Mặt trận Tổ quốc tổ chức tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

08:11, 15/11/2018

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) do Đảng ta sáng lập, luôn đóng một vai trò quan trọng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, để động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) do Đảng ta sáng lập, luôn đóng một vai trò quan trọng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, để động viên toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. MTTQVN là tên chung cho nhiều hình thức tổ chức trong từng giai đoạn lịch sử với tên gọi khác nhau nhưng đều có tiền thân là Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Tư liệu
Mặt trận Tổ quốc - nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc
 
Trải qua các thời kỳ hoạt động, MTTQVN không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. 
 
Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập đã giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 10/1930, Hội nghị BCH Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị, đồng thời ra “Án nghị quyết về vấn đề phản đế”. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Đó là hình thức tổ chức đầu tiên của MTTQVN. Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, MTTQVN có những hình thức, tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ, nhưng tất cả đều nhằm mục đích xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. 
 
Sự ra đời và không ngừng phát triển của MTTQVN là kết quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc lên một tầm cao mới. Sớm tiếp thu tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ sức mạnh đoàn kết phải bắt đầu từ dân, có dân là có tất cả. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn coi trọng và đề cao tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là cội nguồn của sức mạnh, đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ lý luận và thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã tổng kết thành một chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. 
 
Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đúng như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Rõ ràng, vấn đề đại đoàn kết toàn dân thông qua hệ thống MTTQVN vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là nhiệm vụ và giải pháp của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong Đảng mà của cả toàn xã hội, không chỉ người Việt Nam ở trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài. 
 
Trong các văn kiện của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQVN là tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”. Tuy nhiên, muốn lãnh đạo Mặt trận, thông qua mặt trận để lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết toàn dân, trước hết Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí làm cơ sở vững chắc để xây dựng sự đoàn kết của toàn dân. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì sự đoàn kết của dân tộc thông qua tổ chức MTTQVN càng được tăng cường.
 
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới 
 
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình và nhiều âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cản trở tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Do đó, nhu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân càng đặt ra một cách bức thiết. Điều đó càng đòi hỏi phải tăng cường, nâng cao hơn nữa vai trò, tác dụng của MTTQVN trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
 
Hiện nay, địa vị, mối quan hệ và lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội; tôn giáo, dân tộc… đang có những thay đổi. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết một cách hài hòa, đúng đắn các mối quan hệ chính trị, lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, giữa lợi ích trong nước và ngoài nước trong quá trình hội nhập; không để xẩy ra các xung đột chính trị, lợi ích kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
 
Để phát huy vai trò của Mặt trận trong giai đoạn mới, MTTQVN thực hiện chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng khối đại đoàn kết một cách bền vững, đòi hỏi chúng ta phải khắc phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều, hình thức, đoàn kết thiếu đấu tranh với những mặt chưa tốt. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. 
 
Là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo cùng chung sống nên tỉnh Lâm Đồng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng MTTQ các cấp không ngừng lớn mạnh, đủ uy tín và khả năng phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực sự là chỗ dựa của chính quyền, có uy tín trong tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động… Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tình đoàn kết, tính đồng thuận xã hội trên địa bàn không ngừng được củng cố và nâng cao…
 
Kỷ niệm 88 năm ngày MTTQVN ra đời, càng tự hào chúng ta càng phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc; ra sức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
KHÁNH LINH