A - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (PT DTNT THCS) huyện Ðam Rông. Trong tiết giảng chiều nay, cô dùng phương pháp tích hợp cả môn Ðịa lý và Ngữ văn vào cùng Lịch sử. Bởi theo cô, đây là phương pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) dễ tiếp thu bài nhất. 
 
Để học sinh DTTS dễ tiếp thu môn Lịch sử, cô PhiLang thường tổ chức học theo nhóm. Ảnh: Việt Hùng
Để học sinh DTTS dễ tiếp thu môn Lịch sử, cô PhiLang thường tổ chức học theo nhóm. Ảnh: Việt Hùng

Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Kră Jãn PhiLang luôn nỗ lực miệt mài “gieo chữ” cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Trên lớp, cô PhiLang luôn quan tâm sát sao tới học sinh, dạy học theo phương pháp truyền thụ bám sát đối tượng và đưa ra những hình thức giảng dạy phù hợp.
 
Với đặc thù học sinh nhà trường thuộc nhiều dân tộc khác nhau, có nhiều ngôn ngữ, các em cũng hạn chế trong việc tiếp thu tiếng Việt. Vì vậy, giáo viên phải giải thích, lồng ghép các môn học... Đặc biệt, tổ chức học theo nhóm và cử học sinh khá truyền đạt lại cho những học sinh yếu. 
 
Là giáo viên trẻ nên cô tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, dạy học bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng. Từng năm học, cô lên kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngoài ra, vì học sinh ở môi trường nội trú nên cô PhiLang thường xuyên tranh thủ giờ các em tự học ở phòng vào buổi tối để hướng dẫn, giảng bài thêm. Có lẽ vì vậy, môn Lịch sử tuy khó nhớ với những con số, sự kiện nhưng chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng lên, đồng thời, là môn thế mạnh của Trường PT DTNT THCS huyện Đam Rông. Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, năm nào trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh môn học này. 
 
K’Jong - cô học trò đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử năm học 2017 - 2018 chia sẻ: “Cũng nhờ cô PhiLang bồi dưỡng, khích lệ và động viên em tham gia dự thi. Trước đây, em thấy môn Lịch sử rất khó học, khó nhớ. Nhưng cách cô PhiLang giảng dạy, truyền đạt kiến thức giúp em dễ tiếp thu, và em bắt đầu yêu thích Lịch sử khi học lớp 7”.
 
“Bên cạnh nỗ lực trong công tác chuyên môn, đặc biệt là bồi dưỡng học sinh giỏi, cô PhiLang luôn nhiệt tình tham gia các phong trào do công đoàn, nhà trường phát động. Cô cũng là giáo viên tích cực trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường và cùng đồng nghiệp tìm ra những phương pháp giáo dục học sinh DTTS ở trường nội trú hiệu quả nhất”, thầy Nguyễn Đức Anh - Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS huyện Đam Rông cho biết.
 
Dạy xong tiết cuối chiều cuối tuần, cô PhiLang vội vã trở về căn phòng trọ, nhanh tay gói ghém ít đồ đạc cho kịp chuyến xe để về với con gái nhỏ. Nhà ở Lạc Dương, cô phải gửi con cho ông bà khi bé vừa tròn 6 tháng tuổi. Đến nay, con gái gần 2 tuổi, cô vẫn phải tranh thủ mỗi tháng về thăm đôi lần...
 
VIỆT HÙNG